Tương tự đường bộ, đường sắt cũng phải kiểm soát chặt tải trọng của từng chuyến tàu hàng để đảm bảo an toàn kết cấu cầu đường và ATGT. Tuy nhiên, để hiện thực hóa chủ trương này vẫn còn khá nan giải, cần sự vào cuộc và đầu tư mạnh mẽ hơn của ngành Đường sắt.
Gãy lò xo vì quá tải
Thực tế, có không ít chuyến tàu do chở quá tải trọng đã dẫn đến những sự cố khó lường. Đơn cử tháng 6/2014 vừa qua, tàu hàng mang số hiệu 345T1, khi đến ga Đà Nẵng, đột nhiên toa xe 231108 bị gãy lò xo do chở quá tải trọng đến 112%.
Theo kết quả kiểm tra, cả 4 tổ lò xo xả nhún đều bị xẹp. Trong đó, lò xo xả nhún vị trí 2 - 4 bị gãy. Khi được đưa vào cân kiểm tra trọng tải, Trung tâm Ứng phó sự cố thiên tai và Cứu nạn đường sắt khu vực 2 phát hiện có trọng tải toa xe lên đến gần 63 tấn, vượt tải hơn 32 tấn.
"Việc kiểm soát tải trọng toa xe đều do đơn vị xếp hàng thực hiện. Ga chỉ kiểm tra vận đơn và kéo tàu. Ga cũng không được trang bị cân nên để xác định được toa xe vượt tải trọng là khó”.
Ông Đỗ Đình Đạo Trưởng ga Xuân Giao A |
Toa xe này xuất phát từ ga Bỉm Sơn (Thanh Hóa) đến ga Hố Nai (Biên Hòa) có hóa đơn hàng chỉ với trọng tải 30 tấn, nhưng lại chở đến gần 63 tấn. Ga Đà Nẵng đã cho hạ tải 33 tấn sang toa khác để tiếp tục hành trình. Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan cũng bị xử phạt 85 triệu đồng.
Câu hỏi đặt ra là tại sao trong cả một hành trình dài từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng mà toa hàng chở vượt tải này không bị phát hiện? Trong khi đó, dọc tuyến có nhiều trạm khám xe. Lý giải điều này, đại diện Trung tâm Ứng phó sự cố thiên tai và Cứu nạn đường sắt (Tổng Công ty Đường sắt VN) cho biết, ngành Đường sắt chỉ có ba cân tải trọng di động, đặt tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Đây là cân chuyên dụng đặt trên đường ray, có thể cân tàu khi đang chạy hoặc ở trạng thái tĩnh.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Tổng Công ty Đường sắt VN, từ đầu tháng tư đến nay, đã phát hiện gần 20 toa xe vượt quá tải trọng. Trong đó, có nhiều toa xe vượt tải trọng theo vận đơn. “Tất cả các trường hợp vượt quá tải trọng đều được phát hiện qua kiểm tra đột xuất. Những trường hợp chở vượt tải trọng đều được yêu cầu hạ tải, mức phạt cao gấp bốn lần so với số lượng hàng vượt quá tải” - vị đại diện này cho biết.
Tính tải trọng bằng... mắt
Đây là thực tế đáng buồn tại hầu hết các ga đường sắt, dù các ga này có trách nhiệm rất lớn trong việc kiểm soát tải trọng. Theo ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố thiên tai và Cứu nạn đường sắt khu vực 3, nếu toa xe hàng chở vượt tải trọng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, làm hư hỏng kết cấu cầu đường sắt, mất an toàn chạy tàu, thậm chí trật bánh toa xe. Ngoài kiểm soát theo vận đơn, rất cần trang bị cho các ga bộ cân phương tiện đường bộ.
Mới đây, Tổng Công ty Đường sắt VN đã chỉ đạo các ga đường sắt mỗi khi nhận hàng từ xe ôtô xếp lên toa xe hàng phải yêu cầu chủ hàng hoặc lái xe trình giấy đăng kiểm và vận đơn để kiểm tra đối chiếu. Nếu trọng lượng hàng hóa trên vận đơn lớn hơn trọng tải cho phép ghi trên giấy đăng kiểm dứt khoát từ chối tiếp nhận hàng.
Giải thích lý do này, ông Phạm Công Trịnh - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt VN cho biết, thẩm quyền của Ngành chỉ có thể kiểm tra theo vận đơn hàng hóa. Nếu vượt tải trọng vận đơn, nhất quyết không cho bốc hàng. Nhưng việc trang bị cân tải trọng phương tiện đường bộ rất khó.
Vấn đề đặt ra là các ga làm thế nào để kiểm soát khối lượng riêng của từng loại hàng? Trong khi toàn bộ các ga đường sắt đều không có cân tải trọng phương tiện đường bộ.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Đình Rậu - Trưởng ga Giáp Bát cho biết, ga đã thành lập một tổ kiểm soát tải trọng phương tiện, kiểm tra hàng hóa theo vận đơn. Xe nào chở quá tải, nhất quyết không cho bốc hàng lên tàu.
Tuy nhiên, để xác định xe ô tô có đúng tải trọng hay không, ông Rậu cho biết chỉ có thể đếm… bằng mắt thường. Ví dụ xe chở xi măng thì mỗi bao nặng khoảng 50 kg nhân với số lượng bao đúng theo vận đơn. Nếu xe nào quá số lượng thì không cho bốc hàng. Đối với những hàng hóa đóng bao, gói thì kiểm soát tải trọng dễ. Còn hàng rời thì tính tải trọng bằng kinh nghiệm là chính vì ga không có cân tải trọng phương tiện đường bộ.
Cùng chung cảnh ngộ là ga Lào Cai. Ông Hoàng Đình Tứ - Trưởng ga này cho biết, lực lượng kiểm tra tải trọng của ga cũng phải đếm bao hàng để tính tổng tải trọng là chính. Bên cạnh đó, ga còn nhờ cả trợ giúp của lực lượng CSGT và TTGT địa phương cùng vào cuộc để kiểm soát tải trọng tại ga.
Tuy nhiên, dù Giáp Bát và Lào Cai là hai ga có lượng vận chuyển hàng trên đường sắt khá lớn, nhưng đến nay cả hai ga này đều chưa phát hiện được phương tiện nào chở quá tải theo vận đơn. Để kiểm soát được tải trọng, lãnh đạo các ga này đều kiến nghị được trang bị cân tải trọng phương tiện.
Theo Giao Thông vận tải.