|
6 tháng đầu năm nay, dù nền kinh tế còn không ít khó khăn nhưng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của cả nước vẫn đạt 70,9 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước. Đó là con số đáng mừng và là một trong những thành tựu nổi bật về kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, xung quanh việc xuất khẩu hàng hóa của nước ta vẫn còn không ít nỗi lo và rào cản cần phải được tháo gỡ...
Sự tăng trưởng ngoạn mục
Có mặt tại Hải Phòng vào những ngày tháng 7 này, chúng tôi đã được chứng kiến không khí tấp nập của hải cảng lớn nhất miền Bắc với rất nhiều hàng hóa được đưa xuống tàu xuất sang các thị trường trên thế giới. Lãnh đạo Cảng Hải Phòng cho biết, trong năm nay, sản lượng hàng hóa qua cảng tiếp tục tăng nhanh, 6 tháng qua đã đạt khoảng 30 triệu tấn, tăng trưởng gần 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Với tốc độ này, hoàn toàn có thể nghĩ tới con số 60 triệu tấn sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển khu vực Hải Phòng trong năm 2014.
Không chỉ ở Hải Phòng mà tại nhiều hải cảng, cửa khẩu khác, việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng khá ngoạn mục. Theo tổng hợp của Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của cả nước 6 tháng đầu năm 2014 đạt 70,9 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước và đạt 44,7% kế hoạch năm. Đặc biệt, trong các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu, có một số mặt hàng đạt kim ngạch tăng rất cao so với cùng kỳ năm trước như: Điện thoại các loại và linh kiện đạt 11,7 tỷ USD, tăng 17,1%; hàng dệt, may đạt 9,3 tỷ USD, tăng 18,2%; giày dép đạt 4,8 tỷ USD, tăng 21,9%; thủy sản đạt 3,5 tỷ USD, tăng 26,5%; máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng khác đạt 3,4 tỷ USD, tăng 20,4%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,9 tỷ USD, tăng 16%; cà phê đạt 2,1 tỷ USD, tăng 24,8%; túi xách, va li, mũ, ô dù đạt 1,3 tỷ USD, tăng 38,1%; hạt điều đạt 848 triệu USD, tăng 22,2%; hạt tiêu đạt 819 triệu USD, tăng 53,2%...
Về thị trường xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2014, EU vươn lên vị trí dẫn đầu với tổng kim ngạch ước tính đạt 13,1 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2013. Đứng thứ hai là Hoa Kỳ với kim ngạch đạt 13 tỷ USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2013. Thị trường ASEAN đứng thứ ba với 9,6 tỷ USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2013. Tiếp đến là Trung Quốc với 7,4 tỷ USD, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2013...
Theo bà Phan Thị Diệu Hà, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương): Sự tăng trưởng ấn tượng của kim ngạch xuất khẩu trong thời gian qua thể hiện nỗ lực không ngừng của các bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp.
Những khó khăn, thách thức mới
Bên cạnh những con số đáng phấn khởi về sự tăng trưởng ngoạn mục của kim ngạch xuất khẩu của nước ta trong những tháng đầu năm 2014 là rất nhiều cảnh báo về khó khăn, thách thức trong những tháng còn lại của năm 2014 và những năm tiếp theo.
Theo phân tích của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2014 của cả nước tăng cao so với cùng kỳ năm 2013, nhưng đang có dấu hiệu chững lại. Kim ngạch xuất khẩu tháng 6 của cả nước giảm 2,5% so với tháng 5-2014. Từ xuất siêu, trong tháng 5-2014, chúng ta đã nhập siêu 369 triệu USD, đến tháng 6-2014, nhập siêu cũng vào khoảng 200 triệu USD, bằng 1,7% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.
Mặt khác, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2014 tăng cao chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước 6 tháng đầu năm 2014 đạt 23,1 tỷ USD, chỉ tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2013. Trong khi đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 47,8 tỷ USD, chiếm 67,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và tăng tới 16,6% so với cùng kỳ năm 2013. Nhiều mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước như: Điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may, giày dép, máy móc thiết bị và phụ tùng, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy vi tính và linh kiện máy tính... là do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất khẩu. Điều này cho thấy các doanh nghiệp trong nước vẫn đang khó khăn trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của mình ở nước ngoài.
