Ngày 28-11, tại TP.HCM, Tổng Cục Hải quan đã tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện thí điểm triển khai Hệ thống tiếp nhận bản khai hàng hóa, các chứng từ có liên quan và thông quan điện tử đối với tàu biển nhập cảnh, xuất cảnh (E-manifest) theo Quyết định 19/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đến dự hội nghị có đại diện lãnh đạo 9 cục hải quan địa phương tham gia E-manifest và đông đảo các hãng tàu, các đại lí hãng tàu, các đơn vị kinh doanh cảng biển…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh cho biết đến nay đã có 9 Cục Hải quan tỉnh, thành phố, gồm: TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Định, Quảng Ngãi đã được áp dụng thí điểm E-manifest.
Ông Âu Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Giám sát Quản lí Hải quan cho biết thêm, trong giai đoạn triển khai thí điểm hệ thống E-manifest, Tổng Cục hải quan đã lựa chọn đối tượng thực hiện thí điểm qua hai giai đoạn. Giai đoạn 1 từ tháng 4-2013 đến tháng 8-2013 thực hiện thí điểm cho 7 hãng tàu có lưu lượng chuyên chở hàng hóa lớn tại TP.HCM là MOL, CMA-CGM, OOCL, YANG MING, WANHAI, EVERGREEN, MAERSK LINE. Giai đoạn 2 từ 15-8-2013 đã mở rộng diện triển khai đến các đại lý hãng tàu, công ty giao nhận tại 9 Cục hải quan tỉnh thành phố. Tính đến ngày 15-11-2013, đã có 43 hãng tàu, 336 đại lý hãng tàu và 1.218 công ty giao nhận đăng ký tham gia E-manifest. Số bộ hồ sơ làm thủ tục tàu xuất cảnh, nhập cảnh là 4.831 bộ.
Đánh giá về ứng dụng E-manifest, bà Nguyễn Thị Mùi, đại diện hãng tàu Evegreen cho biết, việc tham gia hệ thống E-manifest đã giúp cắt giảm 80% chi phí so với việc thực hiện bản khai hàng hóa bằng hồ sơ giấy như trước đây. Bên cạnh đó, trách nhiệm của hãng tàu đối với những loại chứng từ không do mình phát hành như vận đơn gom hàng được xóa bỏ, các fowarder phải chịu trách nhiệm về chứng từ do mình phát hành nên tạo ra bình đẳng về quyền lợi và trách nhiệm giữa hãng tàu và fowarder cũng như chủ hàng; đồng thời rút ngắn thời gian và giúp kiểm soát được thông tin trên manifest đã nộp cho cơ quan Hải quan.
Bà Phan Ngọc Bảo Trân, đại diện hãng tàu CMA CGM Viet Nam cũng cho rằng, trước đây khi chưa có hệ thống Emanifest, các hãng tàu phải nộp rất nhiều bản manifest giấy nên rất dễ bị sót, thất lạc. Đó là chưa kể cả hải quan cũng như hãng tàu phải tốn rất nhiều thời gian để kiểm tra, đánh dấu số trang manifest giấy. Nay nhờ có E-manifest các hạn chế trên đã được khắc phục.
Mặc dù vậy, các hãng tàu, đại lý hãng tàu và các nhà fowarder cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt còn tồn tại trong hệ thống E-manifest hiện nay như dù đã triển khai E-manifest nhưng Hải quan vẫn yêu cầu nộp trực tiếp bộ hồ sơ thủ tục xuất nhập cảnh cho con tàu dưới dạng Hardcopy như lúc chưa có hệ thống E-manifest và đóng lệ phí 40 ngàn đồng/bộ hồ sơ mà chưa có hóa đơn khiến cho các hãng tàu không thể nào thanh toán được với hãng tàu mẹ. Cùng với đó, hệ thống E-manifest hiện nay chưa áp dụng cho chuyển cảng trong khi hầu hết hàng hóa đến các cảng lớn như Cát Lái, Cái Mép – Thị Vải đều có nhu cầu chuyển cảng. Ngoài ra, việc chỉnh sửa hồ sơ còn nhiều khó khăn khiến hàng hóa ách tắc tại cảng.
Thay mặt Tổng Cục Hải quan, ông Vũ Ngọc Anh, Phó Tổng cục trưởng đã ghi nhận những ý kiến phản hồi, đóng góp của các đại lý, hãng tàu và các nhà fowarder về những tồn tại hạn chế cần khắc phục. Thông qua đó, trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ soạn thảo văn bản để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thay thế quyết định 19/2011/QĐ-TTg. Dự kiến, nghị định mới nhằm chính thức thực hiện hệ thống E-manifest sẽ có hiệu lực vào tháng 4-2014.
Thanh Long