Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đang có lợi thế kinh doanh tốt, trong khi nhóm doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nhọc nhằn tìm đường ra.
Lợi nhuận của tôm xuất khẩu tăng cao một phần là nhờ Hoa Kỳ đã công nhận mặt hàng này không được nhận trợ cấp từ Chính phủ Việt Nam. Nhưng trong khi tôm Việt Nam trở thành nguồn cung cấp chính cho các nước nhập khẩu thì ngược lại Vasep dự báo, xuất khẩu cá tra sẽ có xu hướng tiếp tục giảm trong những tháng cuối 2014.
Cá mắc cạn
Ảnh hưởng của Luật Nông trại 2014 (Farm Bill) và các phán quyết của Bộ Thương mại Hoa Kỳ về thuế chống bán phá giá cá tra POR 9 và phán quyết sơ bộ POR 10 đã tác động mạnh đến việc xuất khẩu cá tra sang Mỹ của các doanh nghiệp.
Điều này có thể thấy rất rõ nếu nhìn vào trường hợp Công ty Thủy sản An Giang (AGF). Trong năm 2013, sau khi hưởng mức thuế thấp từ POR 7 và POR 8 chỉ 0,02 USD/kg, thì sang năm 2014, với POR 9 và POR 10 lần lượt chịu thuế là 2,15 USD/kg và 0,58 USD/kg, doanh thu quý 2/2014 của AGF suy giảm, chỉ đạt 585,7 tỷ đồng so với quý 2/2013 là 862 tỷ. Và lợi nhuận chỉ đạt 55,7 tỷ đồng, giảm 50% so với quý cùng kỳ. Theo giải trình của AGF, sở dĩ kết quả kinh doanh kỳ này giảm là do doanh số xuất khẩu thị trường Mỹ giảm.
Một ông lớn khác trong ngành thủy sản là Công ty Hùng Vương (HVG) vừa công bố tăng trưởng doanh thu khá ngoạn mục trong quý II với doanh thu thuần đạt 3.680 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, theo ông Dương Ngọc Minh, Tổng giám đốc HVG, toàn bộ nguồn thu và lợi nhuận có được nhờ vào kinh doanh… bã đậu nành. Xuất khẩu cá tra của HVG cũng đang gặp khó.
HVG đã không thể thực hiện chiến lược gởi doanh thu và lợi nhuận cho AGF (do HVG nắm quyền sở hữu 51,41% vốn tại AGF) như năm 2013. Ở thời điểm đó, AGF có mức thuế thấp chỉ 0,02 USD/kg, trong khi HVG chịu mức thuế 0,077 USD/kg. Do đó, dù chịu mức thuế cao, nhưng do tập trung xuất khẩu cá tra qua AGF vào thị trường Mỹ nên tăng trưởng xuất khẩu cá tra của HVG vào thị trường Mỹ không hề hấn gì. Hiện nay, do mức thuế vào thị trường Mỹ của HVG và AGF tương đương nhau là 0,58 USD/kg nên khi AGF suy giảm doanh số xuất khẩu vào Mỹ thì HVG cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Trong số các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra thì chỉ có Công ty Vĩnh Hoàn (VHC) có thể tự tin kinh doanh tốt ở thị trường Mỹ do là doanh nghiệp duy nhất hưởng mức thuế chống bán phá giá 0%. Với tỷ trọng xuất khẩu trên 50% vào thị trường Mỹ, VHC sẽ tăng trưởng tốt nhờ vào lợi thế này. Lũy kế xuất khẩu 7 tháng đầu năm, VHC đạt 102 triệu USD, hoàn thành 50% kế hoạch năm (220 triệu USD).
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 6 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 824,44 triệu USD, giảm 3% so với cùng kỳ. Hai thị trường chủ lực nhập khẩu cá tra Việt Nam là EU và Mỹ chiếm khoảng 39,4% tổng giá trị xuất khẩu cá tra, trong đó, xuất khẩu sang EU đạt 173,2 triệu USD, giảm 9,5% và Mỹ đạt 151,8 triệu USD, giảm 25,2% so với cùng kỳ năm 2013. Phân tích các khía cạnh khiến mức độ tăng trưởng xuất khẩu của cá tra đang gặp khó, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết, hàng loạt các rào cản được các nước dựng lên về kiểm soát dư lượng kháng sinh trong sản phẩm thủy sản, thuế chống bán phá giá,… đã ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Cá tra lại bị kiểm tra chất lượng nhiều hơn bất kỳ loài cá nào với khoảng 27 thông số mà thanh tra các nước châu Âu vừa đưa vào áp dụng.
