|
Sáng 20/8, Bộ trưởng Đinh La Thăng thị sát và làm việc với nhà đầu tư XHH dự án bãi hàng ga Yên Viên.
Sáng nay (20/8), Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đến thị sát ga đường sắt Yên Viên (Hà Nội) và làm việc với nhà đầu tư xã hội hoá (XHH) dự án xây dựng bãi hàng ga Yên Viên.
Tại hiện trường, Bộ trưởng đã nghe các bên liên quan báo cáo hiện trạng ga, phương án đầu tư cụ thể trong thời gian tới, chi phí đầu tư và hiệu quả sau khi dự án hoàn thành.
Sau khi thị sát hiện trường, Bộ trưởng đã làm việc với lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) và nhà đầu tư dự án bãi hàng ga Yên Viên. Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển vận tải đường sắt đến 2020 và tầm nhìn đến 2050. Trách nhiệm của Bộ và VNR phải triển khai ngay Chiến lược và Quy hoạch phát triển đường sắt.
Đất nước đang tái cơ cấu nền kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công. Ngành GTVT phải đẩy mạnh tái cơ cấu vận tải, nâng cao hiệu quả và năng suất từng loại hình vận tải, tăng cường kết nối các phương thức vận tải, nâng cao logistics, giảm chi phí vận tải, tăng sức cạnh tranh. Qua kiểm tra ga Yên Viên cho thấy ga này rất lạc hậu, nghèo nàn, sơ sài, tiêu điều. Không thể hiện đại hóa đường sắt với cung cách quản lý như vậy được.
“Kêu gọi đầu tư các nguồn lực XHH là chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ để phát triển. Chúng ta cần đẩy mạnh thực hiện” – Bộ trưởng nói và yêu cầu các cơ quan của Bộ GTVT phải hỗ trợ tốt nhất cho VNR và nhà đầu tư để thực hiện dự án, nhưng phải đúng các quy định pháp luật. Dự án này không phải mục tiêu giảm tải đường bộ, mà quan trọng là nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh đường sắt để tăng sức cạnh tranh. Dự án này cũng phải nằm trong tổng thể quy hoạch chi tiết. Đường sắt phải khẩn trương kết nối với cảng biển lớn.
Theo đánh giá của nhà đầu tư bãi hàng ga Yên Viên là Công ty Logistics đường sắt (ITL), hệ thống kho bãi, phương tiện xếp dỡ tại ga Yên Viên đã lạc hậu, dẫn đến mất nhiều thời gian vận hành và chi phí không cạnh tranh so với các phương tiện vận chuyển khác. Do đó, bãi hàng ga Yên Viên chưa thu hút được các khách hàng có nguồn hàng lớn và ổn định, chưa tận dụng được vị trí là ga đầu mối, chưa kết nối với các tuyến đường sắt, đường bộ và các cảng biển phía Bắc.
Theo đề án của ITL, giai đoạn 1, công ty sẽ xây dựng bãi hàng Yên Viên Nam theo tiến độ từ tháng 10/2015 – 6/2016. Tổng mức đầu tư khoảng 90 tỷ đồng để xây dựng mới hệ thống bãi hàng, xây dựng nhà điều hành, đầu tư mới nhánh đường sắt H3, đầu tư hệ thống cẩu chuyên dụng RTG, cẩu nâng container và phần mềm quản lý.
Gia đoạn 2 sẽ lập báo cáo khả thi đầu tư khu vực Yên Viên Bắc. Tiến độ từ tháng 7/2016 - 12/2016. Xây dựng các phân khu hàng hóa, kho bãi, khu vực tác nghiệp vận hành đường sắt và xếp dỡ hàng hóa.
Ông Bùi Quang Liên, Giám đốc ITL cho biết, ITL đã có thỏa thuận hợp tác với các hãng tàu quốc tế CMA, MEARSK đồng ý lưu 1.000 container rỗng tại ga Yên Viên nhằm giúp khách hàng rút ngắn thời gian làm hàng, không cần đến cảng Hải Phòng. ITL cũng có biên bản ghi nhớ với Cảng CICT (Cái Lân) trong việc sử dụng đường sắt tuyến Cái Lân - Yên Viên.
“Khi dự án hoàn thành, ga Yên Viên sẽ trở thành cánh tay nối dài của Cảng Hải Phòng và Cảng CICT, cảng Cái Lân. Rút ngắn thời gian giao nhận do ứng dụng các công nghệ xếp dỡ, quản lý tiên tiến. Thí điểm thành công dự án XHH đường sắt. Nâng cao năng lực xếp dỡ container và hàng hóa tại ga từ 3 đến 5 lần. Tăng thị phần vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt, tăng kết nối ga đầu mối với các ga địa phương khác” – ông Liên cho biết.
Theo thỏa thuận, nhà đầu tư sẽ được quyền sử dụng và khai thác Trung tâm Logistics ga Yên Viên Nam, với thời hạn 23 năm. Được quyền thu phí nâng, hạ container và các dịch vụ giá trị gia tăng, nhằm thu hồi vốn đầu tư và có lợi nhuận đồng thời làm gia tăng cơ hội phát triển logistics đường sắt thông qua phát triển dự án XHH ga Yên Viên Nam và Yên Viên Bắc.
Theo báo Giao thông.
|