Home Page About us Transport Yellow Pages Forum VIL
Tracuu
Su Kien



Username
Password
 
Đăng ký mới


Phòng kinh doanh:
028
3513 6399
 

Đăng nhập

     

“Việt Nam có vị thế cực kỳ lý tưởng để phát triển dịch vụ logistics” 

11/27/2015 2:51:33 PM

4 quốc gia có vị thế cực kỳ lý tưởng để phát triển logistics là Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar, trong đó Việt Nam có lợi thế vượt hơn so với ba quốc gia còn lại, ông Stanley Lim, Chủ tịch Hiệp hội Giao nhận Singapore (SLA) nhìn nhận.

Phát biểu khai mạc “Hội nghị quốc tế logistics Việt Nam hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 (AEC)” sáng 27/11 tại Tp.HCM, do Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt nam (VLA) phối hợp với BizLIVE đồng tổ chức, ông Đỗ Xuân Quang - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics (VLA) chỉ ra bốn nội dung quan trọng của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC): Một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất, một khu vực kinh tế có tính cạnh tranh cao, một khu vực phát triển kinh tế bình đẳng, và một khu vực hội nhập hoàn toàn vào nền kinh tế toàn cầu.

“Nói một cách ngắn gọn, AEC sẽ biến ASEAN thành một khu vực tự do di chuyển hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động có tay nghề, và tự do di chuyển dòng vốn”, ông khẳng định.
Để đạt đến mục tiêu biến ASEAN thành một thị trường đơn nhất, một không gian sản xuất chung như đã đặt ra trong việc xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN, các nhà lãnh đạo ASEAN rất chú trọng đến việc phát triển logistics trong khu vực.
Xương sống của hoạt động thương mại
Với vai trò xuyên suốt trong toàn bộ quá trình nhập nguyên vật liệu làm đầu vào cho sản xuất, sản xuất ra hàng hóa, đưa hàng hóa vào các kênh lưu thông và phân phối đến tay người tiêu dùng cuối cùng, logistics được coi là xương sống của hoạt động thương mại giữa các nước thành viên ASEAN.
Hội nhập dịch vụ logistics được kỳ vọng sẽ là phương tiện để đẩy nhanh hơn nữa tiến trình liên kết giữa các ngành sản xuất trong nội bộ từng quốc gia thành viên cũng như giữa các nước ASEAN với nhau, hướng tới sự thành công của AEC 2015.
Ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam 
Việc tham gia AEC nói chung và thực hiện lộ trình hội nhập nhanh lĩnh vực dịch vụ logistics trong ASEAN nói riêng mang lại đồng thời những cơ hội và thách thức to lớn cho ngành logistics Việt Nam. Việc tìm cách nhanh chóng phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập là hết sức quan trọng trước thềm AEC, ông lưu ý.
Chính vì vậy, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam nhận thấy Hội nghị quốc tế này là một diễn đàn thương mại về ngành dịch vụ logistics được tổ chức quy mô nhằm giúp cho các công ty cung cấp dịch vụ logistics gặp gỡ các khách hàng tiềm năng là các nhà sản xuất và xuất nhập khẩu Việt Nam - chủ thể tạo ra thị trường dịch vụ logistics và là nơi thiết lập những mối quan hệ hợp tác song phương giữa doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế, là nơi giúp cho sự gắn kết giữa thị trường dịch vụ logistics Việt Nam trong các  chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.
“AEC sẽ tạo ra khí thế và động lực”
  Ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh đối với Việt Nam, ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba, sau Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường ASEAN đạt 19,12 tỷ USD năm 2014. Nhập khẩu của Việt Nam từ ASEAN chiếm 17,7% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, đạt 23,1 tỷ USD vào năm 2014.
Trong quan hệ đầu tư, tính đến cuối tháng 6/2015, ASEAN có 2.632 dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với tổng số đăng ký là 54,6 tỷ USD.
“Việc thực hiện AEC cũng như các hiệp định FTA và TPP sẽ tạo cho ngành dịch vụ logistics Việt Nam những cơ hội trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tạo cơ hội về thị trường hàng hóa, tạo ra khí thế và động lực cũng như nâng cao năng lực cạnh của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam do tự do hóa thương mại, đầu tư và dịch vụ mang lại”, ông khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho rằng việc tham gia AEC nói chung và thực hiện lộ trình hội nhập nhanh lĩnh vực dịch vụ logistics trong ASEAN nói riêng mang lại đồng thời những cơ hội và thách thức to lớn cho ngành logistics Việt Nam.
“Chính vì vậy, phát triển dịch vụ logistics là một nhu cầu cấp bách được đặt ra đối với Việt Nam, đặc biệt khi nước ta đang trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu”, ông Nguyễn Nhật nói.
 Diễn giả tham dự hội thảo - Ảnh: BizLIVE.
“Tập quán mua CIF, bán FOB dai dẳng”
Việc thực thi lộ trình hội nhập dịch vụ logistics của các nước ASEAN chú trọng thực hiện ba vấn đề chính: Dỡ bỏ rào cản để các doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận thị trường, thuận lợi hóa thương mại và hải quan, và áp dụng vận tải đa phương thức xuyên biên giới.