Một vấn đề đáng lo ngại nữa là kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng truyền thống, có thế mạnh của Việt Nam đã giảm so với cùng kỳ năm trước, như gạo giảm 5%; cao su giảm 32,3%; sắn và sản phẩm sắn giảm 12,1%....
Tại hội thảo “Diễn biến mới nhất trong hội nhập kinh tế từ các Hiệp định thương mại TPP, AEC, giao thương với Trung Quốc và lời khuyên cho doanh nghiệp” do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức mới đây, nhiều doanh nghiệp lo ngại sự cạnh tranh gay gắt hơn về thị trường xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2014 và những năm tiếp theo. Bà Nguyễn Thị Điền, Tổng giám đốc Công ty TNHH May thêu-Giày An Phước cho biết: Hơn 60% sản phẩm chủ lực của công ty này tiêu thụ tại thị trường nội địa, còn lại là xuất khẩu sang các thị trường Nhật, Đức… Vì vậy, khi Hiệp định TPP được ký kết, Công ty TNHH May thêu-Giày An Phước cũng như những doanh nghiệp nội địa khác sẽ phải cạnh tranh với hàng hóa của các nước khác thâm nhập vào Việt Nam .
Cần tháo ngay những rào cản, vướng mắc
Tại cuộc họp báo của Bộ Công Thương mới đây, những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực xuất khẩu đã được nhiều nhà báo đặt ra trước lãnh đạo bộ này.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, không phải hiện nay vì có biến động ở Biển Đông, mà Chính phủ, các bộ, ngành…, trong đó có Bộ Công Thương mới nghĩ đến việc chúng ta phải đa đạng hóa các thị trường cả về xuất khẩu và nhập khẩu. Gần đây nhất, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã trực tiếp dẫn đầu đoàn đàm phán Việt Nam sang EU để thực hiện những công đoạn cuối (chưa phải cuối cùng) nhằm hoàn thành Hiệp định giữa Việt Nam và EU. Chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại cả trong và ngoài nước, trong đó có việc mở rộng các thị trường, trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đến các thị trường ngoài những thị trường xuất khẩu chủ yếu như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản..., tiếp tục mở rộng thị trường khác như Nga, các nước Đông Âu, Trung Đông, kể cả châu Phi.
Ngoài ra, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, cũng cần tập trung ưu tiên, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm xuất khẩu, làm giảm kim ngạch nhập khẩu nguyên vật liệu, thiết bị từ nước ngoài (trong đó có Trung Quốc).
Tại cuộc hội thảo mới đây về xuất khẩu, ông Ngô Văn Tụ, Giám đốc điều hành Công ty Sữa đậu nành Việt Nam khuyến cáo: Để giảm tình trạng phụ thuộc vào một số thị trường xuất nhập khẩu, doanh nghiệp Việt Nam phải ưu tiên phát triển những mặt hàng xuất khẩu mang tính bổ sung chứ không cạnh tranh với sản phẩm nội địa tại thị trường xuất khẩu.
Cũng tại hội thảo nói trên, nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị doanh nghiệp tham gia lĩnh vực xuất khẩu, nhất là đối với thị trường Trung Quốc và các nước láng giềng, không nên đi theo đường tiểu ngạch, biên mậu mà phải theo chính ngạch để hướng đến bảo vệ quyền lợi và xây dựng thương hiệu tại các thị trường xuất khẩu. Việc ký kết các Hiệp định thương mại của Việt Nam với các nước là cần thiết, nhưng giải pháp quan trọng hàng đầu để tăng kim ngạch xuất khẩu vẫn là nâng cao chất lượng sản phẩm thì mới cải thiện được năng lực cạnh tranh và thâm nhập thành công vào các thị trường xuất khẩu, cũng như nắm bắt những điều kiện thuận lợi do Hiệp định thương mại mang lại.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2014 của cả nước đạt 69,6 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 30,3 tỷ USD, tăng 10,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 39,3 tỷ USD, tăng 11,6%. Nhập siêu tháng 6 ước đạt 200 triệu USD, bằng 1,7% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, kéo xuất siêu 6 tháng đầu năm 2014 xuống còn 1,3 tỷ USD, bằng 1,9% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
|