|
Bên cạnh việc thu gom, tự xử lí, Việt Nam đã bước đầu xuất khẩu chất thải nguy hại ra nước ngoài, góp phần giảm thiểu áp lực về xử lí chất thải ở trong nước.
Việc lợi dụng chính sách nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất để đưa chất thải vào nước ta đang khiến Việt Nam phải đối mặt với tình trạng tồn đọng hơn 5.400 container rác thải công nghiệp tại các cảng biển.
Chất thải nguy hại là sản phẩm phụ tất yếu của nền công nghiệp. Nếu không được quản lí chặt chẽ, loại chất thải này sẽ gây nguy hiểm cho sức khoẻ con người và môi trường. Cùng với quá trình phát triển công nghiệp nhanh chóng, dòng chảy chất thải nguy hại đang chuyển dần từ các nước phát triển về các nước nghèo. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên – Môi trường, tổng lượng chất thải nguy hại phát sinh trên toàn quốc hiện nay khoảng 800.000 tấn/năm.
Trong khi đó, khối lượng thu gom, xử lí trong năm 2014 chỉ đạt 320.275 tấn, đạt tỉ lệ khoảng 40%. Hiện nay có khoảng 5.411 container chất thải, phế liệu nhập khẩu còn tồn đọng ở các cảng biển, tập trung chủ yếu ở cảng Hải Phòng (4.818 container), TP Hồ Chí Minh (459), Bà Rịa – Vũng Tàu (83), Quảng Ninh (34), Đà Nẵng (6). Đây chủ yếu là hàng kinh doanh tạm nhập, tái xuất lốp cao su đã qua sử dụng (2.505 container) và các loại hàng tạp hoá, bách hoá khác.
Xuất khẩu chất thải nguy hại đang được Việt Nam bước đầu thực hiện. Các tổ chức, cá nhân muốn đăng kí xuất khẩu chất thải nguy hại có thể gửi hồ sơ về Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên – Môi trường) để đơn vị này xét duyệt. Từ năm 2010-2014, số lượng các công ty đăng kí xuất khẩu chất thải nguy hại ngày càng tăng lên, trong đó chiếm phần lớn là chất thải điện tử. Năm 2010 chỉ có 1 doanh nghiệp đăng kí xuất khẩu chất thải nguy hại với số lượng 200 tấn, tới năm 2014 đã có 5 doanh nghiệp đăng kí với khối lượng 3.530 tấn.
Trong quá trình thụ lí hồ sơ đăng kí xuất khẩu chất thải nguy hại, Bộ Tài nguyên – Môi trường phải liên hệ, trao đổi thông tin cho các nước nhập khẩu và quá cảnh theo đúng quy định của Công ước Basel. Công ước này được thông qua vào tháng 2-2004 với sự tham gia của 158 quốc gia, nhằm thiết lập quy trình thông báo cho các nước nhập khẩu những thành phần chất thải độc hại và rủi ro đi kèm.
Hoạt động nhập khẩu phế liệu để đưa chất thải nguy hại vào Việt Nam cũng được kiểm soát chặt hơn khiến số lượng doanh nghiệp và khối lượng phế liệu nhập khẩu ngày càng giảm. Trong năm 2011-2012, có khoảng 400 doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, chủ yếu là nhóm phế liệu sắt, thép (2,2-2,5 triệu tấn/năm), nhựa (800.000 tấn/năm), giấy (700.000 tấn/năm). Giai đoạn 2013-2015 chỉ còn khoảng hơn 200 doanh nghiệp, tập trung vào nhóm sắt, thép (2,5 triệu tấn/năm), giấy, nhựa (1,2-1,5 triệu tấn/năm), nhôm (886 triệu tấn/năm), đồng (22 triệu tấn/năm)...
Chất thải nguy hại được kiểm soát chặt chẽ ngay từ nguồn phát sinh thông qua công tác cấp sổ đăng kí chủ nguồn chất thải, chế độ báo cáo định kì 6 tháng/lần. Đối với hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lí chất thải nguy hại cũng được quản lí chặt thông qua việc cấp phép hành nghề quản lí chất thải nguy hại.
Theo CAND.
|