Mới dừng ở giao nhận
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về hoạt động logistics hiện nay?
Ông Bùi Hồng Minh: Việc ký kết và tham gia vào các hiệp định tự do thương mại (FTA), nhất là các hiệp định thế hệ mới, đã tạo điều kiện thúc đẩy thương mại quốc tế và trong nước gia tăng nhanh chóng. Bối cảnh tự do hóa thương mại với nhiều FTA được ký kết cũng tạo điều kiện giúp cho các doanh nghiệp logistics trong nước làm quen và thích ứng với cạnh tranh quốc tế, tiếp thu được nhiều phương thức kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài.
Hiện nay, bản thân các doanh nghiệp logistics cũng đã có những nỗ lực chuẩn bị nhất định và bản thân Hiệp hội Logistics Việt Nam cũng đã chủ trì tổ chức chương trình để đẩy mạnh, cập nhật cơ hội và thách thức khi chúng ta chính thức tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp tới.
Song, ngành logistics vẫn chưa thực sự phát triển như mong đợi do còn nhiều khó khăn, thưa ông?
Đúng vậy, ở tầm vĩ mô, trước hết, hiện còn thiếu định hướng trung và dài hạn để phát triển ngành logistics.
Thứ hai, khuôn khổ pháp luật điều chỉnh hoạt động logistics hiện không còn phù hợp, thiếu cập nhật các định chế cần thiết trong lĩnh vực này của quốc tế, nên thị trường thiếu minh bạch, cạnh tranh chưa lành mạnh và chưa tạo điều kiện cho ngành phát triển bền vững.
Thứ ba, cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động logistics phát triển chưa đồng bộ.
Thứ tư, hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực này còn nhiều hạn chế cả về quy mô hoạt động, tiềm lực tài chính và nguồn nhân lực. Hầu hết các doanh nghiệp logistics của Việt Nam là nhỏ và vừa, vẫn chỉ hoạt động tập trung trong lĩnh vực logistics cơ bản, mang tính giao nhận hay vận tải đa phương thức. Trong khi các doanh nghiệp logistics thế giới rất phát triển và có mô hình kinh doanh toàn diện.
Bên cạnh đó, sự kết nối, phối hợp giữa doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp logistics dường như vẫn chưa đạt hiệu quả mong muốn. Điều này đang làm giảm khả năng cạnh tranh của dịch vụ, hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, ngành logistics vẫn chưa được xác định ưu tiên tập trung phát triển, chủ yếu tự phát triển để phục vụ nhu cầu về dịch vụ vận tải của doanh nghiệp sản xuất, xuất, nhập khẩu.
Xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn
Vậy theo ông, tại sao mối liên kết giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và logistics vẫn còn mờ nhạt?
Có rất nhiều ý kiến chuyên gia đã đánh giá rằng, ở nước ta, còn thiếu sự liên kết nhất định giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics. Có nhiều nguyên nhân khác nhau. Cơ bản do các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hiện vẫn đang kinh doanh kiểu nhập theo giá CIF, xuất theo giá FOB; trong khi ở các nước phát triển, khi xuất khẩu hàng hóa, người xuất khẩu thường tìm mọi cách để giao hàng với điều kiện giá CIF, khi nhập khẩu lại luôn đàm phán để mua được hàng theo điều kiện giá FOB.
Do đó, thường không có quyền giành việc lựa chọn dịch vụ logistics về phía mình. Hơn nữa, các doanh nghiệp nước ngoài vào kinh doanh tại Việt Nam thường đã có nhà cung cấp dịch vụ logistics toàn cầu truyền thống, nên việc giành thị trường với những công ty này không hề dễ dàng. Bởi vậy, việc xây dựng mối liên kết giữa các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu với các doanh nghiệp logistics trong nước là rất cần thiết và phải được quan tâm đẩy mạnh.
Các cơ quan quản lý nhà nước cần làm gì để hỗ trợ cho hoạt động vận tải và logistics phát triển thời gian tới?
Hiện nay vấn đề về logistics vẫn đang rất nóng, nhận được sự quan tâm của Nhà nước, nhất là hội nhập sâu đang kề cận. Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Công thương làm đầu mối phối hợp với các bộ, ngành khác xây dựng chương trình, kế hoạch hành động và nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển dịch vụ logistics thời gian tới.
Hiện Bộ Công thương đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan tích cực triển khai xây dựng chương trình hành động và thành lập ban soạn thảo xây dựng chương trình hành động để đẩy mạnh logistics và hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phát triển, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước, đặc biệt trong quá trình hội nhập. Ngoài ra, cần cải cách thể chế ở tầm vĩ mô, tập trung tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại và tạo cạnh tranh với các quốc gia khác.
Về phía các doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh thông qua nắm vững các quy luật cạnh tranh, quy luật hoạt động trong lĩnh vực logistics; thay đổi mô hình, phương thức hoạt động, quản lý theo hướng phù hợp hơn với xu thế phát triển của thế giới; bổ sung tiềm lực tài chính mạnh hơn thông qua liên kết với nhau hoặc tìm nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức tín dụng để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Xin cảm ơn ông!