Hải Phòng đầu sổ
Trong số 5 cảng biển quốc tế nêu trên, khu vực cảng Hải Phòng còn số lượng container tồn đọng nhiều nhất. Đến đầu tháng 3-2015, tại khu vực cảng Hải Phòng còn tồn 4.818 container. Trong đó, có tới 3.675 container tồn đọng từ tháng 8-2014 trở về trước và 1.143 quá hạn làm thủ tục (quá từ 90 ngày trở lên) được đưa về cảng từ tháng 8-2014 đến nay.
Trước đó, liên quan đến vấn đề hàng hóa tồn đọng, vào tháng 3-2015, theo thông báo của Văn phòng Chính phủ (tại công văn 1604/VPCP-KTTH và 1950-KGVX), Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải giao Bộ Tài chính tập hợp, nghiên cứu (báo cáo của các cơ quan, đơn vị liên quan về vấn đề hàng tồn đọng) và đề xuất biện pháp xử lý. |
Bộ Tài chính phân tích, hàng hóa tồn đọng ở cảng Hải Phòng tập trung vào 8 nhóm: hàng hóa của Vinashin, Vinalines (183 container); cao su, lốp ô tô đã qua sử dụng (2.443 container); nhựa phế liệu (164 container); giấy phế liệu (212 container); sắt thép phế liệu (21 container); quần áo các loại (188 container); linh kiện điện, thiết bị điện, đồ điện tử đã qua sử dụng (144 container); hàng hóa khác như vải, gỗ, muối, bách hóa, nông sản… (1.463 container).
Hàng hóa tồn ở cảng Hải Phòng hầu hết là hàng hóa thuộc loại kinh doanh loại hình TNTX được tạm nhập về để tái xuất đi Trung Quốc.
Tại khu vực cảng biển TP.HCM, đến đầu tháng 3-2015 còn tồn 459 container. Hàng hóa tồn đọng ở khu vực này đã dạng như máy móc, thiết bị, hóa chất, lốp xe ô tô đã qua sử dụng…
Theo Bộ Tài chính, hàng tồn ở khu vực cảng TP.HCM phần lớn do chủ hàng chưa đến làm thủ tục hải quan (chỉ có khoảng 5% số lô hàng tồn đọng được DN có văn bản từ chối nhận hàng).
Cảng Cái Lân (Quảng Ninh) đang tồn 41 container lốp ô tô đã qua sử dụng và màng nhựa PP mới 100%. Đây đều là hàng hóa thuộc loại hình TNTX. Các DN đứng tên nhận hàng trên vận đơn từ chối nhận hàng hoặc chưa đến làm thủ tục hải quan theo quy định.
Tại cảng Đà Nẵng còn tồn 6 container (chứa 7 xe ô tô); 1 container thiết bị màn hình và 3 container mô tô, bao nhựa PP, cải muối biển. Theo Hải quan Đà Nẵng, hàng tồn lâu nhất ở đơn vị là mặt hàng ô tô (tồn trên 2 năm) và DN đứng tên nhận hàng trên vận đơn đã từ chối nhận hàng.
Khu vực cảng Bà Rịa-Vũng Tàu còn tồn 83 container. Trong đó có 58 container được trục vớt từ vụ chìm tàu Heung A Dragon bị chìm ở biển Vũng Tàu (tháng 11-2013); một số không có DN đến làm thủ tục…
Xử lý thế nào?
Sau khi trao đổi ý kiến với các bộ, ngành liên quan, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các phương án xử lý đối từng loại hàng đang tồn đọng.
Cụ thể, đối với các lô hàng đang tồn đọng (quá hạn làm thủ tục hải quan), Thủ tướng giao Bộ Tài chính tiếp tục xử lý hàng hóa tồn đọng trong địa bàn hoạt động hải quan theo các quy định hiện hành.
Đối với hàng hóa là phế liệu, Bộ Tài chính đồng tình với quan điểm xử lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, cho phép một số DN đủ năng lực xử lý, tái chế lốp ô tô đã qua sử dụng được thu mua; đồng thời giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND TP.HCM, UBND TP.Hải Phòng xây dựng lộ trình, kế hoạch, kinh phí… để xử lý hàng hóa là rác thải đang tồn đọng ở 2 khu vực cảng này.
Ngoài ra, để hạn chế vấn nạn đưa rác thải vào cảng biển Việt Nam, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung các quy định trong Luật Hàng hải, Luật Thương mại để ngăn tình trạng lợi dụng chuyên chở chất thải vào nước ta.
Theo báo Hải Quan.