Tháng 10/2014, Việt Nam đã nhập khẩu 24,5 triệu USD hàng bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc, tăng 20,4% so với tháng 9/2014, nâng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này tính từ đầu năm cho đến hết tháng 10/2014 lên 167 triệu USD, giảm 10,03% so với cùng kỳ năm trước.
Với kim ngạch nhập khẩu giảm như vậy, một phần do hiện nay bánh kẹo sản xuất trong nước đa dạng, phong phú về chủng loại, mẫu mã và sản phẩm chia thành 3 phân khúc gồm: hàng cao cấp, trung bình và giá rẻ giúp người tiêu dùng có thể lựa chọn. Mẫu mã các sản phẩm bánh kẹo từ cao cấp đến giá rẻ đều được làm khá đẹp mắt, trong đó có những thương hiệu bánh kẹo lớn được người tiêu dùng chọn mua nhiều là: Kinh Đô, Bibica, Hải Hà, Phạm Nguyên, Hải Châu, Hữu Nghị, Vinamit... Khảo sát tại các cửa hàng, đại lý kinh doanh bánh kẹo ở các địa phương, bánh kẹo Việt chiếm trên 90%. Còn tại một số siêu thị, bánh kẹo nhập khẩu nhiều nhất cũng chỉ chiếm tỷ lệ 20%. Và khách mua bánh kẹo nhập khẩu cũng không nhiều.
Việt Nam nhập khẩu bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc từ 9 thị trường trên thế giới, trong đó bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc có xuất xứ từ Indoensia chiếm thị phần lớn, chiếm 30,3%, tương đương với 50,7 triệu USD, tăng 25,43% - đây cũng là thị trường có tốc độ nhập khẩu tăng mạnh nhất.
Hàng bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc có xuất xứ từ Thái Lan chiếm thị phần lớn thứ 2, chiếm 20,1%, đạt 33,6 triệu USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài hai thị trường lớn kể trên Việt Nam còn nhập khẩu mặt hàng này từ các thị trường khác như Malaixia, Hàn Quốc, Philippin…. Đối với thị trường Trung Quốc, tuy có vị trí địa lý thuận lợi, song nhập khẩu hàng bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc từ thị trường này lại giảm, giảm 2,93%, tương đương với 7,8 triệu USD.
Nhìn chung, tính từ đầu năm cho đến hết tháng 10, nhập khẩu mặt hàng bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc đều giảm ở hầu khắp các thị trường, số thị trường có tốc độ tăng trưởng dương chỉ chiếm 33,3%.
Cơ cấu thị trường nhập khẩu bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc
Nguồn số liệu: Thống kê sơ bộ từ TCHQ Việt Nam