Năm 2013, tổng lượng gạo xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc chỉ vào khoảng 1,5 triệu tấn, còn năm 2014 con số đó là 2 triệu tấn, tăng 500.000 tấn.
Theo số liệu chính thức của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong năm 2014, xuất khẩu gạo qua biên giới Trung Quốc có đăng ký hợp đồng chỉ vào khoảng 650.000 tấn, nhưng thực tế số lượng gạo chuyển từ Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ra Bắc qua cảng Hải Phòng lớn hơn nhiều, khoảng 2 triệu tấn và chủ yếu là để xuất khẩu qua biên giới.
Đây là con số cao gấp 2 lần so với con số mà ông Nguyễn Hùng Linh, Chủ tịch VFA ước đoán trong lần trả lời phỏng vấn Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online vào ngày 30-12-2014.
Báo cáo của VFA cho biết, mặc dù, số liệu thống kê xuất khẩu chính thức của năm 2014 là hơn 6,3 triệu tấn gạo, giá trị thu về gần 3 tỉ đô la Mỹ; nhưng trên thực tế, Việt Nam đã tiêu thụ hết lượng gạo hàng hóa nhờ xuất khẩu gạo qua biên giới Trung Quốc tăng mạnh.
Theo VFA, châu Á vẫn là thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam khi chiếm gần 76% tổng lượng gạo xuất khẩu, tiếp đến là châu Phi với gần 13%, châu Mỹ là hơn 7,5% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả năm 2014, theo đường chính ngạch. Những thị trường nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam là Trung Quốc, Philippines, Châu Phi, Malaysia, Indonesia, Cuba và Hồng Kông.
Giá gạo FOB (giao tại mạn tàu) xuất khẩu trong năm 2014 biến động trong khoảng 380-465 đô la Mỹ/tấn loại 5% tấm, cao hơn so với năm trước. Năm 2013, giá gạo FOB dao động ở mức 365-420 đô la Mỹ/tấn loại 5% tấm. Trong số hơn 6,3 triệu tấn gạo xuất khẩu, chiếm phần lớn là gạo cấp trung bình với gần 32%, còn gạo cấp thấp là hơn 21%, gạo cấp cao gần 21% tổng lượng gạo xuất khẩu, còn lại là các loại nếp, tấm, gạo đồ.
Theo VFA, năm 2014, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn cao hơn giá gạo của Thái Lan khoảng từ 30-35 đô la Mỹ/tấn. Trong các loại gạo xuất khẩu của Việt Nam, gạo Jasmine có giá bán cao nhất là 620 đô la Mỹ/tấn.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online