Phân luồng là để tạo thuận lợi
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến 30-6, toàn Ngành thực hiện đánh giá tuân thủ đối với 86.927 DN, trong đó DN tuân thủ tốt chiếm tỷ lệ 12,82% (11.141 DN); DN tuân thủ trung bình chiếm tỷ lệ 80,34% (69.834 DN); DN không tuân thủ tốt chiếm tỷ lệ 6,84% (5.952 DN).
Hệ thống QLRR và VCIS đánh giá rủi ro, phân luồng tổng số 3.874.953 tờ khai XNK, đặc biệt tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa chỉ còn 8,3% so với cùng kỳ 9,35% của năm 2014 góp phần giảm thời gian thông quan, tiết kiệm chi phí cho DN.
Trong đó, tổng số vụ vi phạm phát hiện từ hoạt động phân luồng là 910 vụ/10.807 vụ vi phạm phát hiện từ hoạt động hải quan chung (tính từ 1-1 đến 15-6-2015 chiếm 8,4%). Tăng cường công tác quản lý tuân thủ và đánh giá xếp hạng DN, trọng tâm là DN FDI thông qua việc trực tiếp phân tích, đánh giá tuân thủ và giao chỉ tiêu tới tất cả đơn vị quản lý rủi ro địa phương đối với 4.499 DN FDI có kim ngạch chiếm 52,34% tổng kim ngạch XNK toàn quốc năm 2014 để đưa ra giải pháp, kế hoạch tạo thuận lợi cho nhóm DN này nhằm giảm tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa, đồng thời đảm bảo kiểm soát việc tuân thủ pháp luật về hải quan.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh cho biết: Việc phân luồng ảnh hưởng đến thời gian làm thủ tục hải quan như một số DN phản ánh là không chính xác. Thực chất của quá trình phân luồng tờ khai là tạo thuận lợi cho DN. Lý do, thay vì kiểm tra 100% thực tế hàng hóa, cơ quan Hải quan lựa chọn DN có rủi ro cao nhất để tập trung lực lượng kiểm tra.
Còn lại những DN chấp hành tốt pháp luật, những mặt hàng không rủi ro sẽ được thông quan hàng nhanh, thời gian thông quan chỉ tính bằng giây. Hiện tại quá trình phân luồng tờ khai của cơ quan Hải quan phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đó là phụ thuộc vào quá trình chấp hành tốt pháp luật của DN. Quá trình này giống như lý lịch tư pháp của cá nhân. Nếu cá nhân này hoạt động tốt, tư cách pháp nhân tốt sẽ được giảm thời gian kiểm tra.
Tương tự như những mặt hàng không rủi ro; không thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành (không cần có giấy phép, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm…) thì sẽ được thông quan nhanh. Những mặt hàng này sẽ được Hệ thống phần vào luồng Xanh, tức là chỉ kiểm tra hồ sơ trên hệ thống điện tử. Hiện tại, lô hàng thuộc luồng Xanh đang chiếm 80% tờ khai, DN có thể ngồi nhà để khai báo hải quan và nhận thông tin phản hồi, ngay lập tức đến cửa khẩu nhận hàng.
Cần thay đổi cách thức
Thực tế nhiều DN khi tham gia làm thủ tục vẫn đổ lỗi cho quá trình phân luồng kéo theo thời gian làm thủ tục kèo dài. Phó Tổng cục trưởng Vũ Ngọc Anh lý giải: Số DN gặp vướng trong quá trình làm thủ tục hải quan hiện chiếm khoảng 20% số tờ khai. Những mặt hàng này chủ yếu của các DN mới hoạt động (cơ quan Hải quan chưa đánh giá quá trình chấp hành tốt pháp luật).
Số DN còn lại là có tần suất vi phạm nhiều. Do vậy, cơ quan Hải quan cần xác định rõ đối tượng DN rủi ro cao để quản lý. Bên cạnh đó, trong số tỷ lệ 20% tờ khai nói trên có nhiều mặt hàng thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành. Tức là, cơ quan Hải quan không thể tự ý thông quan hàng hóa khi chưa được cơ quan kiểm tra chuyên ngành xác nhận (như đối với hàng thực phẩm NK cần phải có xác nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ). Tương tự, một mặt hàng khác phải kiểm tra chuyên ngành, cơ quan Hải quan phải đợi DN xuất trình giấy phép của cơ quan kiểm tra chuyên ngành.
Ví dụ mặt hàng phải đảm bảo chất lượng hàng hóa phải có xác nhận từ cơ quan kiểm tra chất lượng xác nhận về hàng hóa đủ chất lượng NK vào Việt Nam. Cơ quan Hải quan kiểm tra đầy đủ giấy tờ liên quan đến lô hàng, nếu còn thiếu chứng từ thì DN buộc phải chờ đợi. Quá trình này không chỉ ảnh hưởng đến cộng đồng DN mà còn ảnh hưởng đến cơ quan Hải quan là cơ quan chịu trách nhiệm giám sát hàng hóa.
Để khắc phục được tình trạng trên, Phó Tổng cục trưởng Vũ Ngọc Anh nhấn mạnh, trước tiên cần thay đổi cách thức thực hiện kiểm tra chuyên ngành và DN phải tuân thủ các quy định liên quan để làm thủ tục trước. Ví dụ như ở Nhật Bản đang chấp nhận cho mặt hàng xoài Cát Chu của Việt Nam XK.
Bởi vì trước đó, phía DN Nhật Bản NK đã sang Việt Nam kiểm tra các cơ sở chiếu xạ nên khi lô xoài XK sang Nhật Bản chỉ cần xác nhận từ các DN NK. Đối với cách làm hiện nay tại Việt Nam là lô hàng NK đều phải tiến hành mọi thủ tục từ đầu, tức là lấy mẫu đưa vào phòng thí nghiệm kiểm tra, xác nhận hàng có dư lượng kháng sinh, nhiễm khuẩn…
Do vậy, cần có sự thay đổi cả DN kinh doanh lẫn cách thức cơ quan Nhà nước kiểm tra theo thông lệ quốc tế. Muốn làm được điều này, cơ quan chức năng cần thay đổi toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cũng như pháp luật có liên quan.
Hiện nay cơ quan Hải quan đang thực hiện kiểm tra những mặt hàng thuộc 20% số tờ khai trên cơ sở 19 Luật, 29 Nghị định và trên 200 văn bản hướng dẫn (thông tư, công văn…). Đến nay đã 9 bộ, ngành tham gia kết nối vào Cơ chế một cửa quốc gia và một số bộ ngành chưa tham gia.
Do vậy với một khối lượng văn bản khổng lồ này sẽ dẫn đến thủ tục hành chính phức tạp, gây khó khăn cho cơ quan quản lý trực tiếp là cơ quan Hải quan, cũng như cộng đồng DN.
Theo báo Hải Quan.