Home Page About us Transport Yellow Pages Forum VIL
Tracuu
Su Kien



Username
Password
 
Đăng ký mới


Phòng kinh doanh:
028
3513 6399
 

Đăng nhập

     

Phí vận chuyển “ăn” hết lợi nhuận xuất khẩu

11/19/2015 10:42:57 AM

Nhiều thị trường “khó tính” như Úc, Mỹ, Nhật... đang mở cửa cho một số trái cây tươi Việt Nam, song việc xuất khẩu mặt hàng này vẫn còn quá “nan giải” do cước phí vận chuyển quá cao.
Kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam liên tục tăng và đã đạt 1 tỉ USD từ năm 2013. Hiện đã có 40 loại trái cây Việt Nam được xuất ra thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, theo chuyên gia quốc tế về nông nghiệp - GS.TS Nguyễn Quốc Vọng, Việt kiều Úc, cước phí quá cao đang khiến nhiều nông sản tươi Việt khó cạnh tranh và mất cơ hội tại các thị trường lớn mà tốn rất nhiều công sức và thời gian chúng ta mới tiếp cận được.

Cước vận chuyển chiếm 60% giá thành

Nếu tính luôn các chi phí vận chuyển trong nước trước khi đưa một số mặt hàng trái cây theo đường hàng không xuất ngoại, theo TS Nguyễn Quốc Vọng, cước phí chiếm đến 60% giá thành sản phẩm. Lấy ví dụ với sự kiện trái vải Hưng Yên vào thị trường Úc trong năm nay mà ông là người kết nối để xuất 32 tấn vải hồi tháng 6 vừa qua, TS Vọng phân tích: giá vải mua tại Việt Nam chỉ 20.000 đồng/kg (0,9 USD/kg, chiếm khoảng 12,7% giá thành) nhưng riêng cước máy bay vận chuyển từ Việt Nam sang Úc đã 2,95 USD/kg, chiếm hơn 42% giá thành sản phẩm bán tại Úc.

Thêm chi phí vận chuyển nội địa, phí vận chuyển chiếm đến 60% giá thành. “Có nghĩa là trong 10 đồng bán trái vải Việt Nam tại thị trường nước ngoài, nhà nông, nhân tố chính làm ra quả vải, chỉ thu được hơn 1 đồng, còn lại các chi phí vận chuyển, chiếu xạ, đóng gói... chiếm 6 đồng. Nếu nói rằng, cơ hội cho nhà nông Việt khi trái cây xuất ngoại thì cần xem xét lại đây có là cơ hội thực sự hay không”, TS Nguyễn Quốc Vọng bức xúc.

Không chỉ chỉ ra sự hưởng lợi của ngành nông sản vô cùng thấp, TS Vọng cho rằng phí vận chuyển quá cao khiến sức cạnh tranh của DN Việt trên thị trường quốc tế vô cùng chật vật. Dẫn chứng thêm, TS Vọng cho biết để gửi một ký hàng mẫu sang Úc, ông phải trả 2,95 USD, trong khi từ Úc gửi sang Nhật, cùng mặt hàng và khối lượng đó, ông chỉ trả 1,5 đô la Úc (tương đương 1,2 USD).

Cần hỗ trợ tối đa cho nông sản
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, nhất thiết phải có sự can thiệp hỗ trợ từ chính phủ trong chính sách cước vận tải bằng đường hàng không. Thái Lan, Mexico, Nam Phi, Philippines... muốn xuất trái cây tươi sang các thị trường khó tính, chính phủ đều có chính sách hỗ trợ tối đa về cước vận tải, đó là chưa tính khâu chiếu xạ, kiểm dịch thực phẩm để có sản phẩm trái quả hoàn hảo làm hài lòng khách hàng. Hàng nông sản, nếu không có sự hỗ trợ tối đa của chính phủ, doanh nghiệp không dễ đi vào thị trường khó tính được.