Ông Nguyễn Nhật nhận xét trong thời gian qua, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam chưa thực sự tìm được nhiều tiếng nói chung với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, chưa tạo ra sự gắn bó đầy đủ, thúc đẩy phát triển chung cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Điều này dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước đang phải chịu các loại phí cao, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Trong khi đó các công ty thương mại Việt Nam, những người sử dụng dịch vụ logistics, cũng chưa đánh giá hết được tầm quan trọng của việc kết hợp giữa các hoạt động logistics với việc quản trị dây chuyền cung ứng.
Kết quả là logistics thường được đồng nhất với vận tải và việc sử dụng dịch vụ thuê ngoài logistics vẫn chưa trở thành thói quen, mới chỉ chiếm khoảng 35%.
“Ngoài ra, tập quán mua CIF, bán FOB của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam đã tồn tại khá dai dẳng. Việc sử dụng tập quán này sẽ làm mất cơ hội phát triển ở một số ngành như vận tải, bảo hiểm và ngành dịch vụ logistics nói chung”, ông chỉ ra.
Tập quán này do cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam mang lại, chủ yếu nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu, phục vụ sản xuất và xuất khẩu hàng hóa thô, sơ chế.
Do đó, các đối tác thường có ưu thế trong đàm phán hợp đồng và thường giành quyền vận tải, bảo hiểm và các dịch vụ logistics liên quan khác.
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp logistics nước ngoài đến tham dự Diễn đàn - Ảnh: BizLIVE. 
Trong thời gian tới, cùng sự chuyển dịch cơ cấu xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần cải thiện năng lực kinh doanh, marketing, xây dựng thương hiệu, giành thế chủ động trong đàm phán hợp đồng để thay đổi tập quán mua CIF, bán FOB, tạo điều kiện cho ngành logistics Việt Nam phát triển.
Với tư cách là Bộ quản lý chuyên ngành về dịch vụ logistics, Bộ Giao thông Vận tải đang làm hết sức mình để thúc đẩy ngành dịch vụ logistics phát triển cùng với sự phát triển của ngành thương mại.
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải kỳ vọng hai việc làm này sẽ tạo ra bước đột phá về mặt chính sách, tạo nên cơ chế thuận lợi để các doanh nghiệp logistics Việt Nam phát huy hết sức mạnh, nhanh chóng vươn lên cùng các doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu gia tăng khối lượng hàng hóa sản xuất, lưu thông, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải đang thúc đẩy và hỗ trợ việc củng cố Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam để phát huy vai trò của mình trong tiến trình hội nhập AEC.
Ảnh: BizLIVE
4 quốc gia có vị thế cực kỳ lý tưởng
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của AEC, ông Stanley Lim, Chủ tịch Hiệp hội Giao nhận Singapore (SLA) khẳng định các quốc gia trong khối phải tương trợ, hợp tác lẫn nhau để hỗ trợ cho sự phát triển của các nền kinh tế ASEAN và sự thịnh vượng của các dân tộc, trong đó, Việt Nam sẽ là đầu cầu quan trọng trong tương lai.
Để tận dụng được các lợi ích khi tham gia vào AEC, Việt Nam cần chủ động tham gia vào thúc đẩy AEC 2015 thành một khối kinh tế ASEAN.
“Chúng ta có một số thỏa thuận trong khu vực để phát triển ngành logistics, trong đó lợi ích đi kèm các thách thức. 4 quốc gia có vị thế cực kỳ lý tưởng để phát triển logistics là Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar”, ông Lim chỉ ra.
Trong đó theo ông, Việt Nam có lợi thế vượt hơn so với ba quốc gia còn lại. Lào hiện đang được sự hỗ trợ của Thái Lan trong việc kết nối giao thông trên bộ, Việt Nam cũng có thể hợp tác với Thái Lan để mở rộng nối kết trên bộ.
Ông Stanley Lim, Chủ tịch Hiệp hội Giao nhận Singapore.
4 trụ cột
Bàn về các thách thức gặp phải khi tham gia hội nhập ASEAN, Chủ tịch hiệp hội giao nhận Singapore cho biết chính phủ các nước cần tập trung vào 4 trụ cột:
Thứ nhất, một thị trường duy nhất, AEC sẽ là một khu vực kinh tế cạnh tranh và hội nhập vào kinh tế toàn cầu. Các quốc gia ASEAN hỗ trợ phát triển thị trường hàng hóa để tạo ra thị trường duy nhất.
“Chúng ta cần loại bỏ các rào cản về thương mại xuyên biên giới, các thủ tục hải quan. Mức độ phát triển giữa các quốc gia không đồng đều”, ông nhấn mạnh. Theo ông, nhờ thị trường duy nhất các quốc gia có thể phát triển đồng bộ.
Trong đó, Singapore là một nước tiên tiến có thể chia sẻ các kỹ năng làm việc của nguồn lao động, để cùng nhau phát triển để cạnh tranh với nhau.
Thứ hai, Phát triển Kinh tế cân bằng. Các quốc gia trong ASEAN sẽ cùng hợp tác để có cùng khu vực kinh tế chung, các công ty phát triển sẽ dần phát triển thêm.
Xương sống của các nền kinh tế không đồng đều, do đó cần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia.
Thứ ba, Hội nhập vào kinh tế toàn cầu. Các quốc thành viên đang cố gắng hội nhập vào kinh tế toàn cầu thông qua các thỏa thuận tự do thương mại. Các quốc gia ASEAN đã ký nhiều thỏa thuận với các quốc gia tiên tiến, vươn ra kinh tế toàn cầu.
“Tuy nhiên, nhiều quốc gia vẫn chưa sẵn sàng tham gia vào AEC, mà chúng ta không thể bỏ họ lại đằng sau các quốc phát triển hơn. Chúng ta cần có một tổ chức mang tính đại diện cho ASEAN cung cấp các dịch vụ giao vận chia sẻ kiến thức chuyên môn, tạo ra một sự liên kết giữa các quốc gia với nhau”.
