Sáng 26/9, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo về đề án phát triển doanh nghiệp thành phố đến năm 2020 nhằm phát triển doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho người dân.
Doanh nghiệp nhỏ chiếm 98%
UBND TP Đà Nẵng cho biết, đến cuối năm 2013 thành phố có 12.759 doanh nghiệp đang hoạt động. Tuy nhiên, quy mô của DN trên địa bàn TP Đà Nẵng chủ yếu là nhỏ và vừa (98%). Trong đó, doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ chiếm 76,07%. Đa số doanh nghiệp có vốn lớn đều nằm ở khu vực vốn đầu tư nước ngoài và công ty cổ phần.
Theo kết quả khảo sát của Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Đà Nẵng thì các DN trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn ở nhiều khía cạnh như thị trường, vốn, lao động, mặt bằng sản xuất kinh doanh, công nghệ, khó khăn về tiếp cận thông tin, chính sách hỗ trợ của thành phố, thủ tục hành chính.
Trong đó, thị trường là vấn đề khó khăn nhất do cạnh tranh không lành mạnh, chưa tạo được thương hiệu, quy mô thị trường nhỏ, chi phí vận chuyển lớn, thiếu thông tin nên rất khó trong việc tiếp cận và mở rộng thị trường, đồng thời thiếu các kênh phân phối.
Đối với thị trường xuất khẩu có 38,5% doanh nghiệp cho rằng việc tiếp cận, mở rộng thị trường là khó khăn lớn nhất.
Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Để khởi động cho thời kỳ mới tập trung đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng DN, UBND đã xây dựng đề án Phát triển DN đến năm 2020 và xem đây kế hoạch trọng tâm của kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương trong thời gian tới.
Theo đó, mục tiêu của đề án phát triển DN đến năm 2020 là số lượng doanh nghiệp phát triển tăng thêm bình quân 10% mỗi năm, giải quyết việc làm bình quân cho 31.000 người/năm, tổng vốn đầu tư từ khu doanh nghiệp chiếm 65-70% tổng vốn đầu tư thành phố và khu vực doanh nghiệp đóng góp 75-85% tổng thu ngân sách của Đà Nẵng.
Để thực hiện đề án, TP đã đưa ra một loạt các giải pháp như tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính; triển khai hiệu quả mô hình “một cửa tập trung”, tăng cường sự tham vấn của DN trong quá trình thực hiện chính sách.
Ngoài ra, Đà Nẵng cũng tích cực trong việc hỗ trợ đổi mới khoa học, công nghệ, mặt bằng sản xuất kinh doanh; tài chính, tín dụng; tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; hỗ trợ ứng dụng CNTT trong sản xuất và kinh doanh…
Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Đà Nẵng có cơ sở hạ tầng được trang bị tốt; môi trường đầu tư luôn được cải thiện, luôn giữ “top đầu” trong bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nhưng việc phát triển DN còn hạn chế, năng lực cạnh tranh thấp, giá trị sản xuất chưa cao.
Để đề án thực sự hiệu quả, Đà Nẵng cần định hướng cho sự phát triển chung của DN. Trong đó, TP cần phát triển dịch vụ du lịch, ngân hàng, logistics chứ không phải là chú trọng vào dệt may, cơ khí hay nông nghiệp. Với những ưu tiên phát triển này, Đà Nẵng chắc chắn sẽ trở thành 1 cực phát triển của cả vùng.
Ông Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng cho biết: Ngoài việc đổi mới các cơ chế, chính sách, Đà Nẵng sẽ khuyến khích, hướng DN thành lập các DN mới từ đó hình thành công ty lớn. Hơn nữa, TP cũng chú trọng thu hút các công ty đa quốc gia, các tập đoàn kinh tế về đầu tư, phát triển trên nguyên tắc học tập trao đổi kinh nghiệm.
TP tạo mọi kiện cho các DN thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia bình đẳng trong đấu thầu các dự án đầu tư, mua sắm công, khai thác tối đa các nguồn lực để phục vụ quá trình phát triển doanh nghiệp nhất là nguồn lực về vốn, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch…
Theo Chính phủ.