Việt Nam đang nhập siêu từ Trung Quốc với lượng lớn hàng nhập khẩu là máy móc thiết bị, trong khi lại nhập khẩu máy móc thiết bị ít ỏi từ thị trường công nghệ nguồn EU và Mỹ- nhóm thị trường top đầu về xuất siêu của Việt Nam.
Hai nhóm thị trường hàng đầu
Theo Tổng cục Thống kê, về thị trường xuất khẩu năm 2013, EU tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 20,4 tỷ USD, tăng 24,4 % (tương đương 4,1 tỷ USD) so với năm 2012. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng tăng so với năm 2012 như: Điện thoại các loại và linh kiện tăng 56% (2,75 tỷ USD); giầy dép tăng 10,5% (245 triệu USD); hàng dệt may tăng 11,2% (243 triệu USD).
Thị trường Hoa Kỳ đứng thứ 2 với kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 23,7 tỷ USD, tăng 20,3% (4 tỷ USD), kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng tăng như: Hàng dệt may tăng 14% (973 triệu USD); giầy dép tăng 16,9% (340 triệu USD); gỗ và các sản phẩm gỗ tăng 10,3% (167 triệu USD).
Trong khi nhóm thị trường EU và Mỹ- nhóm các nước có trình độ phát triển kinh tế hàng đầu- đứng top đầu về xuất khẩu của Việt Nam thì thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc. Thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này năm 2013 ước tính đạt 36,8 tỷ USD, tăng 26,7% (tương đương 7,8 tỷ USD).
Về thị trường nhập siêu, số liệu ước tính với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2013 giữa Việt Nam và EU sẽ đạt trên 30 tỷ USD thì Việt Nam xuất siêu sang thị tường này gần 10 tỷ USD. Còn với Hoa Kỳ, Việt Nam nhập khẩu khoảng 5 tỷ USD, do đó Việt Nam cũng xuất siêu sang thị trường này gần 20 tỷ USD trong năm nay.
Ngược lại, với thị trường Trung Quốc, trong khi Việt Nam nhập khẩu luôn tăng cao (năm 2013 tưng 26,7%) thì xuất khẩu sang Trung Quốc lại tăng rất thấp 2,1% (269 triệu USD) đạt tổng kim ngạch 13,1 tỷ USD. Như vậy Trung Quốc là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam với mức 23,7 tỷ USD năm 2013.
Câu chuyện công nghệ
Số liệu thống kê còn cho thấy, nhóm hàng Việt Nam nhập khẩu lớn từ Trung Quốc là máy móc, thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 25,5% (1,2 tỷ USD). Cũng nhóm hàng máy móc, thiết bị Việt Nam nhập khẩu từ ASEAN tăng 7,9% (16,9 tỷ USD).
Máy móc, thiết bị nhập khẩu từ Trung Quốc và ASEAN- những thị trường có trình độ phát triển kinh tế ở mức trung bình và thấp thì ít có công nghệ tiên tiến, hiện đại. Việc nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu từ thị trường châu Á đã được các chuyên gia kinh tế cảnh báo lâu nay.
TS Nguyễn Minh Phong cho biết, Trung Quốc có chiến lược "đẩy" hàng nghìn thiết bị công nghệ sản xuất lạc hậu sang các nước, nếu không cẩn thận, Việt Nam sẽ thành "bãi phế thải" công nghệ của Trung Quốc.
Ngược lại với nhóm thị trường EU- Mỹ, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu những mặt hàng như: may mặc, giày dép, thủy sản, nông sản... Đây là những mặt hàng mà Việt Nam chủ yếu là gia công và sơ chế. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về thị trường xuất khẩu, Việt Nam cần nâng cao chất lượng, tăng hơn giá trị gia tăng trong hàng xuất khẩu mới có thể giữ và tăng cao kim ngạch ở những thị trường "khó tính" như EU- Mỹ. Việc nâng cao này cốt lõi là nâng cao trình độ công nghệ.
Như vậy, việc Việt Nam đang nhập khẩu nhiều hàng hóa máy móc, thiết bị từ các nước có công nghệ trung bình và thấp châu Á lại là một cản trở để nâng cao công nghệ trong sản xuất hàng hóa. Để khắc phục tình trạng này, nhiều chuyên gia kinh tế đã khuyến cáo, Việt Nam nên chuyển hướng để chủ yếu nhập khẩu máy móc, công nghệ từ châu Âu, Mỹ, Nhật Bản... Như vậy, nền kinh tế vừa có hệ thống máy móc từ đầu nguồn công nghệ tiên tiến, hiện đại, vừa có khả năng bớt nhập siêu từ Trung Quốc, bớt những sự lệ thuộc quá mức vào một thị trường trong giao thương, hội nhập.
Năm 2013, xuất siêu 863 triệu USD, bằng 0,7% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 13,1 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 14 tỷ USD.
Như vậy xuất siêu năm nay hoàn toàn thuộc về khu vực đầu tư nước ngoài. Mặc dù xuất khẩu khu vực này phát triển mạnh là điều kiện thuận lợi để giải quyết việc làm cho người lao động nhưng hiệu quả mang lại cho tăng trưởng kinh tế không cao do chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp.
Theo Báo Hải Quan