Các quốc gia trải rộng trên 3 múi giờ khác nhau, khi tập hợp, sẽ kết nối sực mạnh để gia tăng các dịch vụ liên quan tới logistics, ông khẳng định.
Ngoài ra, logistics kết nối giữa các quốc gia với nhau, và cần có tính chuyên nghiệp trong ngành logistics để trung chuyển hàng hóa và kết nối các địa điểm quan trọng trong ASEAN và với toàn cầu. Khi tham gia vào thị trường duy nhất, các quốc gia sẽ đưa hàng hóa ra bên ngoài dưới thương hiệu ASEAN để xuất khẩu có hiệu quả hơn.
Để tăng cường liên kết, các quốc gia cần thúc đẩy áp dụng cơ chế một cửa để tăng tốc độ thông quan, trong đó áp dụng công nghệ thông tin đóng vai trò mấu chốt.
Ông Lim cũng nhấn mạnh tới việc kết nối thông qua vận tải đa phương tiện. Nhờ đó, thời gian di chuyển đường không giữa 2 quốc gia ASEAN ở hai đầu khác nhau tối đa 5 giờ bay.
Chủ tịch Hiệp hội logistics Singapore đề cập tới các khung hợp tác ASEAN+3, ASEAN+6 và các thỏa thuận FTA. ASEAN+3 bao gồm ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, trong khi đó ASEAN+6, gồm ASEAN+3 nêu trên, Ấn Độ, Úc và New Zealand.
Các cơ chế hợp tác này nhằm mục đích phát triển thương mại với các quốc gia lân cận, đẩy xuất khẩu ra toàn cầu, giảm chi phí logistics giữa các quốc gia ASEAN, các quốc gia lân cận và ra toàn cầu. “Khi kết nối làm một, chúng ta có thể cạnh tranh với các quốc gia khác,” ông nhấn mạnh.
“Singapore có vị trí trung tâm trong vận chuyển hàng hoá, tuy nhiên khả năng có giới hạn. Do vậy, các công ty logistics Singapore đang đầu tư vào các quốc gia khác như Việt Nam và Lào”, ông Stanley Lim kết luận.
 Ảnh: BizLIVE.
Ông Đặng Vũ Thành, Tổng giám đốc CTCP Kho vận Miền Nam (Sotrans) 
Chủ đề 1: Thương mại – Logistics ASEAN
Trong phiên thảo luận, ông Alvin Chua, Chủ tịch Hiệp hội Giao nhận ASEAN (AFFA) kiêm Chủ tịch Hiệp hội Giao nhận Malaysia (FMFF), cập nhật về tình hình kết nối ngành logistics trong khối ASEAN, sau khi lãnh đạo các nước ASEAN mới đây thông qua việc thành lập AEC.
Cộng đồng ASEAN là một nền tảng cho hội nhập khu vực dựa trên ba trụ cột chính, đó là kinh tế, an ninh và văn hóa. Trong số đó, trụ cột quan trọng nhất là AEC, với mục tiêu chính bao gồm một cơ sở sản xuất và nền kinh tế đơn nhất, một khu vực kinh tế có khả năng cạnh tranh cao, một khu vực phát triển cân bằng, và một nền kinh tế hoàn toàn hội nhập vào “sân chơi” toàn cầu.
“Một sự kết nối chặt chẽ trong khối ASEAN là điều cốt yếu để đạt được Cộng đồng ASEAN,” ông Alvin Chua khẳng định.
Nhằm đạt được điều này, ASEAN đã xây dựng Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN để đưa Cộng đồng kinh tế ASEAN tiếp tục tăng trưởng về kinh tế, thu hẹp khoảng cách phát triển và cải thiện tính kết nối giữa các nước thành viên và giữa các nước thành viên với thế giới.
Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN
Kế hoạch tổng thể đi kèm với một kế hoạch hành động cho giai đoạn 2011-2015 thông qua phát triển cơ sở hạ tầng (kết nối vật lý), các định chế, cơ chế và quá trình (kết nối về thể chế) và nhân lực (kết nối nhân sự), ông Alvin Chua liệt kê.
Tuy vậy, việc kết nối vật lý gặp phải các thách thức như: hệ thống đường xá có chất lượng thấp và không hoàn chỉnh, thiếu kết nối đường sắt, cơ sở hạ tầng bến cảng không phù hợp, giao thông đường thủy nội địa và hàng không yếu, khoảng cách số ngày càng rộng và nhu cầu về nhân lực ngày càng tăng.
Đối với kết nối thể chế, việc di chuyển phương tiện, hàng hóa và dịch vụ, và lao động có trình độ gặp cản trở.
Để giải quyết vấn đề này, ASEAN cần tháo gỡ các rào cản phi thuế quan để tạo điều kiện cho giao thương nội khối và đầu tư, điều hòa các tiêu chuẩn và các thủ tục đánh giá tính đồng bộ.
Ngoài ra, ASEAN cần hiện thực hóa Thỏa thuận khung ASEAN về tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh (AFAGIT), Thỏa thuận khung về tạo thuận lợi cho giao thông liên quốc gia (AFAFIST), Thỏa thuận khung ASEAN về vận tải đa phương tiện (AFAMY) để giảm chi phí vận tải hàng hóa qua biên giới.
Các nước cũng cần thực hiện đầy đủ Cơ chế một cửa để tiến tới hội nhập Cơ chế một cửa toàn khu vực vào năm nay.
Đối với kết nối con người, việc nới lỏng các quy định về thị thực và thực thi các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau sẽ là những biện pháp quan trọng để tăng cường tương tác giữa người dân trong khối ASEAN, ông Alvin Chua chốt lại.
Ông Alvin Chua - Ảnh: BizLIVE.
Về Kế hoạch tổng thể, ông Alvin Chua nêu những dự án mà các nước thành viên ASEAN đang và sẽ ưu tiên thực hiện để tăng cường tính kết nối trong khu vực.
Những dự án có thể kể đến như Hệ thống đường cao tốc ASEAN và nâng cấp các hành lang vận tải, kết nối đường sắt Singapore-Côn Minh, thành lập hành lang khổ rộng ASEAN, xây dựng và vận hành các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong các khu vực ưu tiên, áp dụng các hệ thống một cửa, và nới lỏng các quy định cho công dân các nước ASEAN.
Vai trò của AFFA
Ông Alvin Chua nhấn mạnh AFFA đã tham gia vào nhiều hoạt động của Ban thư ký ASEAN và các tổ chức chuyên ngành. Các thành viên AFFA cần chủ động hoạt động tại các nước sở tại và được thừa nhận là tổ chức có uy tín để có thể kiến nghị với Chính phủ để xây dựng các chính sách liên quan tới ngành logistics.
