Từ đầu năm đến nay, bất chấp nhiều khó khăn, giá trị XK thủy sản tăng cao so với năm trước. Dự kiến, XK mặt hàng này cả năm sẽ vượt mức 7 tỷ USD.
Liên tục tăng trưởng hai con số
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy: Giá trị XK thủy sản tháng 10 ước đạt 736 triệu USD, đưa giá trị XK 10 tháng đầu năm đạt 6,48 tỷ USD, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2013. Mỹ vẫn duy trì vị trí là thị trường NK hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 22,25% tổng giá trị XK. 9 tháng đầu năm, XK thủy sản sang hầu hết các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đều tăng với mức tăng tương ứng đạt 7,73%, 43,11% và 24,9%.
Nhìn vào bức tranh tổng thể toàn ngành nông, lâm, thủy sản, trái ngược với tình trạng nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam có kim ngạch XK “trồi sụt” thất thường thì XK thủy sản khá ổn định, với giá trị XK tăng trưởng thường xuyên đạt hai con số. Thậm chí, có tháng cao điểm, giá trị XK mặt hàng này còn tăng tới hơn 30% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Hoàng Quang Tuấn-Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Tổng cục Thủy sản), Bộ NN&PTNT đánh giá: Tính tới hết tháng 10, không chỉ XK thủy sản mà hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản cũng khá khả quan. Ước sản lượng khai thác thủy sản đạt 2.486 nghìn tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khai thác biển ước đạt 2.325 nghìn tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ. Còn sản lượng nuôi trồng từ đầu năm đến nay đạt 2.745 nghìn tấn, tăng 3,5%.
Đi vào các mặt hàng cụ thể, tình hình sản xuất tôm sú trong tháng 10 ổn định so với tháng trước. Trong khi đó, sản xuất cá tra thay đổi theo hướng tích cực. Giá cá tra tăng nên người nuôi đã bắt đầu có lãi. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Vĩnh Long, giá cá tra nguyên liệu trong tháng 10 dao động từ 23.000-24.200 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với tháng trước. Với giá thành sản xuất 22.000-23.000 đồng/kg, người nuôi có lãi từ 500-1.000 đồng/kg.
Sẽ vượt 7 tỷ USD
Năm 2013, tổng giá trị XK thủy sản đạt 6,7 tỷ USD, vượt xa so với kế hoạch 6,5 tỷ USD đặt ra. Trong năm 2014, “kịch bản” rất dễ lặp lại bởi khả năng lớn XK thủy sản sẽ vượt mốc 7 tỷ USD.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam-Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP): Căn cứ vào số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho tới hết tháng 9, XK thủy sản đạt 5,8 tỷ USD. Từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng giá trị XK đạt khoảng 700 triệu USD. Như vậy, tính toán sơ lược trong quý IV, giá trị XK sẽ đạt khoảng 2,1 tỷ USD, kể cả có tính mức thấp hơn khoảng 10% thì giá trị XK cũng sẽ khoảng 1,8 tỷ USD. Như vậy, XK thủy sản cả năm đạt khoảng 7,6 tỷ USD.
VASEP đánh giá: Năm nay thắng lợi trong XK thủy sản vẫn chủ yếu nhờ vào mặt hàng tôm. Đến nay, giá trị XK tôm chiếm hơn 50% tổng kim ngạch XK về thủy sản, tỷ lệ này tăng khoảng 9% so cùng kỳ năm 2013. Suốt 9 tháng đầu năm, XK tôm sang các thị trường chính như Mỹ, EU, Hàn Quốc… đều tăng mạnh.
Xếp sau tôm, cá tra là mặt hàng chủ lực thứ hai, chiếm 22% tổng giá trị XK thủy sản. XK cá tra năm nay khá “long đong”, gặp nhiều trở ngại liên quan tới các hàng rào kỹ thuật ở các thị trường như EU, Mỹ… XK cá tra trong 9 tháng đầu năm chỉ đạt giá trị 1,276 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2013. Theo một số chuyên gia, thời điểm cuối năm sẽ là cơ hội để các DN cá tra bứt phá tăng tốc về đích bởi sẽ có nhiều đơn hàng từ các thị trường nhằm phục vụ dịp lễ Noel và tết Dương lịch. VASEP dự báo, XK tôm năm nay có thể đạt mức 3,5 tỷ USD, còn với cá tra nếu thuận lợi ở những tháng cuối năm, giá trị XK đạt khoảng 1,8 tỷ USD.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn, ngoài các thị trường truyền thống, nếu đợt kiểm tra của Đoàn thanh tra Nga (từ 20 đến 30-10) đối với một số DN thủy sản Việt Nam về hệ thống quản lý an toàn thực phẩm thủy sản đạt kết quả tốt, thời gian tới, triển vọng đẩy mạnh XK thủy sản sang Nga khá lớn. Để ngành thủy sản phát triển ngày càng bền vững, Tổng cục Thủy sản cũng đã xây dựng “Chương trình mục tiêu phát triển thủy sản bền vững giai đoạn 2016 - 2020”, trong đó XK thủy sản sẽ hướng tới mục tiêu đạt 11 tỷ USD vào năm 2020.
Theo Báo Hải Quan