Ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, khẳng định rằng nhiều lĩnh vực của ĐBSCL có cơ hội và tiềm năng phát triển rất lớn, nhất là khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại Việt Nam-EU; Hiệp định giữa Việt Nam và Liên minh thuế quan Nga-Belarus-Kazakhstan; Hiệp định thương mại Việt Nam- Hàn Quốc; và sự hình thành của Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Các hiệp định này mang lại nhiều cơ hội lớn cho ĐBSCL, nhất là đối với các ngành nghề như trồng trọt; thủy sản và một số lĩnh vực công nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, da giày, đồ gỗ, du lịch và logistic, ông Thành nhấn mạnh tại hội nghị “Kinh tế 2015: Định hướng và giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp ĐBSCL” được tổ chức tại Cần Thơ hôm 2-4.
Theo ông Thành, các hiệp định thương mại tự do giúp cắt giảm thuế suất về 0%, cho nên sẽ giúp giảm được chi phí và tăng được khả năng cạnh tranh của hàng hóa. “Tuy nhiên, bao nhiêu đó là chưa đủ; để tiếp cận được thị trường này, đòi hỏi phải đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, vượt qua các rào cản vệ sinh an toàn thực phẩm, và một điều rất quan trọng là phải kết nối được với các nhà phân phối toàn cầu, khu vực và trong nước.”
ĐBSCL quyết tâm lấy nông nghiệp làm nền tảng cho phát triển, nên để có thể thành công, “cần phải cải cách thể chế, làm sao tạo được lợi thế về quy mô, làm sao kết hợp toàn bộ chuỗi giá trị, làm sao người nông dân có thể mặc cả trong chuỗi giá trị đó, phần lợi ích họ thu được phải tương xứng với công sức và hiệu quả mà chuỗi giá trị đó tạo ra,” ông Thành cho biết.
Do vậy, cần chú ý gắn hội nhập với các vấn đề hợp tác phát triển.
Chẳng hạn trong hợp tác với Nhật Bản đã có những chương trình hợp tác phát triển công cụ nông nghiệp, cơ khí, chế biến thực phẩm, tiết kiệm năng lượng..., tất cả những lĩnh vực đó đang bắt đầu được triển khai thành các chương trình hành động, ông cho biết.
Theo ông Thành, cần lưu ý đến vấn đề kết nối vì khu vực ĐBSCL có nhiều địa phương có lợi thế tương tự nhau, cho nên để tạo được lợi thế về quy mô trong phát triển chuỗi giá trị, thì kết nối vùng rất là điều rất quan trọng.
Ngoài kết nối nội vùng, trong chiến lược phát triển cũng cần chú ý đến kết nối ở mức cao hơn, đó là kết nối với khu vực TPHCM, Đông Nam bộ…, vì nó sẽ kéo theo sự phát triển lan tỏa ở rất nhiều lĩnh vực như công nghiệp chế biến, logistic, giúp tạo ra những cụm ngành như chế biến nông nghiệp, cụm ngành liên quan đến dệt may, chế biến thủy hải sản…
Một kết nối nữa cũng rất quan trọng, đó là khu vực ASEAN, nhất là khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập vào cuối năm nay, tạo ra một thị trường lớn với 600 triệu dân.
“Tôi nghĩ rằng, tiềm năng luôn luôn có, nhưng nó chỉ là cơ hội và muốn chuyển cơ hội thành hiện thực, thì không chỉ vượt qua được những thách thức, mà ngay cả trong những cơ hội ấy, cũng phải sửa đổi cải cách cả ở tầm vĩ mô và vi mô, thì lúc đấy cơ hội nó mới có thể thành hiện thực, tạo nên những điều kiện mới, tạo nên động lực mới cho sự phát triển của ĐBSCL,” ông Thành khẳng định.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn.