Cùng tham dự Hội nghị, về phía Cục HHVN có các Phó Cục trưởng: Đỗ Đức Tiến, Bùi Thiên Thu; lãnh đạo các phòng tham mưu. Về phía Cục ĐKVN, có các Phó Cục trưởng: Nguyễn Vũ Hải, Nguyễn Hữu Trí, Đặng Việt Hà, Nguyễn Minh Cương; trưởng các phòng tham mưu và Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Trung tâm VRQC.
Theo báo cáo đánh giá, trong 6 tháng đầu năm 2014, việc phối hợp công tác của hai Cục trong các lĩnh vực: nghiên cứu, đề xuất gia nhập và triển khai thực hiện các điều ước quốc tế; trong các hoạt động liên quan đến IMO và Ban Thư ký IMO; trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; phối hợp triển khai thực hiện Chỉ thị số 09/CT-BGTVT, ngày 24/10/2011 của Bộ GTVT và Công ước Lao động hàng hải năm 2006 cũng như việc phối hợp trong công tác kiểm tra, kiểm, soát tàu thuyền hoạt động tuyến ven biển, tuyến bờ-đảo và giữa các đảo khá chặt chẽ và hiệu quả, thực sự làm chuyển biến tích cực, rõ rệt về mặt nhận thức của các cấp lãnh đạo cũng như cán bộ thực thi nhiệm vụ của hai lực lượng từ Trung ương đến địa phương… Đã có 19 thỏa thuận quy chế phối hợp được ký kết và triển khai thực hiện giữa các Cảng vụ hàng hải và các Chi cục Đăng kiểm.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, với sự vào cuộc tích cực và quyết liệt của các Cảng vụ hàng hải và Chi cục Đăng kiểm, tỷ lệ tàu Việt Nam bị lưu giữ tại khu vực Tokyo MOU chỉ còn 4,37%, giảm so với cùng kỳ năm ngoái (7,8%), và hoàn thành chỉ tiêu Đề án “Đưa đội tàu biển Việt Nam ra khỏi danh sách đen của Tokyo MOU vào cuối năm 2014” đưa ra (5,5%). Với thành công bước đầu này, mục tiêu ra khỏi danh sách đen của Tokyo MOU có cơ sở trở thành hiện thực.
Cũng trong 6 tháng qua, các Cảng vụ hàng hải đã hợp tác với các Chi cục Đăng kiểm kiểm tra 99 lượt tàu rời cảng Việt Nam đi quốc tế. Sự hợp tác này đã góp phần quan trọng giúp chủ tàu, thuyền trưởng phát hiện và khắc phục kịp thời các khiếm khuyết ngay khi tàu ở Việt Nam, tránh tàu bị lưu giữ ở cảng nước ngoài có thể dẫn đến tổn thất rất lớn…
Hai bên đã thông báo cụ thể cho nhau những phần công việc liên quan đã và đang triển khai. Một số vướng mắc và những lưu ý trong công tác phối hợp cũng được đưa ra bàn luận tại Hội nghị và được hai bên thống nhất hướng giải quyết nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác phối hợp.
Hai Cục đã xây dựng kế hoạch triển khai trong thời gian tới là: tiếp tục tăng cường hợp tác trong việc nghiên cứu, đề xuất gia nhập và triển khai thực hiện Phụ lục III, IV, V và VI của Công ước MARPOL, Công ước AFS… nhằm tăng cường khả năng hoạt động an toàn, bảo vệ môi trường của đội tàu biển và sự phát triển, hiện đại hóa ngành Công nghiệp đóng tàu, tái sinh tàu Việt Nam, góp phần thúc đẩy hàng hải hội nhập quốc tế sâu rộng; phối hợp khẩn trương đề xuất kế hoạch khắc phục các sự không phù hợp/khuyến nghị đã được nhận biết để chuẩn bị cho việc thực hiện Chương trình đánh giá bắt buộc của IMO (MIMSAS), sẽ có hiệu lực từ 10/01/2016; tích cực, chủ động và hợp tác tốt hơn, bao gồm cả việc đưa ra những đề xuất cải tiến trong việc nâng cao chất lượng và tính hiệu quả hoạt động của Ban Thư lý IMO Việt Nam; tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế; phối hợp triển khai Công ước MLC 2006; chia sẻ thông tin mới về các sửa đổi, bổ sung công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cũng như những hướng dẫn mới của Tokyo MOU và công tác huấn luyện sỹ quan kiểm tra tàu biển; phối hợp giải quyết một số vấn đề liên quan đến đăng kiểm phương tiện hoạt động tuyến ven biển, tuyến bờ ra đảo do Cục HHVN quản lý…
Kết thúc Hội nghị, Lãnh đạo hai Cục đã đồng thuận ký sửa đổi, bổ sung Quy chế phối hợp ngày 12/9/2013.
Theo vinamarine.gov.vn