Home Page About us Transport Yellow Pages Forum VIL
Tracuu
Su Kien



Username
Password
 
Đăng ký mới


Phòng kinh doanh:
028
3513 6399
 

Đăng nhập

     

Gỡ nút thắt trong xuất khẩu

9/9/2014 10:08:39 AM

Làm thế nào để nâng cao chất lượng xuất khẩu luôn là một bài toán khó cho nhà quản lý và các DN Việt Nam.

Năm cái khó của xuất khẩu hiện nay

Trước hết phải kể đến khối các DN FDI luôn chiếm một tỉ trọng xuất khẩu lớn. Các số liệu thống kê của Bộ KH&ĐT cho thấy, hiện công nghiệp chế biến, chế tạo (chủ yếu là hàng xuất khẩu) tiếp tục là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm 2014, đã có 448 dự án đầu tư đăng ký mới vào lĩnh vực này, chiếm 69,9% tổng vốn đầu tư đăng ký từ đầu năm tới nay. Tuy nhiên, điều đáng nói là xuất khẩu của khu vực này vẫn chủ yếu là những mặt hàng gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp.

Samsung là một ví dụ điển hình. DN này được hưởng ưu đãi cao nhất dành cho nhà đầu tư tại Việt Nam, được kỳ vọng sẽ chuyển giao công nghệ và các DN Việt sẽ được tham gia vào chuỗi sản xuất đó, song thực tế, trong tổng số 52 DN tham gia chuỗi cung cấp cho Samsung ở Bắc Ninh, chỉ có 4 DN là có 100% vốn Việt Nam. Số DN trong nước này cũng chỉ cung cấp những sản phẩm đơn giản như bao bì, dịch vụ in ấn với giá trị không cao, các nhà cung cấp còn lại đều thuộc về Hàn Quốc và những nước xung quanh hoặc một số công ty liên doanh giữa đối tác nước ngoài và Việt Nam.

Bên cạnh đó, sự đóng góp của khu vực FDI cũng còn hạn chế, tuy các DN FDI được hưởng những ưu đãi thuế, giá thuê đất, vốn, song trên thực tế việc báo lỗ diễn ra ở nhiều DN, thậm chí có DN báo lỗ trong suốt thời gian hoạt động.

Cái khó thứ hai là, chất lượng hàng hóa xuất khẩu thấp và chưa được cải thiện rõ rệt. Mặc dù nông, lâm thủy sản là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhưng chất lượng sản phẩm vẫn để xảy ra tình trạng các nước nhập khẩu than phiền về dư lượng kháng sinh hay lẫn tạp chất...

Ba là, việc phải đối mặt với những rào cản phi thuế quan, các rào cản liên quan đến nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, vệ sinh dịch tễ, bảo hộ sở hữu trí tuệ... đôi khi còn cao hơn cả các hàng rào về thuế và ngày càng được các nước phát triển áp dụng. Đây cũng là vấn đề đang được nhiều nước chuẩn bị và áp dụng để đón đầu TPP. Điển hình là tại Hoa Kỳ, mới đây, quốc gia này đã tăng thuế chống bán phá giá cá tra đối với các DN Việt Nam, trong khi nhiều nước khác lại tăng cường kiểm tra dư lượng kháng sinh đối với mặt hàng tôm. Các biện pháp này đang là trở ngại lớn cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Bốn là, các chủ thể tham gia xuất khẩu thiếu chủ động trong phối hợp, dẫn đến nguồn lực phân bổ cho xuất khẩu chưa thực sự hợp lý. “Hiện tượng được mùa mất giá” tuy không phải mới nhưng vẫn thường xuyên xảy ra, gần đây nhất là các mặt hàng gạo, cà phê, cao su đều có xu hướng giảm cả về sản lượng và kim ngạch. Khi thị trường quốc tế có nhu cầu tăng lên, thì các hộ nông dân đều đổ xô cung cấp các sản phẩm này, và ngược lại nếu gặp khó khăn sẽ dễ dàng phá bỏ.

Năm là, sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc cả đầu ra, lẫn đầu vào sẽ là mối quan ngại với nhiều rủi ro tiềm ẩn cho cả DN và nền kinh tế, nếu không có những điều chỉnh phù hợp thì sớm muộn trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ gặp phải những hụt hẫng không nhỏ.

