Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 đã được Quốc hội thông qua, năm nay, xuất khẩu phải đạt mức tăng trưởng 10% so năm 2013.
Ðây thật sự là thách thức lớn trong bối cảnh dự báo kinh tế thế giới tiếp tục còn nhiều khó khăn làm sụt giảm nhu cầu tiêu dùng, giá nhiều mặt hàng xuất khẩu có chiều hướng giảm. Bên cạnh đó, xu hướng bảo hộ có chiều hướng gia tăng trên thế giới, nhất là các vụ kiện chống bán phá giá hay hàng rào kỹ thuật, gây ra khó khăn cho các DN xuất khẩu của Việt Nam trong việc phát triển thị trường, tìm kiếm đối tác, đầu ra. Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam chưa hợp lý, tỷ lệ hàng xuất khẩu đã qua chế biến chưa cao (nhất là hàng nông sản), nhiều mặt hàng còn chế biến thô, dừng ở mức gia công, chưa tạo nhiều giá trị gia tăng; nhiều nguyên liệu, vật tư, linh kiện, phụ liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu vẫn phải nhập khẩu... Kim ngạch xuất khẩu khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn chiếm tỷ trọng lớn, nhất là các mặt hàng công nghệ cao như máy tính, điện thoại...
Ðể đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2014, cũng như khắc phục những hạn chế trong công tác xuất khẩu, các bộ, ngành, địa phương, DN phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ, trong đó vai trò chủ đạo là Bộ Công thương, cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp: Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN phát triển sản xuất hàng xuất khẩu, nhất là tạo điều kiện tiếp cận vốn, mặt bằng, cải cách thủ tục hành chính... Hỗ trợ sản xuất, tạo thêm nguồn hàng cho xuất khẩu; có chính sách hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thủy sản có lượng hàng hóa lớn và một số ngành hàng khác như dệt may, da giầy...; tăng cường tìm kiếm, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu; tăng cường kinh phí thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2014 theo hướng chú trọng mở rộng thị trường ở các nước đang phát triển, các thị trường tiềm năng và thị trường mới nổi; tăng cường và tiếp tục đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại, có giải pháp hỗ trợ phù hợp các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, có lợi thế, có thị trường và có khả năng cạnh tranh. Chú trọng phát triển sản xuất trong nước, nhất là phát triển công nghiệp phụ trợ, giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên phụ liệu. Tập trung ưu tiên đầu tư, mở rộng sản xuất các ngành hàng, lĩnh vực có thế mạnh, lợi thế cạnh tranh, hướng mạnh vào các sản phẩm có tỷ lệ chế biến sâu, hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao; tích cực và chủ động tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Năm 2014, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang được tích cực đàm phán với các đối tác lớn và khi được ký kết sẽ góp phần mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam, nhất là Hiệp định Ðối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mở ra cơ hội lớn cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giầy... Do đó, các DN cần tận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi về tiếp cận thị trường và cắt giảm thuế quan của các đối tác để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA.
Ðể đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả xuất khẩu cần tổ chức hiệu quả, đồng bộ, làm tốt công tác thông tin, dự báo, bám sát tình hình thị trường; tăng cường hoạt động của các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, đặc biệt là tại các thị trường trọng điểm, kịp thời nắm bắt các thay đổi về chính sách, cơ chế quản lý nhập khẩu, kiểm soát chất lượng hoặc những thông tin bất lợi đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại các thị trường để kịp thời thông báo cho các cơ quan quản lý nhà nước và DN, hiệp hội, tạo điều kiện chủ động phối hợp, ngăn ngừa, giải quyết sớm các vụ việc phát sinh. Cần xây dựng đề án phát triển, đẩy mạnh xuất khẩu đối với từng khu vực thị trường nhằm đa dạng hóa mặt hàng và thị trường xuất, nhập khẩu, khai thác tốt tiềm năng và đặc thù của từng khu vực thị trường. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến xuất khẩu thuộc Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, tập trung phát triển sản phẩm xuất khẩu mới có lợi thế cạnh tranh, không bị hạn chế vào các thị trường còn nhiều tiềm năng.
Theo Báo Nhân Dân
|