Home Page About us Transport Yellow Pages Forum VIL
Tracuu
Su Kien



Username
Password
 
Đăng ký mới


Phòng kinh doanh:
028
3513 6399
 

Đăng nhập

     

Tata rút khỏi dự án thép 5 tỉ đô la Mỹ ở Hà Tĩnh

2/8/2014 9:33:56 AM

Mặc dù nhiều lần lên tiếng rất quyết tâm đầu tư vào dự án thép ở Việt Nam, nhưng đến nay Tata Steel - một công ty con của Tập đoàn Tata (Ấn Độ) đã loại bỏ ý định đầu tư dự án thép 5 tỉ đô la Mỹ ở Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh.

Theo trang điện tử Ấn Độ Businessworld.in, vì sự chậm trễ trong phê duyệt và môi trường kinh doanh còn nhiều thách thức, nên Tata Steel đã quyết định rút khỏi hoàn toàn dự án thép trị giá 5 tỉ đô la Mỹ tại Việt Nam sau năm năm chờ đợi. "Công ty đã thông báo việc này cho chính phủ Việt Nam vào năm ngoái và ý định đầu tư dự án này đã được kết thúc gần đây", một nhân vật có quan hệ gần gũi với dự án nói với Businessworld.in.

Cũng theo tờ này, tại đại hội đồng cổ đông thường niên gần đây của Tata Steel vào năm ngoái, trong phần trả lời các câu hỏi của các cổ đông, Chủ tịch Tập đoàn Tata Cyrus Mistry đã nói bóng gió về chuyện rút khỏi dự án này. "Không còn có hy vọng vào dự án,...", Businessworld.in dẫn lời của nhân vật trên.

Dự án thép có công suất thiết kế 4,5 triệu tấn/năm này từng được ca ngợi như một trong những dự án liên doanh lớn nhất của Tata đầu tư ở bên ngoài Ấn Độ.

Trao đổi qua điện thoại với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online vào sáng ngày 7-2 về việc này, phía Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng gần như chưa biết Tata đã có quyết định chính thức rút khỏi dự án đầu tư nói trên. Một nguồn tin có thẩm quyền từ Ban quản lý Khu kinh tế này cho biết ban này chưa nhận được văn bản chính thức nào của phía nhà đầu tư về việc hủy ý định đầu tư dự án nói trên.

Tuy nhiên, nguồn tin này cho hay vào năm ngoái Tata Steel và ban quản lý gần như rất ít có giao dịch để thúc đẩy việc triển khai dự án này.

Sự có mặt của Tập đoàn Tata tại Việt Nam bắt đầu vào giữa năm 2007, Tata Steel - công ty con của Tập đoàn chính thức ký biên bản ghi nhớ và biên bản hợp tác dự án thép 5 tỉ đô la Mỹ ở khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh). Dự án thép Tata sẽ liên doanh giữa Tập đoàn Tata (Ấn Độ) góp 65% vốn, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNsteel) và Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) góp 35% vốn, đặt tại khu kinh tế Vũng Áng.

Dự án dự kiến được xây dựng trong giai đoạn 2009-2015. Vào thời điểm các bên ký biên bản ghi nhớ và biên bản hợp tác vào tháng 5-6/2007, dự án này hứa hẹn hiệu quả kinh tế lớn cho ngành thép. Tuy nhiên đến nay dự án này vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư và rốt cuộc là Tata ra đi.

Giới phân tích trong ngành đánh giá Tata là một trong những tập đoàn có tiềm lực mạnh về tài chính cũng như có kinh nghiệm trong việc phát triển trong ngành thép. Vậy vì sao Tata lại quyết định ra đi sau nhiều năm theo đuổi?

Theo giới phân tích, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm triển khai và cấp phép dự án đầu tư này khiến Tata phải đơn phương hủy ý định đầu tư. Một trong những nguyên nhân chậm tiến độ là tập đoàn Tata và chính quyền địa phương chưa đạt được thỏa thuận về kinh phí bỏ ra giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Chính phủ Việt Nam cam kết giao đất sạch cho nhà đầu tư, tuy nhiên do dự án này cần diện tích đất xây dựng rất lớn lên đến hàng trăm héc ta và chính quyền Hà Tĩnh phải chi tới hàng trăm triệu đô la Mỹ để giải phóng mặt bằng, tái định cư. Đây là số tiền quá lớn và vì thế, ngân sách tỉnh không đủ sức cáng đáng.

