|
Theo khảo sát của Dự án USAID GIG, nếu rút ngắn được một ngày về thủ tục kiểm dịch xuất nhập khẩu sẽ giúp tiết kiệm được hơn 1 tỷ USD/năm cho hàng hóa Việt Nam.
Khảo sát của Dự án USAID GIG (Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện) trong tháng 8/2015 đối với 100 doanh nghiệp lĩnh vực dệt may, thủy sản chế biến, dịch vụ logistics cho thấy khoảng 50% doanh nghiệp có hàng hóa phải kiểm dịch khi xuất nhập khẩu.
Nhiều đại diện doanh nghiệp cho biết hiện thủ tục quản lý chuyên ngành của Việt Nam chưa có sự chuyển biến đáng kể và cải cách theo hướng đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho đơn vị thực thi. Những vướng mắc phổ biến trong kiểm dịch hàng hóa xuất nhập khẩu là hàng loạt mặt hàng chịu sự quản lý, cấp giấy phép, kiểm tra; xin cấp chứng thư của 2-3 cơ quan thuộc cùng một bộ hoặc thuộc 2-3 bộ, ngành khác nhau như kiểm dịch thực vật, động vật, chất lượng, an toàn thực phẩm...
Ngoài ra, nếu rút ngắn một ngày về thủ tục kiểm dịch xuất nhập khẩu sẽ tiết kiệm được hơn 1 tỷ USD/năm, góp phần tăng thêm giá trị gia tăng cho hàng hóa Việt Nam, giúp doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, hạn chế rủi ro đối với hoạt động xuất nhập khẩu.
Phát biểu tại hội thảo "Đơn giản hóa thủ tục kiểm dịch hàng hóa xuất nhập khẩu" đã diễn ra ngày 23/9 ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhấn mạnh trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, hoạt động kiểm dịch hàng hóa xuất nhập khẩu được triển khai ở hầu hết các quốc gia, chứ không riêng tại Việt Nam, nhưng thực hiện như thế nào để phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đòi hỏi những giải pháp hiệu quả hơn về quản lý Nhà nước.
Theo Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, kết quả khảo sát 5 Chi cục Hải quan lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương cho thấy tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành chiếm 30-35% tổng số ở lô hàng xuất khẩu. Vấn đề đáng chú ý là nhiều mặt hàng xuất khẩu bị kiểm tra chuyên ngành gắt gao của các cơ quan quản lý, cả khi xuất khẩu lẫn nhập khẩu như hạt điều khô và nhân, thủy sản, sữa và sản phẩm từ sữa...
Ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định những bất cập trong thủ tục kiểm dịch hàng hóa xuất nhập khẩu, dẫn đến doanh nghiệp mất nhiều thời gian cho việc được cấp một chứng thư kiểm dịch, cụ thể phải thông qua quy trình nộp hồ sơ đăng ký có kèm theo mẫu hàng, nộp thông tin để cơ quan kiểm dịch làm chứng thư và chờ được cấp chứng thư.
Doanh nghiệp cũng mất nhiều thời gian, chi phí để được cấp chứng thư kiểm dịch, gây khó khăn không nhỏ cho doanh nghiệp trong việc hoàn thành bộ chứng thư xuất nhập khẩu, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đánh giá về quy định kiểm dịch hàng hóa xuất nhập khẩu hiện hành tại Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng, trong năm 2014 và đầu năm 2015, các bộ, ngành đã chú trọng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực kiểm dịch hàng hóa xuất nhập khẩu, đồng thời tập trung tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong hoạt động kiểm dịch hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, cơ quản quản lý vẫn còn hạn chế nhất định trong tháo gỡ khó khăn và giải quyết vướng mắc, bấp cập.
Đơn cử, danh mục vật thể thuộc diện phải kiểm dịch quá dài, còn một số mặt hàng ít nguy cơ lây nhiễm dịch nhưng vẫn nằm trong danh mục; yêu cầu doanh nghiệp phải nộp chứng thư kiểm dịch sau 10 ngày kể từ ngày xuất khẩu...
Nhằm đơn giản thủ tục kiểm dịch hàng hóa xuất nhập khẩu, ông Nguyễn Huy Lưu, đại diện Tổng cục Hải quan đề xuất quy định kiểm dịch hàng hóa xuất khẩu chỉ cần áp dụng đối với nước nhập khẩu có yêu cầu, hợp đồng mua bán có quy định đồng thời sửa đổi quy định nộp chứng thư kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu (nếu có), theo hướng trường hợp có chứng thư kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu thì doanh nghiệp nên được miễn, giảm kiểm tra và nếu không có chứng thư này mới tăng cường kiểm tra.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần xem xét và quy định thời hạn doanh nghiệp phải nộp chứng thực kiểm dịch phù hợp với Luật Hải quan hiện hành./.
Theo VIETNAM+
|