Theo Công ty TNHH Thanh long Hoàng hậu, phí vận chuyển bằng đường hàng không cho quả thanh long đi Mỹ chiếm gần 50% giá thành quả thanh long Việt Nam vào Mỹ. Cước phí vận chuyển trái cây đi Mỹ hiện được các công ty báo tầm 3,5 - 4 USD/kg. “Cước phí vận chuyển bằng đường hàng không của Việt Nam quá cao, dẫn đến trái cây Việt khó cạnh tranh với trái cây của Thái Lan, Indonesia, Đài Loan, Malaysia… thậm chí, mất cơ hội lớn tại các thị trường khó tính như Úc, Nhật và Mỹ”, đại diện Thanh long Hoàng hậu nhận xét.
 

Chị Nguyễn Thanh Mai, đại diện một doanh nghiệp làm dịch vụ xuất nhập khẩu tại TP.HCM, cũng cho hay cước phí từ Việt Nam gửi đi nói chung luôn cao hơn các nước gửi về Việt Nam. Chẳng hạn, để gửi từ Việt Nam đi Mỹ thông tin brochure quảng bá cho những loại trái cây Việt do các trung tâm xúc tiến thương mại các tỉnh miền Tây cung cấp, công ty của chị Mai phải trả 35 USD/kg. Trong khi khách hàng gửi từ Mỹ về cho công ty chỉ khoảng 21 USD/kg. “Thực tế, nhiều hãng chuyển phát nhanh vẫn thường cho rằng họ có một mức giá chung trên toàn cầu. Tuy nhiên, gửi từ Việt Nam đi thường có mức giá cao hơn, mà theo giải thích thì những chi phí thuế, hải quan mỗi nước mỗi khác, phí vận chuyển tại Việt Nam trước khi được đưa lên máy bay, chi phí máy bay sang các nước thường cao hơn khiến tổng giá thành vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đi các nước thường cao hơn theo chiều ngược lại là vậy”, chị Mai nói.


Khó cạnh tranh với trái cây khối TPP
Không chỉ cước vận chuyển ra nước ngoài cao, cước vận chuyển trong nước, theo nhiều doanh nghiệp, cũng cao. Ông Hoàng Lê Trung, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Thái Ngọc (Bình Dương), nhà thu mua nông sản tại Bình Dương cho rằng giá thành trái cây của Việt Nam thường khó cạnh tranh do ngoài khâu thương lái chiếm một phần, chi phí vận chuyển cao khiến giá thành đội lên nhiều.

"Trong 10 đồng bán trái vải Việt Nam tại thị trường nước ngoài, nhà nông, nhân tố chính làm ra quả vải, chỉ thu được hơn 1 đồng, còn lại các chi phí vận chuyển, chiếu xạ, đóng gói... chiếm 6 đồng" GS-TS Nguyễn Quốc Vọng, người kết nối để xuất 32 tấn vải tươi sang Úc

Lấy ví dụ với sản phẩm cam sành, bưởi da xanh tại huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương), nơi có 4.000 ha chuyên trồng hai chủng loại trái cây này, ông Trung cho biết: "Mỗi ký cam sành bán tại TP.HCM có giá từ 50.000 - 55.000 đồng, nhưng tại nhà vườn bán cho thương lái cao nhất chỉ 25.000 - 30.000 đồng/kg. Thương lái bán lại cho các doanh nghiệp khoảng 35.000 - 40.000 đồng/kg. Doanh nghiệp thu mua về, các chi phí đóng gói, vận chuyển về TP.HCM cũng chiếm 5.000 đồng/kg chỉ đoạn đường 100 km từ Bình Dương về TP.HCM. Với đoạn đường như vậy, theo tôi tìm hiểu, ở Thái Lan chỉ khoảng1.000 - 1.200 đồng/kg”.

