Hàng lậu vào TPHCM chủ yếu qua các cửa ngõ như nhà ga tàu lửa, bến xe, cảng biển. Những ngày giáp Tết Ất Mùi, hàng lậu đổ về những nơi này càng nhộn nhịp hơn. Vì sao?
Hàng lậu từ phía Bắc vào Nam thường bằng xe tải đường dài, song nhiều chủ hàng lậu đã chọn tàu lửa phương tiện vận chuyển. Một số đầu nậu cho rằng đây vẫn là tuyến thuận lợi nhất để đưa hàng vào thành phố bởi ít khi có cơ quan chức năng nào dừng tàu để bắt hàng lậu.
ĐIỂM TRUNG CHUYỂN HÀNG LẬU
Trong tuyến đường sắt xuyên Việt, ga Sóng Thần - tỉnh Bình Dương, được xem là ga cuối để xếp dỡ hàng hóa từ Bắc vào Nam. Nhà ga có tổng diện tích hơn 20ha và được chia làm hai khu vực trước và sau để xếp dỡ hàng. Hoạt động xếp dỡ, vận chuyển hàng hóa tấp nập nhất của ga diễn ra từ 7 giờ sáng đến 21 giờ đêm. Theo đó, hàng trăm xe tải lớn, nhỏ từ 1 tấn đến những chiếc xe container 40 feet tấp nập ra vào. Theo ghi nhận của chúng tôi, hàng hóa ở đây có khoảng 35 - 40% nguồn gốc từ nước ngoài, 60 - 65% hàng hóa còn lại do trong nước sản xuất. Hàng lậu đi theo những toa tàu hàng tập kích về đây. Sau đó các chủ hàng dùng xe tải chuyển về các kho chứa ở vùng giáp ranh. Từ đây, hàng lậu được chẻ nhỏ vào các điểm tiêu thụ trong thành phố hoặc được tỏa đi các tỉnh phía Nam.
Các container chứa đầy hàng hóa ở ga Sóng Thần
Tại Phòng Kế hoạch, một lãnh đạo của ga Sóng Thần thừa nhận, những năm gần đây sản lượng hàng hóa khai thác tại ga liên tục tăng nhanh. Do đó nguy cơ hàng lậu theo vào cũng không tránh được. Trong lúc chúng tôi đang trao đổi với vị lãnh đạo này, một nữ chủ hàng xuất hiện, trên tay cầm chiếc điện thoại iPhone 6 láng cóng cùng những bản hợp đồng được ký kết với nhà ga về thời gian chở hàng cũng như giao nhận. Thấy có người lạ nhưng nữ chủ hàng vẫn gọi đặt hàng ở Lạng Sơn một cách tự nhiên: “Lần này phải giao đủ cho chị 5 tỷ tiền hàng ở ga Đồng Đăng nhé. Chuyến vừa rồi chị vừa mất hơn 1 tỷ đồng nên chuyến này các em phải cẩn thận hơn”. Khi biết chúng tôi là những nhà báo đi tác nghiệp thì người này đã nhanh chân thoát ra khỏi ga.
Bước tới khu vực ga Sóng Thần, điều đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những chiếc xe tải có trọng tải từ 1 đến 5 tấn nối dài từ cầu vượt Sóng Thần đến các toa tàu chất đầy hàng hóa trong sân ga. Ngay trước cửa ra vào ga là một trạm gác luôn có ba bảo vệ túc trực ngày đêm. Tuy nhiên, người qua lại trạm gác này rất nhiều nhưng chẳng mấy ai bị hỏi han. Để tiếp cận được với hàng lậu, chúng tôi làm quen với anh Thanh và Hải đã có thâm niên làm nghề bốc vác ở đây. Theo lời Thanh, ga Sóng Thần có đa dạng các chủng loại hàng nhập lậu từ Trung Quốc và được các con buôn tập kết về đây để đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh phía Nam.
Như đã hẹn, chúng tôi được Thanh và Hải dẫn dắt đột nhập những toa tàu chất đầy hàng hóa chở từ Lạng Sơn vào đây tiêu thụ. Kho trung chuyển hàng hóa của nhà ga là điểm tập kết. Hàng hóa tập kết nơi đây khá phong phú như: hàng điện tử, điện lạnh, rượu, bia, vải vóc, quần áo... Chúng tôi bước lên một toa xe chất đầy hàng thì một cặp nam nữ quan sát chúng tôi bằng ánh mắt khá soi mói. Khi cửa toa tàu mở ra cũng là lúc đoàn xe tải được che chắn bằng những tấm bạt bịt bùng nối đuôi vào toa xe để đội ngũ bốc vác chất hàng lên và lao vút đi.
