Đại diện Vụ Chính sách Tiền tệ cho rằng nếu cân đối được giá vốn, một số ngân hàng hiện có thể tự giảm lãi suất cho vay 1-2%, dù trần lãi suất huy động không đổi.
Phát biểu của bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ được công bố trên website Ngân hàng Nhà nước hôm nay. Theo bà, lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện ở mức 7-9% một năm. "Xét về tương quan, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay hiện nay là phù hợp với diễn biến và kỳ vọng lạm phát, đảm bảo hài hòa lợi ích của ngân hàng, người vay và người gửi tiền. Một số doanh nghiệp tốt còn được cho vay chỉ từ 6,5-7% một năm", đại diện Vụ Chính sách Tiền tệ cho biết.
Mặt bằng lãi suất cho vay hiện đã về ngang giai đoạn 2005-2006 và chỉ bằng 50% lãi suất vào nửa cuối năm 2011 nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn mong muốn giảm thêm. Chia sẻ với mong mỏi này, bà Nguyễn Thị Hồng cho rằng, nếu điều kiện thích hợp, các tổ chức tín dụng có thể thỏa thuận cho vay lãi suất rẻ hơn 1-2%. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh, điều này còn tùy thuộc vào việc cân đối vốn, giá vốn của mỗi ngân hàng.
Trần lãi suất huy động hiện nay với tiền gửi VND dưới 6 tháng vẫn là 7% một năm. Báo cáo tài chính năm 2013 của nhiều ngân hàng cổ phần cho thấy, trong khi tín dụng tăng trưởng thấp thì mức tăng của tiền gửi từ khu vực dân cư vẫn rất lớn, điều này cho thấy vốn tiếp tục ứ đọng tại các ngân hàng. Do đó, có một số ý kiến cho rằng nên hạ tiếp trần lãi suất huy động để giảm rủi ro về vốn cho các nhà băng.
Trước lo ngại này, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng với cách đặt trần lãi suất huy động chỉ ở kỳ hạn dưới 6 tháng, các nhà băng vẫn có thể dễ dàng tự điều chỉnh tùy vào khả năng thanh khoản, giá vốn và mục tiêu lợi nhuận của mình. "Nếu trước đây thường ấn định lãi suất huy động sát mức trần, thì nay nhiều ngân hàng đã đặt lãi suất thấp hơn mức này", bà Hồng giải thích thêm.
Năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14% sau khi vượt kế hoạch. Như mọi năm, trong tháng 1/2014, tín dụng vẫn tăng trưởng âm. Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến 20/1, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 0,82% so với tháng 12/2013. Tuy nhiên, dư nợ tín dụng lại giảm 1,21%. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2013, tín dụng chỉ giảm 1,06%.
Theo VnExpress