Chính phủ các nước sẽ không thể tài trợ toàn bộ các chương trình và kế hoạch hành động. Hợp tác công tư (PPP) sẽ góp phần cung cấp các đầu tư cần thiết để thực hiện các kế hoạch hành động.
Kế hoạch hành động giai đoạn 2016-2020
AEC sẽ khởi động vào cuối tháng 12/2015, nhưng đây chưa phải là bước cuối cùng mà chỉ là bước đệm cho việc hợp tác toàn diện giữa các thành viên. AEC là một cột mốc quan trọng cho việc thực hiện hóa hợp tác trong khu vực vào năm 2020.
Ông Alvin Chua nêu những kết quả từ việc thành lập AEC, như AEC cam kết thực kiện 85% các quy định trong biên bản hướng dẫn do AEC đề ra, tạo nên một cộng đồng kinh tế chặt chẽ, cạnh tranh và mang tính toàn cầu. “AEC sẽ làm cho giao thương giữa các nước ASEAN dễ dàng hơn, nhanh hơn và với chi phí thấp hơn,” ông Alvin Chua nhấn mạnh.
Ngoài ra, kế hoạch hành động hướng tới phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực. Theo đó, các quốc gia thành viên sẽ từng bước xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, thương mại điện tử, điều phối quan hệ giữa các công ty và đầu mối trong ASEAN để tận dụng lợi thế kinh tế quy mô.
“Hội nhập ASEAN và cải thiện tính kết nối trong khu vực là một tiến trình đang diễn ra. Là doanh nghiệp logistics, chúng ta không thể đứng ngoài lề trong khi các sáng kiến và kế hoạch hành động đó đang được triển khai”, ông Alvin Chua kết thúc bài phát biểu.
 Ông Đinh Ngọc Thắng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM - Ảnh: BizLIVE.
Vẫn còn tình trạng “cò” hải quan
Ông Đinh Ngọc Thắng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, cung cấp thêm thông tin tại Hội nghị về tình hình thực hiện cơ chế một cửa quốc gia tại Việt Nam.
Ông khẳng định cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan là một nhiệm vụ trọng tâm. Hiện nay thủ tục hải quan chủ yếu thông qua hải quan điện tử VNACCS do Nhật Bản tài trợ. Điều này đã đem lại tiện ích, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa và chi phí phát sinh, được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận tích cực.
Cục Hải quan TP.HCM đang tổng kết giai đoạn I và đưa triển khai giai đoạn II. Đây là cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp logistics và đại lý hải quan hoạt động.
Việt Nam đang hướng tới hải quan một cửa theo tiêu chuẩn ASEAN, phải có một đội ngũ làm thụ tục chuyên nghiệp và cơ chế đồng bộ. Tuy nhiên đến giờ, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM khuyến cáo doanh nghiệp vẫn cần cảnh giác khi làm thủ tục thông quan qua “cò”. Vì có thể thủ tục đó cơ quan hải quan không yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện nhưng các “cò” dịch vụ vẫn vẽ ra để moi tiền doanh nghiệp.
Không thể “một mình một đường”
Theo đề án nâng cao năng lực cạnh tranh để tăng cường xuất nhập khẩu, từ tháng 9/2015, cơ chế một cửa quốc gia đi vào hoạt động, với sự tham gia của 8/10 bộ, triển khai 20 bộ thủ tục liên quan.
Ông Thắng dẫn một thống kê cho biết thời gian từ khi hàng hóa đến cửa khẩu, cảng biển đến khi đăng ký tờ khai hải quan chiếm 58%, thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp, các cơ quan kiểm tra chuyên ngành, hãng tàu, công ty kinh doanh cảng, kho bãi, bến bãi chứa hàng hóa… Trong khi thời gian từ khi đăng ký tờ khai đến khi thông quan/giải phóng hàng chỉ chiếm 28%.
Hiện các thủ tục cấp phép của bộ ngành hầu như đang được làm thủ công, hàng hóa đang được kiểm tra tại cửa khẩu cũng được thông quan thủ công hoặc chuyển về kho bãi của doanh nghiệp làm.
Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai cơ chế một cửa quốc gia để từ khâu cấp phép ban đầu, đến chứng nhận xuất xứ phải được cấp phép ngay tại cửa khẩu thông qua thủ tục điện tử, chủ hàng sẽ không phải tiếp xúc trực tiếp với cơ quan hải quan. Làm tốt điều này, thời gian và chi phí đi lại sẽ được tiết kiệm rất lớn cho doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy xuất nhập khẩu.
Thứ hai, ngành hải quan Việt Nam đã kết nối với một số nước như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia… nhưng mới đang dừng lại ở mức độ kỹ thuật, chưa đi vào ứng dụng.
Thủ tướng chính phủ yêu cầu năm 2016 phải kết nối được với những nước này và đưa vào ứng dụng. Ví dụ, hàng qua Malaysia đã được kiểm tra thì về đến Việt Nam sẽ không phải kiểm tra lại, tương tự với xuất qua các nước thứ ba, thứ tư.
“Tổng cục Hải quan không thể một mình một làn trên con đường này. Tôi đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Giao thương vận tải cùng chung tay để đẩy nhanh quá trình, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp Việt Nam”, ông Thắng kêu gọi.
Ông Parachith Sayavong (giữa), Chủ tịch Hiệp hội giao nhận Lào - Ảnh: BizLIVE.
Chủ đề 2: Chiến lược phát triển Logistics của Việt Nam
Đại diện từ Lào, ông Parachith Sayavong, Chủ tịch Hiệp hội giao nhận Lào (LIFFA) chia sẻ những vấn đề liên quan đến logistics ở Lào, những gì Lào đã thực hiện để cải thiện phần nào các khó khăn, phục vụ nhu cầu phát triển sắp tới.
