Hội thảo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương- CIEM (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Dự án quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện – GIG (do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ - USAID tài trợ), tổ chức ngày 20-4, tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng CIEM cho biết: Việc cải cách đối với hoạt động kiểm tra chuyên ngành là một nội dung rất quan trọng được Chính phủ đặt ra trong Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12-3-2015, với mục tiêu “Cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ XNK phù hợp với thông lệ quốc tế và chuyển mạnh sang hậu kiểm”. Bởi thực tế, vấn đề kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK vẫn đang là rào cản lớn trong thực hiện mục tiêu giảm thời gian thông quan hàng hóa ngang bằng các nước ASEAN- 6. Đây là vấn đề liên quan đến nhiều bộ, ngành, do vậy, cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt và chủ động của các bộ, ngành liên quan.
Phân tích rõ hơn điều này, ông Phạm Thanh Bình- chuyên gia của Dự án GIG liệt kê hàng loạt vướng mắc được Dự án GIG khảo sát trong cộng đồng DN. Đó là phần lớn hàng hóa XNK đang thuộc diện quản lý chuyên ngành nên thời gian để làm thủ tục thông quan bị kéo dài hơn so với hàng hóa thông thường. Điều này với hàng NK còn chiếm tỷ lệ cao hơn. Với khoảng 54.000 DN tham gia hoạt động XNK, lượng tờ khai trên 6 triệu bộ/năm như hiện nay thì rõ ràng đây là con số rất lớn- ông Bình nhấn mạnh. Số lượng nhiều bắt nguồn từ việc các bộ, ngành ban hành danh mục quản lý chuyên ngành với đối tượng điều chỉnh lớn. Khó khăn không chỉ nằm ở số lượng mà nhiều danh mục được các bộ, ngành ban hành cũng chưa phù hợp với yêu cầu quản lý như thiếu mã số HS, thiếu thông tin kỹ thuật, mô tả hàng hóa… Hồ sơ, giấy tờ phục vụ kiểm tra chuyên ngành cũng là nỗi khổ của không ít DN. Có nhiều hồ sơ lượng chứng từ lên đến 10 loại giấy tờ mà có những thứ không thực sự cần thiết. Mặt khác, cách thức giải quyết thủ tục hiện nay cũng đang tồn tại nhiều bất cập. Phần lớn hàng hóa kiểm tra chuyên ngành DN phải nộp hồ sơ lên cơ quan quản lý bằng phương thức thủ công (nghĩa là qua đường bưu điện hoặc trực tiếp) và thời gian cấp phép thông thường kéo dài từ 7 đến 15 ngày. Ngoài ra, công tác kiểm tra chuyên ngành còn bộc lộ sự chồng chéo. Ví dụ, có mặt hàng vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm vừa phải kiểm tra nhà nước về chất lượng…
Thực tế, số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành lớn nhưng thời gian qua cơ quan quản lý không phát hiện được nhiều sai phạm. Vậy phải chăng chúng ta đang quản lý theo kiểu vì một số ít DN có nguy cơ rủi ro mà làm ảnh hưởng đến nhiều DN khác?- ông Phạm Thanh Bình đặt câu hỏi. Để giải quyết bài toàn này, chúng ta cần phải triệt để thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 19. Nghĩa là “cải cách toàn diện; theo thông lệ quốc tế; chuyển mạnh sang hậu kiểm”- ông Bình kiến nghị.
Ông Ngô Minh Hải- Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết: Với chức năng đại diện cho các bộ, ngành trong thực hiện các thủ tục cuối cùng trước khi thông quan hàng hóa, cơ quan Hải quan thấy được gánh nặng của công tác quản lý chuyên ngành hiện nay đối với cộng đồng DN và ngay cả với cơ quan Hải quan. Bởi thực tế nhiều mặt hàng nằm trong danh mục cấm nhưng “trống vắng” văn bản hướng dẫn của bộ, ngành.
Tại Hội thảo, đại diện các bộ ngành cũng thấy được sự thiếu hợp lý của công tác quản lý chuyên ngành. Ông Nguyễn Quý Dương- Trưởng phòng Kế hoạch, Khoa học và Hợp tác quốc tế (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thừa nhận: Khi ban hành một số văn bản, đơn vị mới đưa ra thông tin chung chung, nhưng khi làm việc cụ thể với cơ quan Hải quan mới thấy quy định như thế sẽ rất khó thực hiện. Ví dụ, khi đưa mặt hàng sợi vào diện kiểm dịch thực vật, Cục chưa ban hành mã số, khi làm việc với cơ quan Hải quan mới thấy riêng mặt hàng sợi có tới hàng chục loại khác nhau, chiếm tới 2 trang trong mã số HS của Biểu thuế XNK. Trong khi đó nhiều mặt hàng sợi trong danh mục này không cần phải kiểm dịch vì đã được xử lý trước đó.
Một nội dung quan trọng trong cải cách công tác quản lý chuyên ngành là các bộ, ngành phải khẩn trương ban hành danh mục hàng hóa cấm XNK theo Nghị định 187/2013/NĐ-CP. Mặc dù Nghị định có hiệu lực từ 20-2-2014 nhưng đến nay nhiều bộ, ngành chưa ban hành danh mục, hoặc ban hành những chưa đầy đủ. Tại Hội thảo đại diện một số bộ, ngành cho biết đã có kế hoạch ban hành văn bản hướng dẫn Nghị định 187 trong quý II-2015 hoặc vào 2016. Sốt ruột với sự ì ạch này, ông Nguyễn Đình Cung- chủ tọa buổi Hội thảo thúc giục, “lộ trình ban hành như thế thì quá chậm, các bộ, ngành cần khẩn trương hơn, nếu không sẽ khó thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 19. Việc ban hành hiện nay cũng đã là chậm so với thời điểm Nghị định 187 có hiệu lực”. Ông Cung đề nghị các bộ ngành cần phải có lộ trình và những nội dung, mục tiêu cụ thể trong ban hành danh mục quản lý và giải pháp cải cách công tác quản lý chuyên ngành để CIEM và Dự án GIG có cơ sở báo cáo Chính phủ.
Theo báo Hải Quan.