Mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước chưa hết khó khăn nhưng hơn 10 tháng qua, nhiều mặt hàng xuất khẩu (XK) chủ lực của Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng, thậm chí có ngành sắp về đích trước thời hạn.
Tăng trưởng cao
Tin vui và ấn tượng nhất có lẽ thuộc về các doanh nghiệp ngành dệt may khi trong 10 tháng qua toàn ngành đã đạt kim ngạch XK gần 18 tỷ USD, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm 2013. Thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho thấy, hầu hết các thị trường của ngành đều có mức tăng trưởng cao. Cụ thể, thị trường Hàn Quốc tăng 32%, EU tăng 19%, Mỹ tăng 15%, Nhật Bản tăng 14%... So với chỉ tiêu đã đăng ký, dự kiến kết thúc năm nay, ngành sẽ vượt kế hoạch từ 0,5 - 1 tỷ USD, đạt mức tăng khoảng 16%. Dù chưa sang năm mới, nhưng hiện rất nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đã có lượng đơn hàng sản xuất, gia công kín đến quí I, quí II năm 2015.
Tương tự, những ngày này, ngành thủy sản cũng đang trong tâm trạng phấn chấn. Giá trị XK thủy sản tháng 10 ước đạt 736 triệu USD đã góp phần đưa giá trị XK của 10 tháng qua đạt khoảng 6,5 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2013. Dù có nhiều bất đồng, rào cản về thuế quan, các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm… nhưng Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam. Những thị trường truyền thống còn lại như: Nhật Bản, Hàn Quốc, EU… đều tăng từ 7 - 43%.
Theo Bộ Công Thương, từ đầu năm đến nay, kim ngạch XK hàng hóa cả nước ước tính đạt hơn 123 tỷ USD, tăng khoảng 13% so với cùng kỳ năm 2013. Đặc biệt khu vực kinh tế trong nước đã liên tục tăng trưởng, đạt khoảng 13%, cao hơn nhiều so với mức tăng chỉ 3% của cùng kỳ năm 2013. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy sự phục hồi và phát triển sản xuất, XK của khối doanh nghiệp trong nước. Chỉ tính trong tháng 10/2014, XK hầu hết các mặt hàng, đặc biệt là những mặt hàng chủ lực như: dệt may, đồ gỗ, thủy sản… đều duy trì tốc độ tăng trưởng cao.
“Thị trường Mỹ đang là điểm sáng trong bức tranh XK của các doanh nghiệp Việt Nam. Hiện rất nhiều ngành hàng đang duy trì mức tăng trưởng cao, khoảng 20% so với cùng thời điểm năm 2013. Có thể thấy, nhờ những giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng XK kịp thời của Bộ Công Thương; các hiệp hội ngành hàng và bản thân doanh nghiệp cũng tăng cường tìm kiếm thị trường mới, thích nghi nhanh với những biến chuyển của nhà nhập khẩu… đã giúp kim ngạch XK cả nước thời gian qua đạt kết quả khả quan”, ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhận định.
Nỗ lực duy trì đà tăng trưởng
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Thủy sản Việt Nam, trái ngược với tình trạng nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam có kim ngạch XK thất thường, XK thủy sản hiện khá ổn định với giá trị XK tăng trưởng thường xuyên đạt 2 con số. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này không đồng đều trong từng mặt hàng mà chủ yếu nhờ vào sự cứu cánh của con tôm. “Các tháng qua, số phận của con cá tra vẫn hết sức bấp bênh nhưng sẽ được cải thiện vào cuối năm vì đây là thời điểm các nhà nhập khẩu tăng cường mua hàng phục vụ dịp lễ Noel, tết Dương lịch… Đây sẽ là cơ hội để cá tra bứt phá tăng tốc về đích trong nỗ lực đạt giá trị XK đạt khoảng 1,8 tỷ USD như kế hoạch đề ra”, ông Hòe cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng dù kim ngạch XK đang đạt cao nhưng các doanh nghiệp không chủ quan mà phải chuẩn bị tốt hơn nữa cả về lượng và chất. Trong môi trường kinh doanh năng động và hội nhập sâu như hiện nay, việc liên kết vào chuỗi cung ứng để nắm bắt cơ hội giao thương là việc làm vô cùng quan trọng. Đơn cử ở ngành dệt may, các doanh nghiệp phải làm sao nâng cao năng suất, chất lượng, tiến độ sản xuất và giá cả cạnh tranh. Đây là yếu tố sống còn trong XK và muốn thực hiện được các doanh nghiệp phải đầu tư máy móc, trang thiết bị, nâng cao trình độ quản lý…
Những tháng cuối năm 2015, theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh XK thông qua tìm kiếm thị trường mới, chú trọng phát triển các thị trường tiềm năng tại châu Phi, Trung Đông và Mỹ La tinh; đồng thời nhanh chóng hoàn thiện đề án thúc đẩy XK mặt hàng nông sản, thủy sản sang Nga… Chính phủ sẽ tiếp tục có giải pháp nhằm khắc phục tình trạng sản xuất bị ngưng trệ, nghiên cứu thực hiện những chính sách miễn giảm thuế, phí; tập trung giải quyết các vấn đề về vốn và lãi suất cho các doanh nghiệp.
“Các doanh nghiệp cần tận dụng tốt hơn nữa những điều kiện thuận lợi về tiếp cận thị trường và cắt giảm thuế quan ngày càng sâu hơn của các quốc gia đối tác để đẩy mạnh XK. Ở góc độ quản lý, ngành chức năng sẽ tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa XK nhằm hạn chế tình trạng cảnh báo về việc không đáp ứng được quy định vệ sinh an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu. Riêng Bộ Công Thương sẽ cố gắng làm tốt công tác thông tin, dự báo, bám sát tình hình thị trường, nắm bắt nhanh các thay đổi về chính sách gây bất lợi đối với hàng hóa XK của Việt Nam; kịp thời giúp doanh nghiệp XK giải quyết sớm các vụ việc phát sinh”, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.
Theo Báo Tin tức - TTXVN