|
Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố báo cáo tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2014. Theo đó, tính từ đầu năm 2014 đến ngày 20-5, tổng lượng vốn FDI cả các dự án cấp mới và tăng thêm chỉ đạt hơn 5,5 tỉ USD, bằng 65,7% so với cùng kỳ năm 2013.
Cụ thể trong 5 tháng đầu năm nay, cả nước có 500 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt gần 3,67 tỉ đô la Mỹ, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, có 167 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 1,84 tỉ đô la Mỹ, giảm 53,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xét theo lĩnh vực đầu tư, khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 254 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 3,92 tỷ USD, chiếm 71,2% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 5 tháng năm 2014. Lĩnh vực xây dựng đứng thứ 2 với 49 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 463,17 triệu USD, chiếm 8,4%. Đứng thứ 3 là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 9 dự án đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 399,33 triệu USD, chiếm 7,2%. Tiếp theo là lĩnh vực Y tế và trợ giúp xã hội với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 225,93 triệu USD.
Lĩnh vực vận tải, kho bãi tính từ đầu năm 2014 đến hết ngày 20-5-2014 có 20 dự án được cấp mới với tổng số vốn đăng ký trên 73,4 triệu USD, xếp thứ 7 trong số các lĩnh vực thu hút đầu tư FDI. Đến nay, trong lĩnh vực này có 402 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký lên tới trên 3,636 tỷ USD.
Tính từ đầu năm 2014 đến nay, đã có 38 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm 1,31 tỷ USD, chiếm 24% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hồng Kông đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 629,9 triệu USD, chiếm 11,4 % tổng vốn đầu tư; Nhật Bản đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 588,6 triệu USD, chiếm 10,7% tổng vốn đầu tư; Tiếp theo là Singapore đứng ở vị trí thứ 4 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm khoảng 513,4 triệu USD, chiếm 9,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Đến cuối tháng 5-2014, Bình Dương là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với 813,59 triệu USD vốn đăng ký mới và tăng thêm chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư. TP.HCM đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 775,62 triệu USD, chiếm 14,1%. Đồng Nai đứng thứ 3 với 579,74 triệu USD vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm. Tiếp theo là Quảng Ninh, Tây Ninh, Hải Dương với quy mô vốn đăng ký lần lượt là 569,8 triệu USD; 349,9 triệu USD và 351 triệu USD.
Thiên Long
|