Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 5 tháng đầu năm nay, trừ mặt hàng gạo, xuất khẩu các loại nông sản như cà phê, hạt tiêu của nước ta sang các thị trường lớn ở châu Phi như Ai Cập, An-giê-ri, Nam Phi đều có sự tăng trưởng.
Cà phê
Hiện nay, cùng với chè, cà phê đã trở thành đồ uống ngày càng được ưa chuộng của người dân Bắc Phi Ả rập. Bên cạnh đó, tại những nước này, số lượng người nước ngoài, chủ yếu là châu Âu đến sinh sống và làm việc ngày một đông. Vì vậy, nhu cầu nhập khẩu cà phê tăng mạnh, nhất là khi các nước trong khu vực không trồng được loại cây này.
Cà phê là một trong những mặt hàng nông sản của Việt Nam đã có mặt tại châu Phi, chủ yếu là các nước Bắc Phi từ nhiều năm nay.
Trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cà phê sang một số nước châu Phi có sự tăng trưởng mạnh, cụ thể xuất khẩu cà phê sang An-giê-ri đạt 46,1 triệu USD (+100%) so với cùng kỳ; sang Nam Phi đạt 13,1 triệu USD (+245%), sang Ai Cập 3,86 triệu USD (+2%). Năm 2013, xuất khẩu cà phê sang châu Phi đạt 67 triệu USD chủ yếu sang các thị trường Bắc Phi và CH Nam Phi, cụ thể An-giê-ri (31,8 triệu USD), Nam Phi (11,8 triệu USD), Tunisia (9,4 triệu USD), Maroc (6,3 triệu USD), Ai Cập (5,4 triệu USD), Libi (1,2 triệu USD).
Phần lớn cà phê nhập khẩu vào Bắc Phi dưới dạng cà phê thô (cà phê chưa rang xay và chưa khử cafein) qua trung gian là các thương nhân châu Âu. 80% cà phê nhập khẩu là cà phê robusta và 20% là cà phê arabica.
Nhìn chung, cà phê nhập khẩu phải tuân thủ việc kiểm tra chất lượng và các quy định chặt chẽ, do một cơ quan chống gian lận và một phòng thí nghiệm đảm nhiệm, đây là rào cản đầu tiên khi hàng bắt đầu vào lãnh thổ quốc gia. Những người có trách nhiệm sẽ phân tích mẫu lấy từ các bao khác nhau để kiểm tra xem có đáp ứng được các tiêu chuẩn qui định hay không. Về mặt pháp lý, trong mẫu 300 gr, trọng lượng nhân hỏng không được vượt quá 10 %, nếu không hàng sẽ bị ách lại tại cảng. Mức thuế nhập khẩu trung bình là 25% đối với cà phê chưa rang xay và 70% đối với cà phê rang xay.
Việc xuất khẩu cà phê hộp, cà phê hòa tan của Việt Nam vào các nước Bắc Phi còn hạn chế. Người tiêu dùng tại đây thường uống rất ngọt và đánh giá cà phê hòa tan của Việt Nam chưa có đủ độ đường. Đây là điều các doanh nghiệp cần lưu ý khi chế biến, xuất khẩu cà phê thành phẩm vào những thị trường này.
Trừ khu vực Bắc Phi không sản xuất cà phê còn lại những khu vực khác như Đông Phi, Tây Phi đều trồng loại cây này. Châu Phi cũng thành lập Tổ chức cà phê liên châu Phi bao gồm 25 nước sản xuất trong đó lớn nhất Ethiopia, U-gan-đa và Bờ Biển Ngà.
Hạt tiêu
Người dân đạo Hồi ở Châu Phi dùng nhiều gia vị như hạt tiêu trong các bữa ăn, nhất là trong tháng Ramadan và xu hướng này ngày càng tăng. Việt Nam là nước xuất khẩu hạt tiêu hàng đầu thế giới tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu sang Châu Phi cũng còn rất khiêm tốn. Năm 2013, Việt Nam xuất khẩu hạt tiêu sang 17 nước châu Phi với tổng kim ngạch 58 triệu USD, trong đó các thị trường lớn nhất là Ai Cập (25,8 triệu USD), Nam Phi (12,4 triệu USD), An-giê-ri (8,6 triệu USD), Tunisia (5,3 triệu USD), Gambia (1,4 triệu USD), Maroc (1,3 triệu USD). Trong 5 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu có sự tăng trưởng khá trong đó xuất khẩu sang Ai Cập đạt 23,57 triệu USD (+28%), Nam Phi 5,2 triệu USD (tăng 6%).
Với thương hiệu hạt tiêu Việt Nam ngày càng biết đến, dự báo, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang Châu Phi sẽ tăng mạnh hơn trong thời gian tới.
Các hoạt động xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương
Để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản trong đó có cà phê và hạt tiêu vào châu Phi, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tổ chức các đoàn nghiên cứu chính sách và xúc tiến thương mại tại nhiều nước như Bờ Biển Ngà, Senegal, Cameroun, Ghana, Nigeria, Algeria, Ma-rốc, Ai Cập... nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên tiếp xúc trực tiếp. Bộ cũng tích cực đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về nhu cầu nhập khẩu cà phê, hạt tiêu của thị trường châu Phi, cơ chế nhập khẩu mặt hàng này trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong năm 2014, Bộ cũng sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn giao thương, XTTM tại An-giê-ri, Ăng-gô-la, Nam Phi, Bờ Biển Ngà... trong đó chú trọng thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng nông sản, thủy sản; Hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu thủ tục mở kho ngoại quan, mở văn phòng đại diện, chi nhánh, lập công ty tại một số thị trường gạo trọng điểm để bán hàng trực tiếp; Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm về nông sản, thủy sản quốc tế như Triển lãm Nông nghiệp tại Maroc, Hội chợ quốc tế Alger, Hội chợ quốc tế Lagos tại Nigeria...; Phối hợp với các Thương vụ Đại sứ quán tại châu Phi thẩm tra đối tác, giới thiệu các cơ hội kinh doanh, đầu tư, khách hàng uy tín cho doanh nghiệp trong nước; Vận động các nhà nhập khẩu châu Phi vào Việt Nam tham gia các sự kiện thương mại lớn và mua hàng, vv...
Nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn trong khâu thanh toán xuất nhập khẩu, tháng 1 và tháng 11/2013, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) tổ chức Cuộc gặp giữa các ngân hàng Việt Nam, Lào, Campuchia và châu Phi tại Hà Nội và Cameroon. Dự kiến Hội thảo ngân hàng lần ba sẽ diễn ra tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 6/2014.
Đây là dịp để ngân hàng các bên tăng cường khả năng hợp tác, xác định nhu cầu của doanh nghiệp và hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu một cách hiệu quả hơn.
Theo thuongmai.vn