Liên quan đến vận chuyển trong nội địa, chị Thanh Mai so sánh: “Hàng gửi bằng đường bay từ Los Angeles đi New York (chặng đường bay 2 - 3 tiếng) là 20 USD/10 kg, trong khi gửi từ TP.HCM đi Hà Nội (chặng đường bay1,5 - 2 tiếng) tùy hãng vận chuyển song giá luôn cao gấp đôi so với mức giá nội địa ở Mỹ”.

Theo chuyên gia kinh tế tài chính Nguyễn Trí Hiếu, chúng ta đang khuyến khích xuất khẩu rau củ quả, một thị trường có giá trị hàng trăm triệu USD hằng năm; nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng trái cây mang lại giá trị gia tăng cao…, song để nhà nông hưởng chỉ 10% trên tổng giá trị sản phẩm bán ra là điều cần suy ngẫm. Nếu không thay đổi, sau TPP, trái cây Việt khó trụ tại các thị trường lớn vì không thể cạnh tranh bằng giá với các nước trong khối TPP.

TS Hiếu lấy ví dụ với quả chuối của Mexico, cam vàng của Nam Phi, mít Thái Lan… là những sản phẩm được nhiều thị trường biết đến nhờ phần lớn sự đồng hành hỗ trợ của chính phủ các quốc gia này. “Với Việt Nam, ngoài việc hỗ trợ đàm phán thành công để đưa trái cây Việt vào thị trường khó tính, chính phủ nên thêm bước kế tiếp là hỗ trợ để trái cây Việt về mặt chi phí có giá thành cạnh tranh nhất. Có như vậy, nông sản Việt mới có cơ hội cất cánh được”, TS Hiếu kiến nghị.

Theo Thanh niên

TIN LIÊN QUAN
THÔNG TIN KHÁC
Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Nga (11/19/2015 10:33:31 AM)
Xuất khẩu bạch tuộc sang Mỹ tăng giá (11/17/2015 10:34:58 AM)
Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 9 và 9 tháng năm 2015 (11/17/2015 10:33:43 AM)
Xuất khẩu qua Móng Cái: Tăng gần 70% (11/17/2015 10:30:16 AM)
Việt Nam sẽ rất vất vả để đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 10% (11/17/2015 10:27:31 AM)
Hyundai độc tôn thị trường xe nhập tháng 10 (11/17/2015 10:24:45 AM)
50.000 tấn gạo từ Việt Nam và Thái Lan sẽ cập cảng Indonesia (11/17/2015 10:20:22 AM)
Xuất khẩu hàng hóa sang Hà Lan tăng trưởng ở hầu hết các mặt hàng (11/16/2015 11:37:19 AM)
Xuất khẩu bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc của Việt Nam sang các thị trường quý III năm 2015 (11/16/2015 11:35:21 AM)
Xuất khẩu tôm sang Mỹ nhiều triển vọng lạc quan (11/16/2015 11:33:50 AM)
BÌNH LUẬN

Bình luận của bạn

Nội dung:
Email / Tên / Điện thoại:
 

Bạn thấy giao diện mới của website như thế nào?
Rất đẹp
Đẹp
Bình thường
Không đẹp lắm

VẬN CHUYỂN CONTAINER QUỐC TẾ/NỘI ĐỊA UY TÍN, CHẤT LƯỢNG. HOTLINE: 0903 974 124
CÔNG TY TNHH CÁT TƯỜNG GIANG (CTG LOGISTICS & SHIPPING AGENCIES)

© 2005-2020 Bản quyền thuộc về Viện Logistics Việt Nam (VIL) - Liên hệ quảng cáo
Ghi rõ nguồn "VietnamShipper" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này

Tầng 25, Pearl Plaza - 561A Điện Biên Phủ, P.25, Q.Bình Thạnh, Tp.HCM - Tel: (+84-8) 3513 6399 - Fax: (+84-8) 3513 6359 - Email: admin@vietnamshipper.com