Trước “chuyện lạ” nhiều mặt hàng giảm giá từ ngay sau Tết Nguyên đán, các chuyên gia và nhà quản lý phân tích nguyên nhân.
Thời tiết tốt hay kinh tế kém?
Tại nhiều khu vực chợ tại Hà Nội, giá thịt lợn giảm khoảng 10.000 đồng/kg so với ngày mở bán hàng sau Tết, ở mức 90.000 - 100.000 đồng/kg, thịt bò thăn từ 260.000 - 270.000 đồng (giảm 10.000 đồng/kg), thịt gà ta còn sống ở mức 120.000 đồng/kg, gà ta làm sẵn ở mức 150.000 đồng/kg, giá cà chua giảm mạnh 6.000 - 10.000 đồng/kg, ở mức 10.000 - 12.000 đồng.
Các loại rau khác cũng giảm so với ngày mở hàng sau Tết, mức giảm khoảng 1.000 - 3.000 đồng/kg, su hào ở mức 4.000 - 5.000 đồng/củ, các loại thơm từ 1.000 - 3.000 đồng/mớ.
Một trong những nguyên nhân khác khiến giá cả không có sự tăng đột biến là nhờ thời tiết nắng ấm, rau xanh phát triển tốt, cung về rau xanh nhiều nên giá rau ổn định.
“Sau khi nghỉ Tết ngày mùng 1, 2 và 3, ngày mùng 4 Tết, một số siêu thị lớn có hệ thống trong cả nước (Coopmart, Fivimart...) đã mở cửa khai trương bán hàng; hệ thống chợ dân sinh ở nhiều nơi bắt đầu bán hàng. Từ ngày mồng 5 Tết trở đi hệ thống các cửa hàng thương mại, các chợ dân sinh đã mở cửa bán hàng nhiều hơn.
Dự báo, những ngày tiếp theo, thị trường cả nước trở lại bình thường, các nhóm hàng thực phẩm giảm nhẹ, các mặt hàng khác không có đột biến lớn về giá”, đại diện Cục Quản lý Giá cho biết.
Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng, việc sức mua yếu phản ánh rõ sức khỏe của nền kinh tế chưa hồi phục. Khi nền kinh tế trong trạng thái tốt, người dân luôn sẵn sàng mở rộng hầu bao mua sắm bất cứ thứ gì họ cảm thấy cần.
Khi kinh tế khó khăn, thu nhập suy giảm, người dân chỉ mua những đồ thiết yếu nhất với cuộc sống. Điều này dẫn đến việc giá cả hàng hóa không có cớ để tăng.
“Kinh tế không phát triển đương nhiên giá cả không thể tăng được. Sức mua suy giảm là điều đáng báo động trong bối cảnh doanh nghiệp chết lên chết xuống, hồi phục không hồi phục được. Tín dụng dư thừa nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không tiếp cận được. Đây là điều đáng ngại”, ông Thành nói.
Theo ông Thành, muốn có sức mua thì trước hết cần giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động. Vì khi có việc làm thì mới có thu nhập và phát sinh nhu cầu mua sắm. Đây là điều rất quan trọng đối với bất cứ quốc gia nào. Chừng nào doanh nghiệp vẫn chưa phục hồi, thì nhu cầu mua sắm của người dân và người lao động sẽ chỉ dừng ở mức thấp.
Méo mặt vì hàng tồn kho
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp Hội siêu thị Hà Nội phân tích, năm nay lượng tồn kho tại các siêu thị lớn, tập trung vào các mặt hàng ký gửi. Hàng ký gửi chủ yếu ở siêu thị lớn như: Big C, Metro… Hàng ký gửi là hàng bán được siêu thị mới thanh toán cho nhà sản xuất.
Theo ông Phú, nguyên nhân tồn kho chủ yếu do sức mua giảm. “Cả năm 2013 sức mua tại siêu thị kém. Tết năm 2014 thống kê, sức tiêu thụ tại siêu thị bằng 85% so với Tết năm 2013. Tuy lượng tồn kho năm 2013 giảm 12% so với năm 2012 nhưng chủ yếu do sản xuất ít đi còn lượng tiêu thụ không cải thiện”, ông Phú nói.
Ông Phú cho biết thêm, các nhà sản xuất rất bảo thủ trong việc giảm lượng tồn kho. “Ở các nước trên thế giới họ thay đổi mẫu mã liên tục, tăng cường giảm giá để kéo sức mua nhưng ở mình giảm giá nhỏ giọt”, ông Phú cho biết.
Lượng tồn kho tại siêu thị lớn khiến nhiều người cho rằng có hay không sự bắt tay giữa siêu thị và nhà sản xuất? Theo ông Phú điều này khó xẩy ra vì trong hợp đồng, nếu hàng tồn kho chuẩn bị hết hạn thì siêu thị thông báo với nhà sản xuất để đổi.
“Nếu nhà sản xuất không có lương tâm thì họ cho hàng về rồi dán lại ngày tháng đánh lừa người tiêu dùng. Còn siêu thị không ai muốn bán hàng hết date để giảm uy tín siêu thị của mình”, ông Phú cho hay.
Bà Trần Thị Hiền, Giám đốc sản xuất siêu thị Hapro cho biết, nhìn chung sức tiêu thụ Tết năm 2014 giảm so với năm ngoái. “Hệ thống siêu thị có nhiều điểm bán trên phố cổ phục vụ khách thông Tết còn các địa điểm khác mở cửa từ mùng 4 Tết. Tuy nhiên, do kinh tế khó khăn nên sức mua tại siêu thị không cao”, bà Hiền nói.
Đại diện một số siêu thị lớn như Big C, Fivimart ngậm ngùi chia sẻ, dù lượng khách tới siêu thị trong dịp Tết 2014 đông nhưng, sức tiêu thụ hàng không cao.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính cho biết, nguyên nhân chính khiến giá cả không tăng đột biến như những năm trước do lượng cung hàng hóa dồi dào.
Bên cạnh đó, sức mua vẫn thấp nhất là các loại thịt lợn, thịt gà, thịt bò do thời tiết nắng nóng (dẫn tới nhu cầu không cao), lượng thực phẩm người dân dự trữ vẫn khá lớn. Hiện tại, nguồn cung tại chợ đang cao hơn nhu cầu.
Theo TienPhong