Một số khuyến nghị

Từ những bất cập trên, tại các cuộc bàn thảo về biện pháp nâng cao chất lượng công tác xuất khẩu, các chuyên gia cho rằng, trước hết phải nâng cao chất lượng và hiệu quả xuất khẩu của khu vực FDI. Theo đó, xuất khẩu của khu vực FDI nên được nhìn nhận là nhân tố tạo đà, kích thích nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của DN nội nói riêng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung. Muốn vậy, việc thu hút FDI phải gắn với các điều kiện hướng vào công nghệ tiên tiến, hiện đại, “công nghệ xanh” và phải tạo ra cơ chế thích hợp để tăng tính liên kết giữa các DN FDI với các DN trong nước.

Bên cạnh đó, cần chuyển hướng từ những nhóm mặt hàng, ngành hàng thâm dụng tài nguyên, vốn, lao động, giá trị gia tăng thấp sang xuất khẩu các mặt hàng, nhóm hàng có lợi thế cao, đó là nhóm ngành hàng, mặt hàng thuộc công nghiệp chế tạo, chế biến, thuộc các ngành công nghiệp hỗ trợ cho các mặt hàng, ngành hàng sản xuất, xuất khẩu. Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ hợp lý đối với các DN áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh. Còn các DN cần tập trung đầu tư thỏa đáng vào công nghệ mới, vào nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là nghiên cứu mẫu mã mới, cây, con mới đảm bảo chất lượng.

Tiếp đến cần đa dang hóa thị trường, đối tác xuất khẩu. Cùng với việc đàm  phán, ký kết, thực hiện các FTA với các đối tác, Chính phủ và DN phải thực sự coi và thực hiện tốt FTA để giảm sự lệ thuộc quá mức vào một số, thậm chí một thị trường nhập khẩu hoăc xuất khẩu. Theo đó, cần có sự điều chỉnh chiến lược mạnh mẽ nhằm cơ cấu lại thị trường nhập khẩu, dành nhiều ưu tiên và chuyển hướng dần sang xuất nhập khẩu với các đối tác trong FTA để tận dụng những ưu đãi trong FTA và tranh thủ tiếp cận thị trường của các quốc gia công nghệ tiên tiến, có công nghệ nguồn để hướng nền kinh tế Việt Nam đến phát triển xanh và bền vững.

Các DN cũng cần chủ động, tích cực liên kết, hợp tác, đặc biệt là với các công ty xuyên quốc gia tại Việt Nam để có thể tham gia và tham gia có hiệu quả vào các khâu của mạng sản xuất, chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu. Đây được xem là phương thức tốt nhất để các DN Việt Nam có thể cùng chia sẻ lợi ích, nhưng vẫn giảm thiểu được rủi ro./.

Theo VEN

TIN LIÊN QUAN
THÔNG TIN KHÁC
Nhiều thắc mắc của DN trước Diễn đàn xuất khẩu năm nay (9/8/2014 10:41:27 AM)
Thị trường xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm (9/8/2014 10:33:29 AM)
Xuất khẩu rau quả sang các thị trường 7 tháng đầu năm 2014 (9/8/2014 10:32:17 AM)
Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu chính của nông sản Việt Nam (9/5/2014 9:46:05 AM)
Xuất khẩu sang Hàn Quốc 7 tháng đạt gần 3,66 tỷ USD (9/5/2014 8:29:10 AM)
Xuất khẩu tiêu sang 4 thị trường tăng mạnh (9/5/2014 8:26:53 AM)
Top 5 thị trường xuất khẩu thủy sản vào Việt Nam (9/5/2014 8:25:24 AM)
8 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1,5 tỷ USD (9/5/2014 8:23:24 AM)
Xuất khẩu hàng hóa sang Băngladesh tăng mạnh (9/5/2014 8:19:06 AM)
Bàn giải pháp giám sát hàng hóa XNK tại cảng biển TP.HCM (9/4/2014 10:49:15 AM)
BÌNH LUẬN

Bình luận của bạn

Nội dung:
Email / Tên / Điện thoại:
 

Bạn thấy giao diện mới của website như thế nào?
Rất đẹp
Đẹp
Bình thường
Không đẹp lắm

VẬN CHUYỂN CONTAINER QUỐC TẾ/NỘI ĐỊA UY TÍN, CHẤT LƯỢNG. HOTLINE: 0903 974 124
CÔNG TY TNHH CÁT TƯỜNG GIANG (CTG LOGISTICS & SHIPPING AGENCIES)

© 2005-2020 Bản quyền thuộc về Viện Logistics Việt Nam (VIL) - Liên hệ quảng cáo
Ghi rõ nguồn "VietnamShipper" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này

Tầng 25, Pearl Plaza - 561A Điện Biên Phủ, P.25, Q.Bình Thạnh, Tp.HCM - Tel: (+84-8) 3513 6399 - Fax: (+84-8) 3513 6359 - Email: admin@vietnamshipper.com