Thừa tàu cho thuê, nhưng lại đi thuê tàu - nghịch lý của đội tàu VN trong vận tải biển đang là một trong những nguyên nhân đẩy chi phí logistics của DN VN lên cao.
Thống kê của Cục Hàng hải cho biết, đến thời điểm tháng 6/2013, đội tàu treo cờ VN có 1.755 chiếc, tổng trọng tải gần 7 triệu DWT, cộng với 64 tàu của DN Việt treo cờ nước ngoài thì tổng trọng tải gần 8 triệu DWT. Nếu xét về quy mô và năng lực đội tàu một cách cơ học thì các chuyên gia hàng hải nhận định không hề nhỏ bé. Vấn đề ở chỗ, việc phát triển đội tàu là "ồ ạt, không phù hợp nhu cầu vận chuyển hàng xuất nhập khẩu" - Đại diện Cục Hàng hải nhận định.
Mất cân đối đội tàu nội địa
Theo các chuyên gia, hiện chúng ta chưa có đội tàu container đủ mạnh, mới chủ yếu là tàu hàng rời. Ngay tại DN lớn nhất như Vinalines, số tàu container chỉ chiếm 4%, còn lại là tàu hàng rời. Bất cập trong cơ cấu đội tàu thiếu hợp lý dẫn tới các DN logistics VN chỉ có thể làm đại lý hoặc nhà thầu phụ cho các DN nước ngoài. "Trong số 1.755 tàu thì chỉ có khoảng 500 tàu có thể chạy tuyến quốc tế, số còn lại chạy ven biển và nội địa. Đội tàu container cũng chỉ có hai tàu có sức chứa 1.700 TEU; còn lại là tàu dưới 1.000 TEU. Thậm chí không có tàu chuyên dùng chở ximăng, hóa chất, gas hóa lỏng" - ông Đỗ Đức Tiến - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải cho biết.
Cơ cấu đội tàu là thế, nhưng cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu lại là xuất nguyên liệu thô, bán thành phẩm và nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu nên thực tế các đối tác nước ngoài luôn chiếm ưu thế trong đàm phán vận tải. "Điều này dẫn đến câu chuyện tàu VN thừa, phải đem cho DN nước ngoài thuê định hạn, với giá thuê thấp. Trong khi vận tải xuất nhập khẩu lại đi thuê tàu của các hãng nước ngoài" - một Phó Cục trưởng Cục Hàng hải - ông Bùi Thiên Thu nhận xét.
Nhường cơ hội cho DN nước ngoài
Theo ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn Intimex : Mỗi năm Intimex bán dưới dạng FOB khoảng 400.000 tấn cà phê, (tương đương với 200.000 container) và 200.000 tấn gạo xuất khẩu dưới dạng đóng container nhằm tiết kiệm chi phí và đảm bảo an toàn hàng hóa trên đường vận chuyển. Thế nhưng, hiện ở VN chưa có một DN logistics nào đủ sức đảm trách việc vận chuyển hàng bằng tàu container, cũng như giải quyết vấn đề giao nhận, thủ tục hải quan tiếp theo tại cảng đối với cả hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu nên buộc Cty phải liên kết với một nhà vận chuyển chuyên nghiệp. Điều này là một lãng phí đáng kể vì phần lợi nhuận rất lớn rơi vào tay DN nước ngoài.
Theo Bộ GTVT, 90% hàng hóa xuất nhập khẩu hiện đang được vận chuyển bằng đường biển. Tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa thông qua các cảng biển vào VN năm 2012 là hơn 330 triệu tấn, tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 20%. Đặc biệt, lĩnh vực vận chuyển container luôn đạt tốc độ tăng trưởng 2 chữ số. Tuy nhiên, đội tàu VN hiện mới vận chuyển được 10% tổng lượng hàng xuất nhập khẩu của VN và 80% hàng hóa container giữa các cảng nội địa - cách xa mục tiêu của ngành vận tải biển (tại quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển vận tải biển VN đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Thủ tướng Chính phủ gần bốn năm trước) - đáp ứng nhu cầu vận tải biển nội địa, nâng cao thị phần vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu đạt từ 27 - 30%.
Chính sách "ưu tiên" có khả thi
Để khắc phục nghịch lý trên, trong tờ trình gửi Chính phủ mới đây, bộ GTVT đề xuất một loạt chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn và từng bước giành lại ưu thế cho ngành vận tải biển VN. Trước tiên, để tàu nội có đơn hàng, bộ kiến nghị "với hàng hóa là tài nguyên quốc gia, DN vận tải được dành quyền ưu tiên (trừ trường hợp vi phạm các cam kết quốc tế)". Nhằm cụ thể hóa chủ trương này, theo Bộ GTVT, giai đoạn từ nay đến 2015, cần có sự phối hợp các bộ, các tập đoàn, TCty nhà nước như than, khoáng sản, lương thực, xăng dầu... cần có thỏa thuận, có giải pháp khuyến khích xuất nhập khẩu lựa chọn tàu VN để chuyên chở. Bên cạnh đó, để các DN xuất nhập khẩu có thể chủ động được chọn tàu, thì "giữa các DN xuất khẩu, DN vận tải và DN bảo hiểm cần có sự phối hợp để từng bước giành quyền vận chuyển hàng hóa khi tham gia hợp đồng xuất khẩu. Đồng thời, xây dựng các chính sách đồng bộ tới các DN nhằm khuyến khích chủ hàng VN ưu tiên dành quyền vận chuyển hàng hóa cho các hãng tàu trong nước hoặc đàm phán đưa quyền vận chuyển hàng hóa vào trong các hợp đồng kinh tế".
Bộ GTVT cũng đề xuất rất nhiều chính sách về tài chính, thuế cần áp dụng cho khối vận tải nội. Cụ thể: hàng hóa, vật tư phục vụ sửa chữa bảo dưỡng được áp thuế nhập khẩu 0%; tàu mang cờ VN được áp thuế giá trị gia tăng 5% trong ba năm; nguồn thu từ vận tải hàng hóa vận tải biển được giảm 15% thuế thu nhập DN trong mười năm; hàng hóa nhập khẩu vận chuyển bằng tàu VN được giảm 10% thuế nhập khẩu... Tuy nhiên, các kiến nghị về chính sách này nhận được nhiều sự quan ngại từ các bộ Công thương, Tài chính, Tư pháp, Kế hoạch và đầu tư... Bởi theo các bộ này, các giải pháp chính sách thuế, tín dụng là không phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO về phân biệt đối xử (hạn chế đối xử quốc gia).
Theo Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp điện tử