Ông cho biết Lào đang cố gắng mở một con đường vận chuyển liền hàng hóa ra biển một cách hiệu quả, đóng vai trò là con đường huyết mạch trong phát triển kinh tế.
“Tuy nhiên, xuất nhập khẩu ở Lào hầu hết qua cửa khẩu ở Thái Lan từ rất lâu, vì Lào là một quốc gia không có biển, hoạt động logistics chủ yếu là qua đường bộ. Việc xuất khẩu ra nước ngoài phải thông qua Thái Lan làm giá cả hàng hóa của Lào bị đẩy lên cao”, ông Parachith Sayavong thừa nhận.
Mặc dù đang cố gắng phát triển hạ tầng kiến trúc phục vụ logistics bằng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới, hiện Lào vẫn chưa áp dụng được các công nghệ tiên tiến nhất về logistics và Chính phủ đã nhận thấy đây là vấn đề lớn.
“Chính phủ đã tiếp cận vấn đề này và đang tiến hành thay đổi các thủ tục, quy chế xuất nhập khẩu theo hướng thuận lợi. Chúng tôi còn nhờ các công ty luật tư nhân đóng góp để cải thiện các văn bản xuất nhập khẩu”, ông Sayavong chia sẻ.
Ngành logistics ở Lào được chính phủ ủng hộ và nâng đỡ toàn diện về mặt chính sách. Chính phủ cũng cố gắng liên kết với các lãnh vực khác cùng logistics để cùng phát triển, đồng thời phối hợp với các công ty xuất nhập khẩu để hàng hóa thông quan dễ dàng.
“Lào mong muốn muốn nâng cao giá trị về dịch vụ logistics Lào, đạt được sự chuyên nghiệp trong xử lý thủ tục hành chính, tăng cường giao thương với các nước khác, tổ chức quốc tế, công ty nước ngoài, cùng các lĩnh vực công và tư trong nước để phát triển kinh tế”, ông Sayavong bày tỏ.
Tuy việc áp dụng công nghệ thông tin của Lào chưa bắt kịp các quốc gia lân cận nhưng Lào vẫn có 28 dự án logistics tương lại và hy vọng hợp tác đầu tư từ các nước ASEAN. Qua báo cáo, hội nghị thấy được tình hình kinh tế mậu dịch của Lào. Chính phủ cần nâng cấp đường xá để hàng hóa đến cảng nhanh, với chi phí thấp và tham gia hành lang kinh tế qua các nước ASEAN. Lào hy vọng sẽ sớm áp dụng thông quan một cửa, hải quan điện tử sớm nhất có thể để bắt kịp các quốc gia ASEAN khác.
Ông Nhean Sokol, Phó chủ tịch Hiệp hội Giao nhận Campuchia - Ảnh: BizLIVE.
Cung cấp thông tin về hệ thống cơ sở hạ tầng logistics của Campuchia, ông Nhean Sokol, Phó chủ tịch Hiệp hội Giao nhận Campuchia (CAMFA) trình chiếu tài liệu về hành lang kết nối của Campuchia với các nước trong khu vực.
Thứ nhất là hành lang Phnom Penh - Sihanoukville, nối cảng Sihanoukville với Quốc lộ 4 và đường sắt, đảm nhiệm tới 75% giao thương của Campuchia.
Thứ hai là hành lang Bangkok - Phnom Penh, nối các thành phố của Poipet và Koh Kong của Cambodia với Bangkok.
Thứ ba, trên hành lang Phnom Penh - TP.HCM, hầu hết các xe tải vận chuyển hàng hóa giữa thủ đô Campuchia với TP. HCM theo thỏa thuận mậu dịch biên giới giữa hai nước.
Hành lang thứ tư nối Phnom Penh với TP. HCM qua đường thủy nội địa, tận dụng các lợi thế của sông Mekong để kết nối Phnom Penh với cảng Cái Mép và cảng Sài Gòn.
 Bà Hla Hla Yee, Tổng thư ký thứ nhất, Hiệp hội Giao nhận Myanmar - Ảnh: BizLIVE.
Nhiều tiềm năng đầu tư vào cảng biển Myanmar
Bà Hla Hla Yee, Tổng thư ký thứ nhất, Hiệp hội Giao nhận Myanmar (MIFFA) cho biết, nền kinh tế của Myanmar chủ yếu phát triển về nông nghiệp, ngoài ra còn có vải vóc. Hiện Việt Nam chiếm 40% FDI đầu tư vào nước này. Riêng ngành vải sợi thì Thái Lan và Trung Quốc là hai nhà đầu tư lớn.
Hiện Myanmar có những kế hoạch cụ thể để phát triển nền kinh tế như làm sao để cải thiện xuất nhập khẩu qua cửa khẩu, các thủ tục được hiện đại hóa để đồng nhất với các quốc gia Asean.
“Myanmar phải nhập khẩu hầu hết nguyên liệu. Hiện chúng tôi đã giảm bớt các thủ tục xuất nhập khẩu, cố gắng có sự liên kết với các quốc gia trong khu vực”, bà Hla Hla Yee cho biết.
Theo bà, Myanmar đang có kế hoạch cải thiện những nguyên tắc, luật lệ trong việc vận tải hàng hóa trên bộ. Phát triển phương tiện, vật chất để tăng xuất khẩu với các quốc gia lân cận.
Bà Hla Hla Yee cho biết xây dựng cảng biển hiện là ưu tiên hàng đầu của Myanmar. Quốc gia này đang có 142 dự án logistics được triển khai, tới 50% số đó liên quan tới hải cảng.
“Hệ thống cảng biển của Myanmar chưa đủ mạnh để xuất cảng, đây là tiềm năng cho nhiều quốc gia muốn đầu tư vào logistics tại nước chúng tôi”, bà Hla Hla Yee chia sẻ.
Hiện Myanmar có 5 cửa khẩu, thời gian tới sẽ mở mạnh thêm một số cảng hàng không quốc tế, phát triển hệ thống lưới điện nhằm có sự đồng nhất với các quốc gia. Ngoài ra, Myanmar sẽ mở thêm một số khu công nghiệp, khu kinh tế, hệ thống logistics để tăng xuất nhập khẩu hàng hóa.
Chủ tịch Hiệp hội Giao nhận Thái Lan (TIFFA), ông Khun Somsak (bên phải)  - Ảnh: BizLIVE.
Chỉ gặp sự cố mới dùng giấy
Chủ tịch Hiệp hội Giao nhận Thái Lan (TIFFA), ông Somsak Wisetruangarote đã thông tin chi tiết về thủ tục hải quan điện tử được các nước ASEAN thông qua. Trong tháng 11, các thành viên đã ký kết bản thống nhất hệ thống hải quan giữa các nước ASEAN. Qua đó, các thủ tục hải quan sẽ dễ dàng hơn đối với hàng hóa vận chuyển qua các cửa khẩu nếu sử dụng công nghệ thông tin.
Cụ thể, hệ thống hải quan điện tử chỉ kiểm soát hoàng hóa, không bao gồm phương tiện vận chuyển. Thủ tục bằng giấy chỉ được sử dụng khi hệ thống gặp sự cố.
