Tái cơ cấu, CPH “ông lớn” Vinalines là một trong những bài toán hóc búa nhất từ trước tới nay đối với ngành GTVT.
Tái cơ cấu, CPH “ông lớn” Vinalines là một trong những bài toán hóc búa nhất từ trước tới nay đối với ngành GTVT. Minh chứng là trong khoảng thời gian 2013-2014, Vinalines liên tục bị lãnh đạo Bộ GTVT, Chính phủ nhắc nhở và lấy ví dụ về sự “rùa bò” trong tái cơ cấu, CPH.
Sau nhiều chìm nổi trong kinh doanh, những biến cố về nhân sự, đầu năm 2014 đơn vị này đã phải thay “thuyền trưởng” giữa dòng để lèo lái con tàu Vinalines, nhất là trong việc thúc đẩy công tác tái cơ cấu, CPH.
Với những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ GTVT, sự nỗ lực lớn của chính tập thể lãnh đạo, cán bộ viên chức Vinalines, gần đây hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là công tác tái cơ cấu, CPH của đơn vị này đã có nhiều chuyển biến tích cực và đang đi đúng quỹ đạo. Toàn bộ phương án CPH, cơ cấu vốn của Tổng công ty gần như đã được hoàn tất và chỉ chờ phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ là Vinalines có thể tìm được cho mình những nhà đầu tư chiến lược có đủ tiềm lực và bán cổ phần rộng rãi ra công chúng (IPO) vào cuối quý II, đầu quý III/2015 như kế hoạch.
Không quá “hot” như nhiều doanh nghiệp ngành Giao thông khác đã từng IPO trước đó, nhưng cổ phiếu của Vinalines dù chưa đến giờ G cũng nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư. Bằng chứng là lãnh đạo của chính đơn vị này khẳng định, cổ phiếu Vinalines đang được các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước quan tâm, tìm hiểu thông tin. Giá bán cho các nhà đầu tư chiến lược là giá thỏa thuận giữa các bên, nhưng không thấp hơn giá đấu giá thành công thấp nhất của cuộc đấu giá công khai.
Cùng đó, với nhiều lợi thế sẵn có khi nắm giữ thế mạnh ở cả ba lĩnh vực vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải, được giữ lại vốn chi phối sở hữu hệ thống các cảng biển trọng điểm là cơ sở để các nhà đầu tư “gửi gắm” niềm tin và bỏ vốn vào Vinalines. Bên cạnh đó, cũng phải kể tới việc xây dựng phương án CPH linh hoạt của Bộ GTVT và Vinalines khi Nhà nước nắm giữ còn 36%. Điều này chắc chắc chắn sẽ hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp có tiềm lực lớn tham gia bỏ vốn đầu tư và quản trị sâu rộng, thu hút được nhiều vốn hơn cho doanh nghiệp.
Tất cả những điều đó là cơ sở để chúng ta trông chờ vào một cái kết có hậu của công cuộc tái cơ cấu, CPH một thương hiệu lớn, nhưng cũng là một trong những doanh nghiệp khó khăn và “tiếng tăm” bậc nhất trong lĩnh vực vận tải biển nói riêng và GTVT nói chung.
Theo báo Giao thông.