Hàng Trung Quốc được đưa lên xe tải
Theo Hải và Thanh, nhiều con buôn tuyến đường sắt mà các anh “nhẵn mặt” đặt hàng ở nước ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc đưa về Việt Nam, sau đó gắn nguồn gốc xuất xứ “Made in Việt Nam” cho những lô hàng. Để qua mặt cơ quan chức năng, các đối tượng thường sắp xếp hàng lậu chung với hàng sản xuất trong nước hoặc hàng nhập khẩu hợp pháp. Ma mãnh hơn, nhiều đối tượng còn dùng thủ đoạn lấy hóa đơn hàng thật để vận chuyển hàng lậu. Cứ như thế, các đối tượng đã qua mặt được cơ quan chức năng.
NHỮNG CUỘC ĐỘT KÍCH BẤT NGỜ
Ngày 23-12-2014, Phòng Cảnh sát điều tra về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an tỉnh Bình Dương phối hợp cùng Chi cục quản lý thị trường kiểm tra toa tàu HN-232131 thuộc đoàn tàu SBN1 tại ga Sóng Thần. Trong lúc kiểm tra, đoàn công tác liên ngành phát hiện hàng chục thùng phụ tùng, linh kiện xe ba gác; đèn led; 500 bộ dụng cụ sửa chữa điện... đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Trong thời điểm kiểm tra, chủ lô hàng là ông Tô Khoa Toàn (ngụ P.An Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) không xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của lô hàng.
Trước đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Bộ Công an cũng phối hợp với Công an Bình Dương bắt giữ vụ vận chuyển lô hàng không rõ nguồn gốc bằng đường sắt từ Hà Nội vào TPHCM. Để bắt được lô hàng này, ngay từ sáng sớm các trinh sát đã có mặt tại ga Sóng Thần. Khi đoàn tàu SY1 từ Hà Nội vào ga kéo theo 22 toa chở môtô, ôtô, thép, đậu... các mũi trinh sát đã có mặt giám sát, đồng thời yêu cầu một số đối tượng liên quan về văn phòng ga Sóng Thần làm việc.
Qua kiểm tra hóa đơn chứng từ và đối chiếu trên hợp đồng vận chuyển, Đoàn kiểm tra phát hiện 43 tấn bột ngọt và hạt nhựa, 48 tấn phân, 45 tấn mặt hàng nhôm. Trưởng tàu không xuất trình được hóa đơn chứng từ để chứng minh nguồn gốc lô hàng. Ông Đặng Xuân Liên - Trưởng tàu - khai nhận: tàu khởi hành từ ga Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội) tới ga Giáp Bát (Hà Nội) có nhận thêm một số toa hàng, sau đó bắt đầu hành trình vào Nam. Cũng theo ông Liên, chủ hàng giao gì thì chở nấy chứ không có thẩm quyền kiểm tra. Được biết, hầu hết các trưởng tàu đều cho rằng nhiều chuyến không có hóa đơn chứng từ, chủ hàng kê khai sao thì biết vậy, không biết bên trong là hàng gì. Khi hàng bốc xếp xong là đến nhận tàu để khởi hành.
***
Nhằm ngăn chặn hàng lậu vận chuyển bằng đường sắt, ông Nguyễn Thành Danh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh Bình Dương cho biết, ga Sóng Thần luôn được xem là “điểm nóng” về gian lận thương mại và buôn lậu của tỉnh Bình Dương. Nơi đây là địa bàn giáp ranh nên các chủ hàng cũng như các băng nhóm luôn tập trung hoạt động. Để tăng cường truy quét các loại tội phạm, Chi cục cử Đội Quản lý thị trường số 8 phối hợp với cán bộ thị trường TX.Dĩ An tăng cường kiểm tra việc trung chuyển hàng hóa ở ga Sóng Thần đi các tỉnh phía Nam. Đặc biệt những ngày cuối năm, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp. Theo đó, Chi cục tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng mở đợt cao điểm đấu tranh triệt phá các đường dây, ổ nhóm hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu.
(Còn tiếp)
Theo Công An TpHCM
|