Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam -Liên hiệpchâu Âu (EU) đang đàm phán sẽ đem lại cơ hội cho hàng xuất khẩu Việt Nam vào thị trường này nhưng doanh nghiệp (DN) cần chú ý xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực.
Đây là ý kiến của các chuyên gia tại diễn đàn “Nâng tầm quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam - EU” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TPHCM và Phái đoàn EU tại Việt Nam tổ chức hôm 29-5.
Trong vòng 10 năm, từ 2002-2012, kim ngạch thương mại Việt Nam - EU tăng 5,9 lần (từ 4,9 tỉ USD lên đến 29,1 tỉ USD). Năm 2012, EU đã vượt Mỹ, trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 29,09 tỉ USD. Ba tháng đầu năm 2013, Việt Nam xuất qua EU đạt kim ngạch 4,34 tỉ USD - tăng 27,18% và nhập khẩu 1,78 tỉ USD - tăng 23,74% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Jean Jacques Bouflet, tham tán công sứ Phái đoàn EU tại Việt Nam, cho biết các mặt hàng xuất nhập khẩu giữa 2 thị trường mang tính chất hỗ trợ chứ không cạnh tranh nhau. Việt Nam xuất khẩu giày dép, hàng dệt may, cà phê, đồ gỗ, hải sản, trong khi nhập khẩu từ EU máy móc, thiết bị công nghệ cao… Khi FTA được ký kết, gần 90% mặt hàng xuất khẩu sang EU sẽ được hưởng mức thuế suất 0% giúp DN Việt Nam cạnh tranh tốt hơn. Chẳng hạn, hiện giày dép Trung Quốc xuất khẩu vào EU đang chịu thuế suất 18%, dệt may 12%, nên nếu DN Việt Nam hưởng thuế suất 0% sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn. Nhờ FTA, các dòng vốn đầu tư từ EU sẽ chảy vào Việt Nam, giúp chuyển giao công nghệ, trao đổi kỹ thuật, phát triển ngành dịch vụ…
Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - Bộ Công Thương Đặng Hoàng Hải, trước đây, cách bán hàng của DN ta là “có gì bán nấy, ai mua thì mua”. Nay, DN cần cố gắng xuất khẩu hàng Việt Nam trực tiếp vào các chuỗi siêu thị lớn, hệ thống phân phối lớn của thế giới nói chung và EU nói riêng. Hiện nhiều hàng Việt bán qua 5-6 đại lý mới tới người tiêu dùng nhưng dưới tên và thương hiệu của đại lý nước ngoài. Trong khi đó, nếu xuất trực tiếp, hàng Việt vừa có thương hiệu riêng, lại quản lý được chất lượng, hiểu nhu cầu của người tiêu dùng để đáp ứng… “Ngay cả DN nước ngoài cũng muốn nhập khẩu trực tiếp hàng hóa Việt Nam để bảo đảm chất lượng, giá tốt, chủng loại phong phú” - ông Hải lưu ý.
Theo Người Lao Động
|