Chính vì vậy, chính quyền địa phương đã đề nghị Tata Steel hỗ trợ toàn bộ chi phí đó và số tiền đó sẽ được trừ vào tiền thuế sau này. Nhưng Tata Steel đã liên tục từ chối và cho rằng đó không phải là trách nhiệm của nhà đầu tư và họ chỉ hỗ trợ một phần kinh phí.

Theo thông tin các báo trong nước đưa trước đây, tỉnh Hà Tĩnh đã đề nghị Tata Steel ứng trước toàn bộ tiền đền bù giải phóng mặt bằng, song vào thời điểm năm 2011, Tata lại chỉ chấp thuận ứng trước 30 triệu đô la Mỹ, tương đương với mức tạm ứng của một nhà đầu tư lớn khác ở Vũng Áng. Sau một thời gian dài thương thảo, tỉnh Hà Tĩnh cũng đã tính đến chuyện “viện nhờ” ngân sách Trung ương mà không thành, và Tata đã quyết định chấp nhận tạm ứng trước tiền đền bù giải phóng mặt bằng với một con số cao hơn nhưng không đủ phân nửa số tiền đền bù giải tỏa như dự toán. Đây được xem là một trong những lý do việc cấp phép cho dự án của Tata chưa thể thực hiện.

Giới phân tích cho rằng, việc Tata Steel đề nghị ứng trước một khoản tiền dành cho công tác giải phóng mặt bằng có thể coi như một sự nhượng bộ của nhà đầu tư nhằm giải quyết vấn đề giải phóng mặt bằng đã tồn tại nhiều năm.

Tuy nhiên, cũng có thông tin phía Việt Nam đã chỉ một số địa điểm khác để Tata Steel đầu tư nhưng nhà đầu tư này không chấp nhận. Một nguồn tin có thẩm quyền của Ban quản lý Khu Kinh tế Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi), cũng xác nhận Tata Steel cũng đã từng đến Khu kinh tế Dung Quất khảo sát nhưng rốt cuộc nhà đầu tư này không coi Dung Quất là một điểm đầu tư và quyết định tiếp tục theo đuổi dự án tại khu kinh tế Vũng Áng. Theo nguồn tin này, lý do mà Tata Steel đưa ra là Vũng Áng gần với mỏ quặng sắt Thạch Khê, mỏ quặng sắt được cho là có trữ lượng lớn nhất Đông Nam Á. Và để đảm bảo cho nguồn nguyên liệu đầu vào, ngay từ khi bắt đầu đề xuất dự án tại Việt Nam Tata Steel cũng đã đề xuất tham gia vào việc khai thác quặng từ mỏ Thạch Khê.

Bên cạnh những khó khăn, vướng mắc nói trên, cũng có ý kiến cho rằng việc Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Đài Loan) đã nhiều lần có quyết định tăng quy mô dự án khu liên hợp thép Formosa đang được xây dựng tại khu kinh tế Vũng Áng, cũng phần nào có ảnh hưởng đến ý định đầu tư của Tata. Giữa năm ngoái, Formosa đã đề xuất tăng vốn cho dự án của công ty tại Hà Tĩnh lên 28,5 tỉ đô la Mỹ. Trước đó, giai đoạn 1 của dự án đã được khởi công vào cuối năm 2012 với tổng mức đầu tư ban đầu 9,9 tỉ đô la Mỹ.

Đề xuất ban đầu cho hay, nhà máy của Formosa gồm các hạng mục chính là nhà máy luyện gang thép công suất 22 triệu tấn một năm, hệ thống cảng biển nước sâu có năng lực cập tàu 300.000 tấn và nhà máy nhiệt điện công suất 2.100 MW. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là tổ hợp gang thép lớn nhất Đông Nam Á. Formosa cam kết đến năm 2015 sẽ hoàn thành giai đoạn 1 của nhà máy với 3 lò cao, công suất 10,5 triệu tấn thép một năm.

Mặc dù rút khỏi dự án thép, nhưng nhiều thông tin Tập đoàn Tata vẫn không rời khỏi Việt Nam. Bời năm ngoái, Tata Power - công ty con khác của Tata đã được Chính phủ cho phép nghiên cứu khả thi dự án Nhiệt điện Long Phú 2, công suất 1.200 MW, tại tỉnh Sóc Trăng.

