|
Chiều 10-9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Ðoàn công tác Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ðồng Tháp về tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trong chín tháng đầu năm 2013, kinh tế của Ðồng Tháp đạt được nhiều kết quả khả quan. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng gắn với tiêu thụ, xây dựng thương hiệu sản phẩm và tăng thu nhập cho nông dân. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản mang lại hiệu quả được nhân rộng, nhất là mô hình cánh đồng liên kết sản xuất lúa với diện tích hơn 50 nghìn ha. Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 6,87%; hoạt động thương mại - dịch vụ phát triển, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng các tháng đầu năm tăng 19,61% so với cùng kỳ 2012. Trong những tháng cuối năm 2013, Ðồng Tháp khẳng định quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2013...
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương những cố gắng, nỗ lực của lãnh đạo và nhân dân tỉnh Ðồng Tháp thời gian qua, mặc dù trong điều kiện khó khăn về tài chính nhưng kinh tế của địa phương vẫn liên tục tăng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị tỉnh Ðồng Tháp khai thác triệt để hơn nữa các tiềm năng, lợi thế của địa phương để phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là lợi thế về nông nghiệp, thủy sản. Trong phát triển nông nghiệp, thủy sản phải chủ động tính toán đầu ra của sản phẩm; liên kết chặt chẽ trong sản xuất và tiêu thụ nhằm tạo giá trị gia tăng cao; tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nhất là sản xuất lúa, trái cây, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng như cơ cấu lại sản phẩm công nghiệp theo hướng đa dạng hóa sản phẩm và phát triển bền vững; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, chủ động đón đầu các thị trường khi Việt Nam kết thúc đàm phán thành công hàng loạt hiệp định thương mại tự do sắp tới...
Thủ tướng chỉ đạo thời gian tới, lãnh đạo tỉnh Ðồng Tháp cần chỉ đạo quyết liệt hơn để đạt kết quả cao nhất những chỉ tiêu, kế hoạch đề ra; rà soát tổng vốn đầu tư thực hiện các dự án, công trình trên địa bàn để có giải pháp thi công hiệu quả; lưu ý việc huy động các nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng về giao thông, qua đó tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao để phục vụ cho các mục tiêu phát triển; tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác bảo đảm an sinh xã hội, phát triển y tế, giáo dục; quyết liệt thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ gắn liền với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Về những kiến nghị của Ðồng Tháp, Thủ tướng nhất trí và giao các bộ, ngành T.Ư phối hợp với tỉnh Ðồng Tháp khẩn trương hoàn thiện kế hoạch và bố trí vốn thực hiện.
* Trước đó, sáng 10-9, tại xã Ðịnh An, huyện Lấp Vò, UBND tỉnh Ðồng Tháp phối hợp Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức khởi công dự án xây dựng cầu Vàm Cống. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và phát lệnh khởi công.
Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu nối huyện Lấp Vò, tỉnh Ðồng Tháp và quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Cầu được thiết kế dạng dây văng có chiều dài 2,97 km; trong đó nhịp chính dài 870 m, hai cầu dẫn phía Ðồng Tháp và Cần Thơ mỗi bên dài khoảng 1 km. Tổng chiều dài toàn tuyến của dự án là 5,75 km. Bề rộng mặt cầu thiết kế có bốn làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ, vận tốc thiết kế 80 km/giờ. Cầu Vàm Cống kết nối với tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (Kiên Giang), dự án cũng bổ sung tuyến kết nối quốc lộ 91 phía TP Cần Thơ với tuyến tránh TP Long Xuyên, tỉnh An Giang. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 270 triệu USD (tương đương 5.687 tỷ đồng) từ nguồn vốn ODA ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Cầu Vàm Cống do Tổng công ty Ðầu tư Phát triển và Quản lý dự án hạ tầng Giao thông Cửu Long (Cửu Long CIPM) và Liên danh GS Engineering & Construction và Hanshin Engineering & Construction Co., Ltd (Hàn Quốc) hợp đồng xây dựng. Công trình dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2017.
Phát biểu ý kiến tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương nỗ lực của Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, các doanh nghiệp Việt Nam, Hàn Quốc và nhân dân địa phương vùng dự án trong quá trình chuẩn bị đầu tư và xúc tiến khởi công xây dựng cầu Vàm Cống. Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải đôn đốc, giám sát các doanh nghiệp, nhà thầu tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng, an toàn lao động, đúng tiến độ đưa cầu Vàm Cống vào sử dụng. Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành liên quan, UBND tỉnh Ðồng Tháp và TP Cần Thơ phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm an ninh trật tự trong quá trình thực hiện Dự án cũng như kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh nếu có.
Thủ tướng nhấn mạnh, các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long cần tiếp tục quan tâm huy động các nguồn lực cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông vận tải, đi liền với đó là quyết liệt hơn nữa trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gắn liền với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân địa phương.
Theo vinanet
|