Bước sang năm mới 2014, với tín hiệu khả quan từ kinh tế thế giới và trong nước, nhiều dự báo tin tưởng rằng, xuất khẩu (XK) của Việt Nam tiếp tục là “điểm sáng đẹp”.
Ngân hàng HSBC dự báo những “điểm sáng” chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2014 sẽ vẫn là các doanh nghiệp chuyên XK và kỳ vọng XK của Việt Nam sẽ tăng 20% so với năm 2013, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng GDP 5,6%.
Thực tế hoạt động xuất nhập khẩu những tháng đầu năm 2014 đã cho thấy những “tia sáng đẹp”. Theo Tổng cục Hải quan, từ ngày đầu tiên của năm mới đến hết ngày 15/2/2014, tổng kim ngạch XNK cả nước đạt hơn 30,31 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2013; trong đó XK 15,47 tỷ USD, tăng 7,4%, NK 14,85 tỷ USD, tăng 15%.
Đáng chú ý, tháng 1 xuất siêu hơn 1,84 tỷ USD, cán cân thương mại tính đến hết ngày 15/2/2014 thặng dư 622 triệu USD (do nửa đầu tháng 2/2014 thâm hụt gần 1,21 tỷ USD). Khu vực FDI trong nửa đầu tháng 2 xuất siêu khoảng 580 triệu USD, lũy kế đến hết ngày 15/2/2014 xuất siêu 1,16 tỷ USD.
Một thông tin đáng mừng khác: Từ đầu năm đến ngày 15/2, có những nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch lớn, tăng trưởng khá mạnh so với cùng kỳ năm 2013, đã nhanh chóng là thành viên CLB 1 tỷ USD, ví dụ: Điện thoại và linh kiện 2,377 tỷ USD (tăng 22,3%), dệt may 2,244 tỷ USD (tăng 8,5%), giày dép 1,11 tỷ USD (tăng 17,4%), phương tiện vận tải và phụ tùng 1,053 tỷ USD (tăng 48,4%)...
Tuy nhiên, con số xuất siêu trong tháng đầu tiên của năm mới mang tính hai mặt, không thể bàng quan: Một mặt sẽ không tạo sức ép lớn đến cán cân thanh toán quốc tế, đến dự trữ ngoại hối, tỷ giá. Song mặt khác, xét về nguyên nhân, xuất siêu chủ yếu do tổng cầu ở trong nước vẫn yếu, thậm chí suy giảm. Đây là lời cảnh báo sự tăng trưởng có thể sẽ bị trì trệ, thậm chí giảm phát, thiểu phát. Và nữa, khu vực FDI vẫn chiếm áp đảo trong xuất khẩu, chủ yếu là với những mặt hàng lắp ráp, giá trị gia tăng thấp, chẳng hạn như điện thoại...
Trong một báo cáo cuối năm 2013 của nhóm nghiên cứu kinh tế Fulbright (hợp tác giữa Trường Đại học Kinh tế TP.HCM và Trường Harvard Kennedy, Mỹ), trong 4 động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam gồm: Doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trong nước, các hộ kinh doanh nông sản và doanh nghiệp FDI, chỉ có doanh nghiệp FDI “sống khỏe” do những “liều thuốc bổ” chính sách ưu đãi.
Nền kinh tế phát triển bền vững phải dựa vào nội lực- doanh nghiệp trong nước. Sự ưu ái doanh nghiệp FDI để có con số “đẹp” chỉ mang tính nhất thời mà thôi! Để XK thực sự là “điểm sáng đẹp”, ngoài những “liều thuốc bổ” chính sách của nhà nước, trước hết, các doanh nghiệp trong nước phải tự làm “sáng” mình!
Theo Báo Công Thương Điện Tử