Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP): Trong 2 năm trở lại đây, trước sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường cá ngừ lớn và cạnh tranh giữa các thị trường ngày càng tăng, Trung Đông, đặc biệt là Ai Cập, trở thành điểm đến mới cho các nước xuất khẩu cá ngừ, đặc biệt là các nước Đông Nam Á.
Năm 2014, trong khi nhập khẩu cá ngừ của 20 thị trường lớn nhất thế giới hầu hết đều giảm, nhập khẩu cá ngừ của Ai Cập lại tang, đạt hơn 52.246 tấn, tương đương hơn 163 triệu USD (tăng 31% về khối lượng và 9% về giá trị so với cùng kỳ năm trước).
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), hiện Ai Cập đang nhập khẩu các sản phẩm cá ngừ từ 17 nước trên thế giới. Trong đó, đứng đầu là Thái Lan, Indonesia và Việt Nam. Ai Cập nhập khẩu chủ yếu các sản phẩm cá ngừ đóng hộp, chiếm hơn 99% tổng giá trị nhập khẩu cá ngừ của nước này.
Trong 5 năm trở lại đây, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Ai Cập tăng liên tục. Năm 2014, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này đạt gần 2,5 triệu USD, tăng gần 63% so với năm 2013.
Việt Nam cũng chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ đóng hộp sang đây. Tuy nhiên, do giá cá ngừ đóng hộp năm 2015 thấp hơn năm trước nên giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang đây trong 9 tháng đầu năm nay đang thấp hơn so với cùng kỳ.
Hiện các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam chủ yếu cạnh tranh với các sản phẩm đến từ Thái Lan và Indonesia. Năm 2014, xuất khẩu cá ngừ của Thái Lan, Indonesia và Việt Nam đều tăng, trong đó Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao nhất lên tới 136% so với năm 2013. Trong khi đó, Thái Lan và Indonesia chỉ tăng có 10% và 8%.
VASEP đánh giá: Nhìn chung, so với các thị trường lớn như EU, Mỹ và Nhật Bản, yêu cầu đối với các sản phẩm cá ngừ chế biến của Ai Cập không phức tạp.
Người tiêu dùng Ai Cập ưa chuộng sử dụng các sản phẩm đơn giản. Hơn nữa, với những bất lợi về thuế quan tại thị trường châu Âu, việc chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường mới như Ai Cập có thể xem là một hướng đi mới đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp.
Theo Báo Hải Quan