|
Cục Đường thủy nội địa VN chọn đổi mới ngay từ cung cách điều hành của bộ máy quản lý để nâng hiệu quả công việc và gần hơn với người dân, doanh nghiệp.
Không chấp nhận chậm tiến độ
Trong nhiều năm, Đường thủy luôn bị xếp cuối bảng so với các lĩnh vực khác trong ngành GTVT về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành. Việc này kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả, tiến độ và chất lượng công việc của từng bộ phận, đơn vị. Thậm chí, tạo sức ỳ trong bộ máy.
Trước thực tế trên, ngay từ đầu năm 2015, Cục Đường thủy nội địa VN quyết tâm ứng dụng công nghệ thông tin để “số hóa” điều hành, giải quyết công việc, nhằm tạo ra môi trường làm việc thông suốt. Chỉ trong một thời gian ngắn, Cục đã xây dựng được một “văn phòng online”, thông qua hệ thống mạng điện tử nội bộ, các công việc của phòng, ban đều được báo cáo, trao đổi trực tiếp qua hệ thống máy tính. Từng công việc cụ thể được giao cho các bộ phận đều có thời gian hoàn thành. Đến thời hạn cuối mà chưa có kết quả sẽ tự động cảnh báo để lãnh đạo Cục đôn đốc, nhắc nhở, phê bình. Việc đánh giá hoàn thành công việc cũng được “văn phòng online” tự động ghi nhận, tạo sự minh bạch, công bằng trong điều hành công việc.
"Nhằm nắm bắt thực tiễn tốt hơn, Cục Đường thủy nội địa VN đã tăng cường làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan, các địa phương và đề xuất mạnh mẽ các phương án tái cơ cấu toàn diện ngành Vận tải thủy nội địa, chỉ đạo triển khai quyết liệt các nhiệm vụ của ngành”.
Ông Hoàng Hồng Giang Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN |
Không chỉ các phòng, ban khối văn phòng, các đơn vị cảng vụ, chi cục đường thủy cũng báo cáo trực tuyến theo ngày về tình hình vận tải, ATGT, quản lý cảng bến.
Hiện đa số các cuộc họp đều được thực hiện trực tuyến qua mạng internet, mang lại nhiều tiện ích. Chia sẻ về điều này, ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết: “Việc đổi mới phương thức làm việc dưới dạng trực tuyến tạo ra sự năng động, ý thức trách nhiệm cho các cá nhân trong giải quyết công việc. Điều này cũng tạo điều kiện để cán bộ, công chức không nhất thiết phải có mặt ở văn phòng mới giải quyết được công việc mà có thể làm việc ở mọi nơi, mọi lúc”.
Một trong những kết quả mà cơ chế “văn phòng online” tạo được là trong 11 tháng đầu năm 2015, khối lượng đồ sộ các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đề án, quy hoạch đã được Cục Đường thủy nội địa VN hoàn thành đúng tiến độ, không còn tình trạng “nợ” như những năm trước đây. Trong đó, một số văn bản quan trọng do Cục chuẩn bị đã được trình ban hành, như Quyết định số 47 của Thủ tướng Chính phủ “về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển GTVT đường thủy nội địa” có ý nghĩa quan trọng với định hướng phát triển bền vững của ngành Đường thủy.
Đồng hành với doanh nghiệp, địa phương
Ông Đoàn Thanh Vũ, Giám đốc Công ty CP Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 12 cho biết, đã nhiều năm làm việc trong lĩnh vực đường thủy nên cảm nhận rất rõ sự đổi mới hiện nay trong quản lý, điều hành của Cục Đường thủy nội địa VN, trong đó có việc sát sao, chặt chẽ hơn quản lý hạ tầng và cảng, bến thủy. Hệ thống kết cấu hạ tầng đường thủy được cập nhật dữ liệu “số hóa” và các công việc liên quan đến các đơn vị đều được giải quyết kịp thời, chặt chẽ.
Về phía doanh nghiệp vận tải, ông Bùi Văn Tài, Chủ tịch HTX vận tải Chiến Thắng cho biết, thời gian qua ngành Đường thủy nội địa VN tích cực lắng nghe, phối hợp với địa phương giải quyết kịp thời một số khó khăn, vướng mắc của đơn vị vận tải và khá hài lòng với cung cách quản lý hiện nay.
Từ thực tế hoạt động tiếp xúc doanh nghiệp, địa phương của lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa VN trong 11 tháng năm 2015 phần nào cho thấy sự đổi mới của ngành trong tư duy quản lý, tìm hướng phát triển. Trong năm, Cục tổ chức hơn 100 cuộc họp, hội nghị, chuyến công tác, kiểm tra thực tế, trong đó có 2 hội nghị với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vận tải, cảng bến thủy để tiếp cận, đối thoại và nắm bắt, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.
Năm 2015 cũng là lần đầu tiên Cục Đường thủy nội địa VN lập đường dây nóng để tiếp nhận ý kiến phản ánh doanh nghiệp, người dân và đã ban hành hơn 50 văn bản chỉ đạo, điều hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cùng đó, Cục trưởng và các Cục phó trực tiếp đi cùng doanh nghiệp để nắm bắt thực tế, cùng doanh nghiệp bàn bạc mở các tuyến mới như vận tải container Việt Trì - Hải Phòng, phát triển vận tải container Đồng bằng sông Cửu Long, đẩy nhanh thời gian vận tải qua biên giới với Campuchia.
Theo báo Giao thông.
|