Tháng 1 xuất phát điểm năm 2015, tổng giá trị XK thủy sản đạt 507 triệu USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều thông tin cho rằng, sự sụt giảm này không đáng lo ngại do tạm chững theo chu kỳ và sẽ tăng dần trở lại trong quý II và III. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều DN XK thủy sản, năm 2015 sẽ là một năm với nhiều diễn biến khó lường trong hoạt động giao thương thủy sản quốc tế.
Giá trị XK cá các loại khác tăng 4,6%, nhuyễn thể (bao gồm mực, bạch tuộc và nhuyễn thể hai mảnh vỏ) tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là hai nhóm sản phẩm XK có giá trị tăng nhẹ trong cơ cấu XK đầu năm, còn lại sản phẩm khác đều giảm mạnh.
Nếu tháng 1/2014, ngay từ đầu năm XK tôm đã tăng mạnh, 73,5% so với cùng kỳ năm 2014 thì tháng 1/2015, giá trị XK tôm giảm 20,3%, trong đó tôm chân trắng giảm 23,7%, tôm sú giảm 19,07% so với cùng kỳ năm trước.
Nửa đầu năm 2014, giá tôm cao ở thị trường Mỹ là “đòn bẩy” cho sự tăng trưởng giá trị XK sản phẩm tôm nói riêng và cả cơ cấu sản phẩm thủy sản XK chung. Thị trường Mỹ là thị trường XK hàng đầu của các DN XK tôm Việt Nam khi chiếm tới 29,5% tổng giá trị XK. Nhưng đến tháng 1/2015, Mỹ vẫn tiếp tục là thị trường XK quan trọng nhất nhưng chỉ chiếm khoảng 17,8% tổng giá trị XK tôm.
Nhiều DN XK tôm dự báo, năm 2015 XK tôm sang thị trường này sẽ gặp nhiều khó khăn do thuế CBPG cao và chịu sự cạnh tranh từ các nguồn cung khác, đặc biệt là nguồn cung láng giềng Indonesia. Điều này đã thể hiện rõ nét dần từ nửa cuối năm 2014 khi giá trị XK tôm sang thị trường Mỹ giảm dần và liên tiếp từ 2,3 - 23,8% so với cùng kỳ năm trước. Còn tháng 1/2015, giá trị XK tôm sang thị trường Mỹ giảm mạnh 53,8% so với cùng kỳ năm 2014.
Năm 2015 dự báo là một năm khó khăn tiếp tục cho DN XK cá Tra, tháng 1/2015, giá trị XK mặt hàng này đạt 137,9 triệu USD, giảm 12,2% so với cùng kỳ năm 2014. Năm ngoái, giá trị XK mặt hàng cá tra sang 2 thị trường XK chi phối đến 38,5% tổng giá trị XK là Mỹ và EU giảm lần lượt 10,7% và 11,5% so với cùng kỳ năm trước do sức mua sụt giảm. Tiếp tục trong tháng 1/2015, giá trị XK cá tra sang Mỹ giảm 19,4% và XK sang EU giảm 34,5% so với tháng 1/2014. Kết quả này kéo theo sự biến thiên từ giá trị XK của hầu hết các thị trường XK lớn.
Ngay đầu năm 2015, theo phân tích của các DN XK cá tra, sản phẩm XK thủy sản chủ lực này đang chịu cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới với các loại cá thịt trắng. Sự tăng sản lượng cá da trơn từ các nước Châu Á như Indonesia, Bangladesh, Ấn Độ khiến Việt Nam mất dần vị thế độc tôn trên thị trường thế giới. Các chính sách bảo hộ thương mại của thị trường Mỹ với thuế suất cao, sự mất giá của đồng euro khiến kim ngạch XK cá tra phi lê tại EU không thể tăng trưởng cao hơn.
Những thách thức không nhỏ trên thị trường quốc tế cùng với sự lo lắng đến “mất ăn mất ngủ” bởi quy định mới tại Nghị định số 36/2014/NĐ-CP (NĐ 36) của Chính phủ về nuôi, chế biến và XK sản phẩm cá Tra. Mặc dù nghị định này có hiệu lực từ ngày 20/6/2014 nhưng cho tới nay cả người nuôi, DN XK, nhà NK và thị trường vẫn chưa thích nghi và còn nhiều lúng túng. Đây là những thách thức khó đối với các DN XK cá tra trong năm 2015.
Tháng 1/2015, giá trị XK mặt hàng cá ngừ đạt 33,2 triệu USD, giảm 21,8% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2014 cũng là một năm không như ý của các DN XK cá ngừ tại các thị trường NK lớn như Mỹ, EU và Nhật Bản. Nhu cầu tiêu thụ cá ngừ thế giới dự báo chưa tăng, áp lực thuế quan đè nặng tại EU cũng sẽ là một rào cản giảm tăng trưởng trong nửa đầu năm mới.
Mặc dù, giá trị XK tăng trưởng trong một tháng đầu năm chưa đủ nói lên được xu hướng XK chung cho những tháng tiếp theo hay của cả năm 2015 và theo nhận định của một số nhà quản lý, giá trị XK thủy sản đầu năm giảm 13% chưa phải là đáng lo và là vấn đề lớn, nhưng những khó khăn mang tính dài hạn, cốt yếu tại các đầu cầu XK lớn đã dự báo cho một năm có nhiều biến đổi bất ngờ và khó lường.
Theo vasep.com.vn