Nhân viên giao hàng khi rời cửa khẩu sẽ nhận được một văn bản duy nhất cùng một mã vạch. Nhân viên hải quan tại điểm đến scan mã vạch và báo tình trạng lại cho nước xuất xứ. Nếu có bất kỳ vấn đề gì, hải quan ở cả hai cửa khẩu đều được thông báo một cách nhanh chóng nhất. Điều này đảm bảo sự liên kết chặt chẽ giữa hải quan các nước thông qua một hệ thống hải quan điện tử hoàn chỉnh, ông Somsak miêu tả.
Tổng kết lại, ông Bùi Thiên Thu, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, cho biết để phát triển ngành logistics trong khu vực cần dựa trên 4 trụ cột chính. Trụ cột đầu tiên là hạ tầng, bao gồm cả phần cứng (gồm đường bộ, đường sắt và đường thủy),và phần mềm (kết nối ngành hải quan và xây dựng cách chính sách).
Trụ cột thứ hai là nhân sự, đây coi là một trong những thách thức lớn không chỉ của Việt Nam mà còn của các nước ASEAN khác.
Trụ cột tiếp theo là sự thống nhất trong hợp tác, hành động và chia sẻ kinh nghiệp giữa các nước trong khu vực.
Trụ cột cuối cùng là áp dụng cơ chế một cửa, trong đó đòi hỏi sự tích hợp giữa các cơ quan hải quan, nhân sự và hạ tầng.
Chủ đề 3: Vai trò & hoạt động của nhà cung cấp dịch vụ Logistics
Đến từ Thái Lan, ông Somsak Wisetruangarote, Trưởng Nhóm công tác tạo thuận lợi thương mại của AFFA, cho biết ông muốn nói về việc liên kết đối tác giữa các nhà cung cấp dịch vụ logistics tại ASEAN.
Vấn đề đầu tiên là làm sao tìm được đối tác tại ASEAN. Đây không phải là vấn đề dễ dàng, nhưng ông cho rằng cần sự dụng các kết nối từ mạng lưới có sẵn. Tổng thư ký ASEAN đã khuyến nghị AFFA xây dựng mạng lưới logistics (Logistics Network) trên sang web của AFFA và ASEAN.
Vấn đề thứ hai là đối tác tốt đến đâu. Các công ty tại ASEAN có tốc độ phản ứng chậm. Kết nối với các mạng lưới toàn cầu trên khắp thế giới có thể giúp quá trình quyết định nhanh hơn, tăng lợi nhuận, khiến khách hàng hài lòng.
Thứ ba là làm cách nào để xây dựng mạng lưới chuỗi cung ứng đối tác.
Ông Somsak Wisetruangarote liệt kê ra ba bước. Đầu tiên là Kết nối - đồng bộ các hệ thống rời rạc và đối tác thương mại. Hai là sự minh bạch - khả năng tiếp cận và hiểu thông tin trong hệ thống. Ba là tối ưu hóa - loại bỏ chi phí và tăng hiệu quả.
Viễn cảnh, sứ mệnh, chiến lược và kế hoạch hành động
“Từ khóa là ‘biết mình, biết khách hàng”, ông Somsak Wisetruangarote cho biết. Để duy trì sự bền vững của mô hình kinh doanh, các công ty cần xác định được cốt lõi kinh doanh và lợi thế cạnh tranh trong hiện tại và tương lai.
“Công ty của bạn phải cơ động, co giãn trước các thay đổi, cùng với yêu cầu của khách hàng và quá trình làm việc của đối tác thương mại”, ông nói.
Ví dụ trước đây, công ty của ông chuyển hàng trong hộp cứng tới các địa điểm nhận hàng. Công ty nhận được rất nhiều khiếu nại về việc khách mở kiện hàng và thấy hàng bị hư hại.
Ông tìm cách chiều lòng khách, và khởi động chiến dịch “Chụp Ảnh”, chụp lại ảnh khi cho hàng vào và lấy hàng ra, để làm bằng chứng chứng minh hàng hóa không bị làm hư hại bởi công ty ông và đối tác. Sau cùng, nhiều đối tác cũng “bắt chước” chiến dịch này.
“Cải tiến là một nhiệm vụ không dễ, nhưng lúc nào cũng có ‘đất dụng võ’”, ông Somsak Wisetruangarote nói.
Ông Somsak Wisetruangarote đánh giá, cộng đồng kinh tế ASEAN cuối năm sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nội địa theo hai cách:
A. Trở thành nhà thầu cho những doanh nghiệp đa quốc gia
B. Duy trì và tồn tại trong thị trường.
Để theo lựa chọn đầu tiên, công ty của bạn sẽ phải đảm bảo bạn không làm thuê cho các công ty “cá mập” đang nhòm ngó tài sản của bạn lớn trên. Bạn sẽ có ít tài sản, tồn tại nhưng phát triển chậm.
Để theo lựa chọn thứ hai, bạn cần phải cấn nhắc 10 nguyên tắc như sau:
1. Hệ thống lãnh đạo: Đánh giá lại hệ thống nhân sự và các khó khăn trong quản lý nhân viên
2. Xây dựng kỹ năng: Liên tục bổ sung vào công ty nguồn nhân lực với trình độ cao. Bạn phải định hướng cho họ doanh nghiệp của bạn trở nên giá trị.
3. Hội đoàn: Cac đối tác phải hợp tác với nhau để cùng tồn tại trong một lĩnh vực kinh doanh.
4. Hợp tác: Bạn phải tạo được nềm tin với chuỗi cung ứng và khác hàng để duy trì mối quan hệ lậu dài với các chủ thể này.
5. Truyền thông: Thông tin trong chuỗi cung ứng được truyền tải một cách chính xác
6. Sáng tạo: Tìm kiếm những cách làm khác biệt trong quy trình làm việc.
7. Liên tục cải thiện: Liên tục cải thiện các quy trình làm việc để đạt được mục tiêu cuối cùng là sự hài long của khách hàng.
8. Văn hóa công ty: Quản lý doanh nghiệp bằng cách tạo nên niềm tin yêu của nhân viên với công ty.
9. Quan hệ khách hàng: luôn cải thiên trải nghiệm của khách hàng để duy trì mối quan hệ lâu dài.
10. Quan hệ với nhà cung cấp: Bạn sẽ tồn tại nếu nhà cung cấp sẵn sàng hỗ trợ mỗi khi bạn cần.
Kết thúc chủ đề 3, ông Đỗ Xuân Quang nói dù ngành logistics trong khu vực sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng các doanh nghiệp logistics cần giữ tinh thần lạc quan và tăng cường kết nối. Như vậy, các nhà cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam, các nước khác và các khách hàng sẽ cùng thắng.
1.200 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics

