Hơn 5.000 container tồn đọng “bị bỏ quên” tại cảng Hải Phòng chưa được giải quyết đang gây khó khăn cho cảng biển, các doanh nghiệp vận chuyển. Nguyên nhân của việc tồn đọng này là do thông tư số 23 của Bộ Tài chính ban hành vừa có hiệu lực đang gây khó khăn cho việc xử lý container tồn đọng.
DN kêu hoài nhưng vẫn chưa được giải quyết
Theo ông Cao Trung Ngoan - Phó Tổng giám đốc Cảng Hải Phòng, dù cảng đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước rà soát lại các quy định kiểm soát hàng tạm nhập tái xuất; đồng thời cần có cơ chế chính sách cụ thể và nguồn kinh phí để xử lý các lô hàng tồn đọng nhằm tháo gỡ cho các doanh nghiệp kinh doanh kho bãi, cảng biển tránh ô nhiễm môi trường và các hệ lụy khác… nhưng đến nay hơn 5.000 container rác thải vẫn “án binh bất động” gây khó khăn cho Cảng biển và doanh nghiệp.
Là đơn vị có hơn 2.000 container tồn đọng tại Cảng Hải phòng, ông Karan Khanna đại diện của hãng tàu MSC bức xúc: Hiện đơn vị không tìm được khách hàng là chủ container nên không giải quyết được. Dù MSC đã làm việc với Cục Hải quan và các cơ quan tài chính nhiều lần nhưng các bên vẫn chưa có giải pháp cụ thể nào để giải quyết tình.
Tương tự, bà Trần Hoài Phương, đại diện của hãng tàu CMA CGM cũng kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần có quy định, quy chế để tạo điều kiện phát mại những lô hàng tồn đọng trong nội địa, đồng thời miễn giảm phí lưu container, lưu bãi.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trịnh Thế Cường – Trưởng phòng vận tải và dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải VN) cho rằng, nguyên nhân các lô container hàng tồn chưa được giải quyết là do Bộ Tài chính ban hành thông tư số 203/2014 hướng dẫn lại, quy định xử lý hàng hoá tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động của hải quan. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 05/2/2015 hướng dẫn điều 58 của Luật Hải quan.
Ông Cường phân tích, bản chất của việc hàng hóa tồn đọng tại cảng biển liên quan đến 2 loại.
Thứ nhất, nếu hàng hóa trong container liên quan đến vi phạm hành chính (trốn thuế) thì Hải quan chủ trì là đúng, vì hải quan là “người gác gôn” của Chính phủ liên quan đến việc kiểm soát hàng hóa.
Nhưng, loại hàng hóa thứ 2 liên quan giữa chủ tàu, chủ cảng và các bên giao nhận là quan hệ dân sự bình thường, nên nếu xảy ra lỗi ở một trong những mắt xích này thì sẽ xảy ra tình trạng hàng tồn đọng, hàng vô chủ không có người nhận.
Trong trường hợp này đáng lẽ ra phải giao cho doanh nghiệp Cảng chủ trì xử lý chứ không phải giao cho hải quan.
Tuy nhiên, thông tư 203 lại giao cho hải quan chủ trì nên mới bị… vướng.
Hơn nữa, đại diện Cục Hàng hải cho hay, nếu xử lý container tồn đọng tại cảng Hải Phòng theo thông tư 203 thì Nhà nước phải bỏ ra khoản ngân sách hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm, trong khi thực tế Nhà nước chưa biết lấy khoản này ở đâu để xử lý.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Tiến Lộc – Cục trưởng Cục Hải quan Hải phòng cho hay, Cục đã có đề án báo cáo TP.Hải Phòng và Bộ Tài chính cùng các cơ quan liên quan đề xuất với Chính phủ cho cơ chế xử lý. Còn theo quy định hiện hành thì không thể xử lý nổi!
“Theo thông tư 203, nếu xử lý cần phải có một số cơ chế đặc thù, phải đề xuất với Chính phủ”, ông Lộc nói.
Nên ủy quyền Cảng chủ trì giải quyết?
Theo ông Trịnh Thế Cường, thực tế đã chứng minh không cần dùng ngân sách nhà nước để xử lý container hàng tồn bằng việc Hải quan giao quyền cho chủ cảng đứng ra xử lý.
“Như trong Tân Cảng TP.HCM, hải quan đã ủy quyền cho chủ cảng tự xử lý. Hải quan chỉ đưa tờ khai ra để chủ cảng thay mặt mở tờ khai giám định, thuê giám định xem hàng hóa có đúng như trong tờ khai không.
Nếu không đúng như tờ khai chủ cảng có thể bỏ tiền ra tổ chức bán thanh lý, sau đó thu hồi từ tiền bán thanh lý còn bao nhiêu trả lại cho chủ tàu, chủ hàng và báo cáo cho Hải quan đã xử lý một cách công khai, minh bạch”, ông Cường dẫn chứng.
|
Việc container tồn đọng đang gây khó khăn rất lớn cho cảng Hải Phòng khi diện tích bốc xếp tại cảng bị thu hẹp. |