|
Bên lề hội nghị kinh tế biển vừa được tổ chức mới đây tại Hà Tĩnh, một lãnh đạo của Hà Tĩnh cho hay đến thời điểm này, tổng vốn đầu tư của tổ hợp Formosa đã lên tới 2 tỷ USD.
Con số này có thể được cảm nhận ngay khi người viết có mặt tại đại công trường Vũng Áng, nơi hàng ngàn tấn thiết bị, hàng triệu m3 đất đá đã được vận chuyển về san lấp tạo mặt bằng cho dự án.
Cho dù, như một đại diện của Formosa xác nhận với VnEconomy, con số 2 tỷ USD bao gồm cả các chi phí của dự án ở bên ngoài Việt Nam, thì những gì Formosa đã và đang làm tại Hà Tĩnh phần nào cho thấy quyết tâm của nhà đầu tư này.
Gần đây, một kế hoạch tăng công suất đồng thời tăng vốn gấp ba lần của chủ đầu tư cho dự án này cũng đã được công bố.
Dù đang đợi quyết định cuối cùng của Chính phủ, song với cách thức triển khai dự án một cách rất thực chất như hiện nay, nhiều người tin rằng kế hoạch trên sẽ sớm thành hiện thực. Việt Nam vẫn khát vốn đầu tư và trong bối cảnh nhiều dự án "tỷ đô" đang đắp chiếu, những dự án như của Formosa chắc chắn dành được sự ưu ái.
Tuy nhiên, ngay cả khi việc tăng vốn chưa được thực hiện thì với mức vốn đăng ký 9,9 tỷ USD hiện nay, tổ hợp Formosa vẫn là dự án “khủng” nhất tại Việt Nam. Không chỉ vậy, các dự án đi theo cũng đều có quy mô lớn và đang được triển khai tích cực.
Căn cứ quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết cảng Sơn Dương ngày 28/7/2009 của Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam mới đây đã phê duyệt quy hoạch xây dựng bến cảng chuyên dùng cho khu liên hợp gang thép Sơn Dương Formosa bao gồm 13 bến cảng trong giai đoạn 1, trong đó bố trí 3 bến cho tàu có trọng tải 300.000 DWT, 2 bến cho tàu trọng tải 200.000 DWT, và 8 bến còn lại cho các cỡ tàu từ 10.000 đến 70.000 tấn. Cảng Sơn Dương sau khi hoàn thành sẽ trở thành cảng chuyên dụng lớn nhất Việt Nam cho tàu tải trọng 300.000 DWT ra, vào làm hàng phục vụ nhà máy luyện thép và nhiệt điện.
Hiệu ứng đầu tư
Theo ông Lê Trung Phước, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh, hiện tại Vũng Áng đã có trên 200 doanh nghiệp được cấp đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận đầu tư với số vốn đăng ký hơn 16 tỷ USD.
Trong số này, một số dự án đã hoàn thành, đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả như: tổng kho khí hoá lỏng Bắc Trung Bộ; tổng kho xăng dầu Vũng Áng; cảng Vũng Áng với hai cầu cảng số 1 và số 2 công suất 1,3 triệu tấn/năm.
Trong khi đó, một số công trình, dự án lớn đang được nhà đầu tư huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ, như: nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 công suất 1.200 MW, vốn đầu tư 1,5 tỷ USD chuẩn bị đi vào phát điện thương mại; khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa công suất giai đoạn đoạn 1 là 7,5 triệu tấn, vốn đầu tư gần 10 tỷ USD (giai đoạn nâng công suất lên 15 triệu tấn, vốn đầu tư tăng thêm 9 tỷ USD) dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2014; dự án khách sạn 5 sao và cao ốc văn phòng (78,6 triệu USD); dự án khu du lịch dịch vụ hồ Tàu Voi (70 triệu USD), dự án trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng, chung cư Lobana (57,5 triệu USD), dự án khu đô thị dịch vụ và thương mại Phú Vinh (27 triệu USD)...
Ngoài ra, vẫn theo ông Phước, nhiều dự án có quy mô đầu tư lớn đang hoàn chỉnh hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận đầu tư, như: nhà máy lọc hoá dầu công suất 16 triệu tấn/năm (12,47 tỷ USD); Nhà máy luyện thép công suất 4,5 triệu tấn (5 tỷ USD); nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 công suất 1200MW (2,5 tỷ USD)... Và nhiều nhà đầu tư lớn khác trong và ngoài nước đang tìm hiểu cơ hội đầu tư, hợp tác kinh doanh.
Khu kinh tế Vũng Áng hiện là một trong 5 khu kinh tế trọng điểm được Chính phủ lựa chọn tập trung đầu tư tại đề án "Rà soát, xây dựng tiêu chí lựa chọn một số khu kinh tế ven biển để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 - 2015", được Thủ tướng phê duyệt.
Vũng Áng cũng được tập đoàn tư vấn Monitor (Mỹ) dành nhiều sự quan tâm trong quá trình xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng phê duyệt. Theo quy hoạch này, trong tương lai khu kinh tế Vũng Áng được xác định là vùng kinh tế động lực, nơi tập trung phát triển cụm ngành trọng điểm của tỉnh và khu vực trong định hướng phát triển không gian và lãnh thổ.
Theo VnEconomy
|