Trong hội đàm nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam ngày 12.11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Putin đánh giá tích cực kết quả phát triển hợp tác kinh tế – thương mại của hai nước, chỉ ra tiềm năng hợp tác to lớn và nhất trí phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 7 tỉ USD vào năm 2015 và 10 tỉ USD vào năm 2020. Dự kiến năm 2013, thương mại song phương sẽ đạt 4 tỉ USD.
Nguyên thủ hai nước nhất trí cần có các biện pháp mang tính đột phá để thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư, trong đó dành ưu tiên nguồn lực cao nhất để sớm ký kết FTA giữa Việt Nam và liên minh Hải quan gồm Nga – Kazakhstan – Belarus trong thời gian tới; triển khai thành công các dự án đầu tư ưu tiên đã được xác định trong khuôn khổ tổ Công tác cấp cao do hai bộ trưởng Công thương đứng đầu.
Tăng cường hợp tác về dầu khí và hạt nhân
Tổng thống Nga V. Putin và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, hai bên sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982.
Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao kết quả hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, cụ thể là việc triển khai các dự án hiện có và thúc đẩy các dự án mới tại Việt Nam và Liên bang Nga, bao gồm mở rộng khu vực thăm dò và khai thác dầu khí, nghiên cứu cung cấp khí hoá lỏng cho Việt Nam và tiêu thụ nhiên liệu động cơ. Hai bên bày tỏ sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), tập đoàn Gazprom và công ty cổ phần mở Zarubezhneft mở rộng tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí tại Việt Nam và Liên bang Nga.
Đồng thời, hai bên đạt được thoả thuận về việc tạo điều kiện cần thiết để tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và tập đoàn Gazprom (công ty Gazpromneft) hợp tác đầu tư, quản lý, vận hành, nâng cấp và mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất, trên cơ sở bảo đảm cung cấp dầu thô dài hạn và áp dụng chính sách thuế hợp lý trong suốt thời gian hoạt động của liên doanh tại Việt Nam, phù hợp với luật pháp và cam kết quốc tế của Việt Nam. Hai bên sẽ triển khai sớm ký kết hiệp định liên Chính phủ về việc này.
Một ưu tiên nữa trong phát triển năng lượng là điện hạt nhân. Hai nguyên thủ nhất trí thúc đẩy hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 với phương châm sử dụng công nghệ hiện đại nhất, bảo đảm an toàn tuyệt đối, hiệu quả và chất lượng cao nhất, tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong đào tạo chuyên gia hạt nhân. Hai bên nhất trí thúc đẩy đàm phán ký kết hiệp định giữa hai nước về điều kiện cung cấp tài chính cho việc xây dựng trung tâm Khoa học và công nghệ hạt nhân tại Việt Nam. Hiệp định sẽ xem xét việc phía Nga hỗ trợ lập luận chứng kinh tế kỹ thuật cho việc xây dựng trung tâm này.
Tổng thống Nga Putin khẳng định tiếp tục hỗ trợ đào tạo, nâng cao trình độ cho các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý của Việt Nam trong lĩnh vực sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình, và sẵn sàng tiếp nhận sinh viên Việt Nam sang học chuyên ngành hạt nhân tại các trường đại học của Liên bang Nga.
Nhân dịp này, hai bên ghi nhận hợp tác trong lĩnh vực quân sự và kỹ thuật quân sự không ngừng phát triển và có độ tin cậy cao, phù hợp với các quy định và nguyên tắc của luật pháp quốc tế, góp phần bảo đảm hoà bình, ổn định và phát triển bền vững tại châu Á – Thái Bình Dương. Hai bên đánh giá cao quyết định thiết lập Cơ chế đối thoại chiến lược cấp thứ trưởng bộ Quốc phòng hai nước.
Hai bên cho rằng các tranh chấp lãnh thổ và các tranh chấp khác tại không gian châu Á – Thái Bình Dương cần được giải quyết chỉ bằng biện pháp hoà bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hiệp quốc và Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982. Hai bên nhất trí ủng hộ việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002, và sớm thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có tính ràng buộc pháp lý cao hơn.
Theo BÁO ĐIỆN TỬ SÀI GÒN TIẾP THỊ MEDIA