Theo số liệu của Bộ Công thương, Việt Nam có hơn 1.200 doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ logistics, tập trung chủ yếu tại khu vực TP.HCM và Hà Nội. Trong đó, khoảng 900 doanh nghiệp là các đại lý vận tải nội địa với quy mô vừa và nhỏ, chiếm hơn 70%. 30% các doanh nghiệp logistics đa quốc gia còn lại đang chi phối tới 80% thị phần của ngành.

Cuộc cạnh tranh thêm phần khốc liệt khi Việt Nam ký nhiều hiệp định thương mại tự do vào cuối năm nay như cộng đồng kinh tế chung AEC, TPP, Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam…

Để xác định vị trí của ngành công nghiệp nước nhà trên bản đồ khu vực và hướng phát triển trong tương lai, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt nam (VLA) phối hợp với báo điện tử Diễn đàn đầu tư - BizLIVE đồng tổ chức “Hội nghị quốc tế logistics Việt Nam hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 (AEC)” tại TP.HCM vào ngày 27/11/2015.

Các chuyên gia trong lĩnh vực logistics của khối ASEAN sẽ trao đổi kinh nghiệm trong việc phát triển theo đặc thù riêng ở mỗi nước. Qua đó, Việt Nam có thể rút ra những bài học kinh nghiệm, tìm ra những phương thức hợp tác hữu hiệu để tăng cường nội lực trước làn sóng hội nhập.

