Khác với nhiều ngành kinh tế khác, thời gian gần đây ngành titan Việt Nam đã và đang có nhiều giải pháp để chủ động tìm kiếm các thị trường mới kể cả trực tiếp và gián tiếp thông qua các công ty đa quốc gia, tránh để phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Theo ông Đào Công Vũ - Tổng thư ký Hiệp hội Titan Việt Nam, nếu xét về tỷ lệ thì thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc hiện chiếm hơn 53% nhưng đang có xu hướng giảm rất mạnh. Theo lý giải, xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là nguyên liệu thô mới qua sơ chế (ilmenit) nhưng gần đây, các cơ quan quản lý đã có những quyết định nhằm hạn chế việc xuất khẩu thô.
Bên cạnh đó, số liệu thống kê cho thấy xuất khẩu trực tiếp của titan Việt Nam vào các thị trường ngoài Trung Quốc là 45% và đang có xu hướng tiếp tục tăng.
Điều này đồng nghĩa với việc rủi ro từ thị trường Trung Quốc là không cao. Tuy nhiên, vẫn theo ông Đào Công Vũ, nếu nguy cơ thị trường không cao thì lại xuất hiện một rủi ro khác là nếu không chủ động hơn về thị trường cũng như phát triển công nghệ chế biến sâu thì ngành titan Việt Nam sẽ lại phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc về nguyên liệu pigment và chế phẩm hợp chất zircon cho các ngành kinh tế khác.
Dù ngành titan Việt Nam thời gian qua đã rất nỗ lực trong việc nâng dần tỷ lệ sản phẩm titan Việt Nam trực tiếp vào các thị trường nhưng việc tiếp cận các thị trường mới cũng có không ít khó khăn. Khó khăn lớn nhất từ phía các thị trường mà sản phẩm titan Việt Nam hướng đến chính là tính ổn định của sản phẩm: Ổn định chính sách giá cả, chất lượng, sản lượng.
Trong khi đó, ở trong nước công tác quản lý, cấp phép và xuất khẩu còn gây khó cho doanh nghiệp, làm giảm uy tín doanh nghiệp. Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp có tâm lý ngại tính toán dài hạn cũng như tìm kiếm thị trường mới, không muốn làm ăn với các đối tác lớn. Ngoài ra, vẫn tồn tại hiện tượng một số doanh nghiệp làm ăn chụp giật, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Hiệp hội Titan Việt Nam cho rằng, tiềm năng tài nguyên titan của Việt Nam là rất lớn với khoảng 6% trữ lượng của thế giới nhưng để chuyển tiềm năng thành lợi thế kinh tế thì còn nhiều việc phải làm. Để việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thành hiện thực, ngành titan Việt Nam cần được tạo điều kiện cấp phép vùng nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất chế biến lớn và sâu. Bên cạnh đó, các chính sách về xuất khẩu, thuế, phí cho titan cần ổn định, Nhà nước cần có cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực công nghệ để chế biến và sản xuất các sản phẩm có giá trị lớn.
Nguồn: Báo Công Thương
|