|
Gần đây trên các diễn đàn, các phương tiện thông tin đại chúng đã có nhiều ý kiến về quan hệ thương mại, đầu tư, du lịch giữa Trung Quốc và Việt Nam. Vậy có thể nhận diện như thế nào về mối quan hệ này?
Trong bài này, xin cung cấp một số thông tin về mối quan hệ thương mại, đầu tư, du lịch giữa hai nước.
Nhìn tổng quát, Việt Nam có biên giới dài, rộng với một đất nước quá lớn, gấp nhiều lần so với Việt Nam cả về diện tích (28,6 lần), dân số (15,2 lần), GDP (35,7 lần), GDP bình quân đầu người (2,3 lần), quy mô xuất khẩu (17,9 lần),... không chỉ là nước láng giềng lớn nhất, Trung Quốc cũng đứng hàng đầu trong các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới có quan hệ thương mại, đầu tư, du lịch với Việt Nam.
Về thương mại, quan hệ buôn bán giữa hai nước có một số điểm đáng lưu ý.
Thứ nhất, nếu cộng cả kim ngạch xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc, thì Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất, với quy mô năm 2013 lên đến trên 50,2 tỷ USD, vượt xa so với các thị trường đứng sau (Hoa Kỳ 29,1 tỷ USD, Hàn Quốc 27,3 tỷ USD, Nhật Bản 25,3 tỷ USD, Đài Loan 11,6 tỷ USD, Thái Lan 10,4 tỷ USD); 4 tháng năm 2014 là gần 17,4 tỷ USD, vượt xa so với các thị trường đứng sau.
Riêng về kim ngạch nhập khẩu năm 2013 lên đến 37 tỷ USD, vượt rất xa so với các thị trường đứng tiếp theo (Hàn Quốc 20,7 tỷ USD, Nhật Bản 11,6 tỷ USD, Đài Loan 9,4 tỷ USD,...).
Thứ hai, giữa Việt Nam và Trung Quốc còn có kim ngạch xuất, nhập khẩu tiểu ngạch lớn (có ước tính bằng 5-10% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu chính ngạch); hầu hết các chợ, các cửa hàng ở hai bên biên giới đã dùng lẫn tiền của nhau (xuất phát từ quy mô và vị thế nhập siêu tiểu ngạch, nên có dự đoán Trung Quốc đang nắm một lượng tiền Việt Nam tới hàng trăm nghìn tỷ).
Điểm đáng lưu ý thứ ba là do Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc lớn hơn và tăng cao hơn xuất khẩu sang Trung Quốc, nên Việt Nam ở vị thế nhập siêu và nhập siêu ngày một lớn.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc nếu năm 2001 là 1,42 tỷ USD, thì năm 2005 là 3,23 tỷ USD, năm 2010 là 7,74 tỷ USD, năm 2013 là 13,26 tỷ USD, 4 tháng 2014 đạt 4,92 tỷ USD.
Năm 2013 so với năm 2001, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc cao gấp 9,3 lần, bình quân 1 năm tăng 20,5%. Đó là tốc độ tăng khá cao, cao hơn tốc độ tăng của tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (tương ứng là 8,8 lần và 19,9%/năm).
Nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc nếu năm 2001 là 1,61 tỷ USD, thì năm 2005 là 5,9 tỷ USD, năm 2010 là 20,2 tỷ USD, năm 2013 là 37 tỷ USD, 4 tháng 2014 là 12,5 tỷ USD.
Năm 2013 so với năm 2001, nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc cao gấp 23 lần, bình quân 1 năm tăng 29,9%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng tương ứng của tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam (tương ứng 8,1 lần và 19,1%/năm), cao hơn nhiều so với tốc độ tăng tương ứng của xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Về đầu tư trực tiếp, tổng lượng vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam tính từ 1988 đến hết tháng 4/2014, có khoảng gần 7,7 tỷ USD, đứng thứ 9 trong các nước và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Riêng năm 2013 gần 2,34 tỷ USD, chiếm khoảng 10,5% tổng số FDI đăng ký năm 2013 vào Việt Nam, đứng thứ tư trong các nước và vùng lãnh thổ.
Việc tăng lên cả về lượng vốn, cả về vị trí của vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam được nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc đón đầu để tranh thủ cơ hội khi Việt Nam gia nhập TPP. Nhận xét Việt Nam đã “xuất khẩu giùm, tiêu thụ hộ” trước đây sẽ càng rõ hơn.
Trung Quốc lại thường thắng thầu các công trình, nhất là nhà máy điện, một số công trình xây dựng cơ sở hạ tầng của Việt Nam; khi thi công thường mang theo lao động, vật tư, thiết bị...
Đầu tư trực tiếp của Việt Nam sang Trung Quốc có 13 dự án, với tổng vốn đăng ký (tính đến cuối năm 2013) chỉ có 16 triệu USD, chỉ bằng dưới 1% tổng vốn đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài.
Về du lịch, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam liên tục đông nhất trong các nước và vùng lãnh thổ và tăng lên qua các năm.
Nếu năm 2005 có 717,4 nghìn lượt người (chiếm 20,6% tổng số), thì năm 2010 đạt 905,4 nghìn lượt người (chiếm 17,9% tổng số), năm 2013 đạt 1907,8 nghìn lượt người (chiếm 25,2% tổng số); vượt xa so với các công nghệ và vùng lãnh thổ có lượng khách đông khác (Hàn Quốc 748,7 nghìn lượt người, Nhật Bản 604,1 nghìn lượt người, Hoa Kỳ 432,2 nghìn lượt người, Đài Loan 399 nghìn lượt người...).
Chi tiêu bình quân 1 ngày của khách Trung Quốc đến Việt Nam năm 2013 ước đạt 95 USD, cao hơn mức bình quân chung (94,7 USD)...
Để hạn chế nhập siêu từ Trung Quốc, cần phải thực hiện nhiều nhóm giải pháp.
Thứ nhất là khẩn trương tăng cường nội lực. Cách đây 20 năm, Việt Nam đã chủ trương, trong quan hệ giữa nội lực và ngoại lực, thì nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng. Nội lực theo nghĩa rộng là sức mạnh kinh tế, là cơ cấu kinh tế, là cán cân thanh toán, là tiền tệ, tỷ giá, trong đó có 2 giải pháp cụ thể là phát triển công nghiệp hỗ trợ để giảm tính gia công, ít phụ thuộc vào nhập khẩu, khai thác nguồn lực trong nước; thực hiện sâu rộng, hơn nữa cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Thứ hai là công tác tuyên truyền giáo dục, ổn định tâm lý để tránh hoảng loạn thái quá mắc mưu trước các tin đồn, nhất là đối với tỷ giá, vàng...
Thứ ba là đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ với nước ngoài. Cách đây hai mươi năm Việt Nam đã có chủ trương trong quan hệ với nước ngoài là đa dạng hóa, đa phương hóa. Điều đó đòi hỏi cơ cấu lại các đối tác đầu tư thương mại; khôi phục lại các thị trường truyền thống; đẩy nhanh việc gia nhập TPP, liên kết trong khu vực, liên kết với châu Âu...
Theo Vneconomy
|