Chủ đề thảo luận xoay quanh Chiến lược phát triển logistics Việt Nam; Kết nối thương mại logistics ASEAN và Doanh nghiệp Việt Nam tạo lợi thế cạnh tranh trên sân nhà.

Hội nghị có sự tham dự của nhiều lãnh đạo cấp cao và chuyên gia: Ông Trần Tuấn Anh - Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Nguyễn Nhật - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận Tải; ông Hoàng Việt Cường - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan; ông Trần Thanh Hải – Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu; ông Bùi Thiên Thu - Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam; ông Trần Hưng Hà - Phó cục trưởng Cục Đường bộ III, TS. Trần Du Lịch - Ủy viên Ban kinh tế Quốc hội; ông Đỗ Xuân Quang – Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam.

Về phía quốc tế có đại diện lãnh đạo của hiệp hội logistics các nước Singapore, Malaysia, Thái Lan, Cambodia, Lào, Myanmar, Philippines, Brunei, Indonesia. 

"Các doanh nghiệp đa quốc gia của nước nào thì thường chọn dùng dịch vụ từ các công ty logistics của chính nước họ, vì tinh thần dân tộc cũng như sự đồng nhất về văn hóa và phong cách làm việc. Việt Nam làm sao mà chen chân vào mối quan hệ này được? Vậy thì chi bằng mình làm việc với chính doanh nghiệp nội địa",
Ông Đỗ Xuân Quang – Chủ Tịch VLA gợi ý.
“Chính phủ cần đưa ra được một chiến lược chung để huy động các thành phần trong xã hội, bao gồm cả Chính phủ, doanh nghiệp và các thành phần khác để ngành logistics phát triển và đi lên đúng hướng. Sau đó, Chính phủ cần có các động thái cụ thể như cổ phần hóa doanh nghiệp, hỗ trợ đào tạo con người”, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết.
"Nhân sự của ngành logistics Việt Nam rất đông, tuy nhiên, trình độ của họ không đủ để làm chủ những công nghệ tự động như Singapore đang có. Trong khi đó, cắt giảm lao động để dồn vốn đầu tư cho quy trình tự động hóa là xu hướng trong ngành logistics", ông Thomas Sim, Phó Chủ tịch hiệp hội giao nhận Singapore (SLA) chỉ ra.
 "Trong tương lai, Campuchia và Việt Nam sẽ cùng hành động để tăng cường kết nối giao thương hàng hóa. Tuy hai nước đã ký Hiệp định thương mại biên giới, nhưng vẫn còn một số 'điểm nghẽn' trong thực hiện Hiệp định", ông Nhean Sokol, Phó Chủ tịch Hiệp hội giao nhận Campuchia (CAMFA) kỳ vọng.
 "Để gia tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp logistics Việt Nam hay Malaysia trước những công ty logistics đa quốc gia hàng trăm năm tuổi, 10 nước ASEAN phải chung tay xây dựng một hệ thống chính sách và thể chế đồng nhất, để Malaysia có thể mở văn phòng tại Việt Nam, Thái Lan, Indonesia... và ngược lại. Một ASEAN đoàn kết là một ASEAN vững mạnh", ông Alvin Chua, Chủ tịch Hiệp hội giao nhận Malaysia nhận định.

Theo BIZLIVE

TIN LIÊN QUAN
THÔNG TIN KHÁC
“Sẽ có làn sóng đầu tư nước ngoài đổ vào lĩnh vực logistics tại Việt Nam” (11/27/2015 2:49:48 PM)
Hải quan TP.HCM: Gần 19.000 container kiểm tra qua máy soi (11/27/2015 2:47:45 PM)
“Không ai hiểu thị trường logistics Việt Nam hơn doanh nghiệp nội” (11/27/2015 2:44:28 PM)
Phát triển logistics hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu (11/27/2015 2:42:50 PM)
Phát triển logistics hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu (11/26/2015 10:40:50 AM)
Logistics yếu “kìm chân” xuất khẩu (11/23/2015 10:54:08 AM)
Đau đầu tìm cách giải quyết hơn 5.400 container rác thải công nghiệp (11/23/2015 10:48:15 AM)
Sớm có sàn giao dịch vận tải để giảm chi phí logistics (11/20/2015 9:21:03 AM)
Giật mình với số liệu thống kê của ngành logistics Việt Nam (11/18/2015 9:33:29 AM)
Phát triển dịch vụ logistics: Tăng cường liên kết, nâng cao cạnh tranh (11/18/2015 9:32:04 AM)
BÌNH LUẬN

Bình luận của bạn

Nội dung:
Email / Tên / Điện thoại:
 

Bạn thấy giao diện mới của website như thế nào?
Rất đẹp
Đẹp
Bình thường
Không đẹp lắm

VẬN CHUYỂN CONTAINER QUỐC TẾ/NỘI ĐỊA UY TÍN, CHẤT LƯỢNG. HOTLINE: 0903 974 124
CÔNG TY TNHH CÁT TƯỜNG GIANG (CTG LOGISTICS & SHIPPING AGENCIES)

© 2005-2020 Bản quyền thuộc về Viện Logistics Việt Nam (VIL) - Liên hệ quảng cáo
Ghi rõ nguồn "VietnamShipper" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này

Tầng 25, Pearl Plaza - 561A Điện Biên Phủ, P.25, Q.Bình Thạnh, Tp.HCM - Tel: (+84-8) 3513 6399 - Fax: (+84-8) 3513 6359 - Email: admin@vietnamshipper.com