Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 tới. Ngày 5/7, tại Quảng Ninh, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia cho dự án Luật này trước khi trình Quốc hội.
Dự thảo lần này điều chỉnh đối với 16 mặt hàng. Một trong những điểm mới đáng chú ý là việc bổ sung đưa nước ngọt có gas không cồn vào diện chịu thuế TTĐB.
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính ) Phạm Đình Thi, đơn vị chấp bút cho dự thảo, giải thích: Nước ngọt có gas không cồn là nước uống có đường hoặc chất tạo ngọt đã được sục khí CO2 bão hoà nhằm tạo cảm giác cay nồng, dễ chịu khiến người uống có cảm giác "đã" khát, nên rất dễ bị lạm dụng, gây béo phì cho người sử dụng, do vậy cần đưa vào mặt hàng chịu thuế TTĐB.
Theo dự thảo, có 2 phương án áp thuế TTĐB đối với nước ngọt có gas. Phương án 1, thu thuế TTĐB đối với nước ngọt có gas với mức thuế suất là 10%. Phương án hai: Không thu thuế TTĐB đối với nước ngọt có gas.
Hiện, Bộ Tài chính đang trình phương án tạm thời chưa thu thuế TTĐB đối với mặt hàng này để tiếp tục nghiên cứu.
Theo nhiều đại biểu tham dự hội thảo, trong điều kiện hiện nay nước ta đang tích cực thu hút đầu tư nước ngoài, do vậy cần cân nhắc việc đưa nước ngọt có gas là mặt hàng đánh thuế TTĐB.
GS. TS Nguyễn Mại (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài) nhấn mạnh, thuế TTĐB chỉ đánh vào các mặt hàng đặc biệt, do vậy, việc chọn hàng hoá dịch vụ cần hết sức thận trọng. Lấy ví dụ chiến lược phát triển ô tô của Việt Nam không thành công bởi một phần do việc bảo hộ và giá cao do các loại thuế, là nguyên nhân cơ bản khiến ngành ô tô trong nước không phát triển.
Đại diện Hiệp hội thương mại Hoa kỳ (AmCham) bày tỏ sự tôn trọng quyền quyết định đánh thuế của Chính phủ Việt Nam, song, theo vị đại diện này, Việt Nam cần xây dựng chính sách thuế công bằng giữa các thành phần doanh nghiệp. Cụ thể, về mặt hàng nước ngọt có gas, 90% doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi nước ngọt không gas là thị trường của các doanh nghiệp trong nước.
Theo Luật sư Vũ Xuân Tiền (Ủy viên BCH Hội Luật gia Hà Nội), việc sửa đổi bổ sung Luật Thuế TTĐB là cần thiết, bởi đã xuất hiện những bất hợp lý về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, giá tính thuế và thuế suất. Tuy nhiên, việc bổ sung thêm nước ngọt có gas không cồn cần phải chứng minh được rằng sử dụng nước ngọt có gas không cồn ở mức bình thường cũng có ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, không xét đến việc sử dụng quá mức đương nhiên có hại, bởi Luật Thuế không có chức năng điều tiết mức độ sử dụng hàng hoá, dịch vụ của con người.
Cảnh báo về việc nguy cơ bị kiện về yếu tố phân biệt đối xử vì Việt Nam đã tham gia sân chơi WTO, đại diện Ban Pháp chế của VCCI cho biết, tuy không cao, nhưng nguy cơ bị kiện là có, do vậy, Ban soạn thảo cần cân nhắc khi đưa mặt hàng này vào.
Cũng liên quan đến các mặt hàng điều chỉnh của dự thảo lần này, ngoài việc nâng mức thuế TTĐB đối với thuốc lá từ 65% lên 75% và có lộ trình tăng thêm 10% áp dụng từ 2018; đối với rượu, bia tăng thuế TTĐB từ 50% lên 65%… thì bia hơi, tàu bay, du thuyền phục vụ an ninh, quốc phòng, sẽ thuộc đối tượng không đánh thuế.
Về vấn đề này, các đại biểu kiến nghị cần có các quy định chặt chẽ cụ thể.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, mục đích sửa đổi luật cần rõ ràng hơn.
Nếu nói về sức khoẻ cộng đồng thì các nghiên cứu phải đánh giá rõ ràng các tác động. Đơn cử như thuốc lá, rượu bia đã có phân tích rõ ràng, nhưng các đánh giá của nước ngọt có gas trong dự thảo luật còn sơ sài.
Ngoài ra, tác động kinh tế trong thay đổi mức thuế đối với thu ngân sách, tạo công ăn việc làm và tạo tác động lan toả sang ngàng khác chưa làm rõ.
Khả năng áp dụng các điều khoản của thuế về lý thuyết thì áp dụng được, nhưng về mặt thực tế là khó.
Ngày 17/7, dự thảo này sẽ được Chính phủ đưa ra thảo luận, góp ý kiến trước khi chính thức trình Quốc hội.
Nguồn: Chính phủ