Long Phú 2 là dự án điện đầu tiên của Tata ở thị trường Việt Nam. Đây là một trong 3 nhà máy điện thuộc Trung tâm Điện lực Long Phú. Nhiệt điện Long Phú 1, công suất 1.200 MW, do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) làm chủ đầu tư. Long Phú 2, có cùng công suất, đã được giao cho Tập đoàn Sông Đà làm chủ đầu tư từ tháng 5-2010. Tuy nhiên, tháng 8 năm ngoái, do phải tập trung nguồn lực tài chính để thực hiện các dự án thủy điện, nên Tập đoàn Sông Đà đã xin trả lại dự án này.

Chính phủ đã chấp thuận cho phép công ty này đầu tư nhà máy nhiệt điện Long Phú 2 theo hình thức BOT tại Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.

Tổng công suất của nhà máy là 1.200 MW, bao gồm 2 tổ máy. Nhà máy nhiệt điện Long Phú 2 dự kiến sẽ sử dụng nguồn than nhập khẩu từ Indonesia hoặc Australia, được vận chuyển bằng tàu trọng tải lớn (trên 100.000 DWT).

Theo TBKTSG
TIN LIÊN QUAN
Ngành thép lo ứng phó với sức ép từ FTA (6/15/2015 10:06:44 AM)
Thép tăng giá 100.000 đồng/tấn (6/4/2015 10:51:54 AM)
Mỹ áp thuế 323,99% với sản phẩm đinh thép nhập từ Việt Nam (5/19/2015 11:41:13 AM)
Lo ngại thép rẻ của Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam (5/13/2015 10:36:04 AM)
Ngành thép: Tập trung cho thị trường nội địa (2/10/2015 10:33:45 AM)
Xuất nhập khẩu thép năm 2014 tăng 21% (1/29/2015 11:35:56 AM)
Thông tin thị trường thép Trung Quốc tuần tới ngày 19/01/2015 (1/20/2015 9:10:46 AM)
Thông tin thị trường thép Mỹ tuần tới ngày 19/01/2015 (1/20/2015 9:10:02 AM)
Thông tin thị trường thép Mỹ tuần tới ngày 30/6/2014 (7/1/2014 10:32:38 AM)
Không đồng ý thành lập đặc khu Formosa Hà Tĩnh (6/30/2014 9:50:29 AM)
THÔNG TIN KHÁC
Chuỗi bán lẻ Robins (Thái) sắp xuất hiện ở Việt Nam (2/8/2014 9:31:45 AM)
Bộ trưởng Tài chính: Năm nay chủ động hút vốn ngoại vào chứng khoán (2/8/2014 9:19:23 AM)
Nhiều mặt hàng giảm giá sau Tết: Bắt mạch nền kinh tế (2/7/2014 8:55:46 AM)
Điểm mặt công trình giao thông lớn cán đích năm 2014 (2/7/2014 8:45:16 AM)
Trung Quốc đối mặt "cơn khát" xăng dầu (2/7/2014 8:42:23 AM)
Ra quân không phải để lấy ngày (2/7/2014 8:36:46 AM)
Kinh doanh vàng chờ cuộc chơi khốc liệt (2/7/2014 8:22:36 AM)
Thị trường cá ngừ thế giới năm 2013: Nhu cầu cá ngừ hộp tăng (1/27/2014 9:28:53 AM)
Chile – cánh cửa mở rộng vào thị trường các nước Mỹ La Tinh (1/25/2014 9:13:28 AM)
Nga chiếm 20% thương mại toàn cầu về năng lượng (1/25/2014 9:05:57 AM)
BÌNH LUẬN

Bình luận của bạn

Nội dung:
Email / Tên / Điện thoại:
 

Bạn thấy giao diện mới của website như thế nào?
Rất đẹp
Đẹp
Bình thường
Không đẹp lắm

VẬN CHUYỂN CONTAINER QUỐC TẾ/NỘI ĐỊA UY TÍN, CHẤT LƯỢNG. HOTLINE: 0903 974 124
CÔNG TY TNHH CÁT TƯỜNG GIANG (CTG LOGISTICS & SHIPPING AGENCIES)

© 2005-2020 Bản quyền thuộc về Viện Logistics Việt Nam (VIL) - Liên hệ quảng cáo
Ghi rõ nguồn "VietnamShipper" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này

Tầng 25, Pearl Plaza - 561A Điện Biên Phủ, P.25, Q.Bình Thạnh, Tp.HCM - Tel: (+84-8) 3513 6399 - Fax: (+84-8) 3513 6359 - Email: admin@vietnamshipper.com