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã tìm cách chuyển hướng sang các thị trường dễ tính ở các nước ASEAN, Trung Quốc, Brazil, Colombia, Arab… do các nước nói trên chưa đặt ra các rào cản kỹ thuật nghiêm khắc. Tuy nhiên điều này chưa phải là lối ra tích cực vì sản lượng tăng, nhưng giá trị không tăng tương ứng.
Mặt khác, cá tra cũng đang bị chia sẻ thị phần với các loại cá thịt trắng khác như giống cá alaska pollock. Và Ấn Độ, Indonesia đang phát triển nhanh đàn cá tra với sản lượng lên đến cả triệu tấn khiến Việt Nam mất dần thế độc quyền về loại cá này. VASEP cũng dự báo xuất khẩu cá tra sẽ tiếp tục xu hướng sụt giảm trong những tháng cuối năm nay do nhu cầu của thị trường nhập khẩu chưa được cải thiện.
Tôm lên ngôi
Mặc dù bị vướng vấn đề sử dụng kháng sinh Oxytetracycline (OTC) từ những đợt kiểm tra gắt gao của Nhật, nhưng xuất khẩu tôm vẫn tiếp tục duy trì được “phong độ” tốt mà theo đánh giá của VASEP, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2014 vẫn ổn định và tăng trưởng nhờ vào mặt hàng tôm.
Hàng loạt các thị trường xuất khẩu trọng điểm của mặt hàng tôm đều có sự tăng trưởng tốt. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2014, thị trường Mỹ đạt 527,7 tỷ USD, tăng 9,2%. Mặc dù xuất khẩu tôm sang thị trường Nhật cũng bị suy giảm do quy định kiểm tra kháng sinh OTC, nhưng vẫn đạt giá trị 311,1 triệu USD tăng 5,9%, thị trường EU (287,5 triệu USD, tăng 8,3%), thị trường Trung Quốc và Hồng Kông có mức tăng trưởng mạnh nhất với 44,9%, đạt 212,9 triệu USD,…
Công ty Thủy sản Minh Phú (MPC), một doanh nghiệp có thế mạnh về xuất khẩu tôm đang hưởng lợi nhiều nhất từ sự tăng trưởng của các thị trường EU, Nhật, Mỹ. Kết quả doanh thu của MPC cho thấy điều đó: quý 1/2014 là 2.792 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2013 là 1.476 tỷ đồng. Tương ứng, lợi nhuận của MPC cũng tăng gần gấp 10 lần là 165 tỷ đồng (quý 1/2014) so với 17 tỷ cùng kỳ. Lợi nhuận của MPC tăng cao một phần là nhờ vào Hoa Kỳ đã công nhận tôm Việt Nam không được nhận trợ cấp từ Chính phủ. Điều này giúp doanh nghiệp không phải bị đánh thuế 2 lần khi xuất khẩu vào nước này.
Theo ông Trương Đình Hòe, sản phẩm tôm Việt Nam đang chi phối thị trường thế giới do nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng tốt và giá bán hợp lý. Ngoài ra giá trị kim ngạch tăng do sự cộng hưởng giá nhập khẩu thị trường tôm thế giới tăng mạnh. Trong khi đó, sản lượng tôm ở một số thị trường xuất khẩu lớn của châu Á như: Thái Lan, Ấn Độ và Trung Quốc vẫn chưa hồi phục do dịch EMS (hội chứng hoại tử gan tụy cấp), cho nên tôm Việt Nam đã trở thành nguồn cung cấp chính cho các nước nhập khẩu.
Theo Vasep, 6 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu tôm đã đạt gần 1,8 tỷ USD và dự kiến, xuất khẩu tôm cả năm 2014 có thể vượt mức 3,5 tỷ USD nếu kiểm soát tốt dịch bệnh và thị trường thuận lợi.
Theo Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp điện tử