Doanh nghiệp còn mơ hồ về AEC
Sau hơn một tuần kể từ thời điểm chính phủ 10 nước ASEAN ký Tuyên bố thành lập AEC, người viết đã có một khảo sát nhỏ với bảy doanh nghiệp logistics. Chỉ có hai doanh nghiệp trả lời là đã có sự chuẩn bị tham gia AEC, năm doanh nghiệp còn lại cho biết chưa chuẩn bị gì.
Ông Lê Duy Hiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), cũng thừa nhận một thực tế là hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp còn mơ hồ, chưa biết AEC sẽ tác động thế nào đến doanh nghiệp nên thiếu sự chuẩn bị. Tại đại hội nhiệm kỳ VII của hiệp hội này mới đây, ông Hiệp nói với các doanh nghiệp rằng những đồng nghiệp Thái Lan đã có sự chuẩn bị rất kỹ cho AEC, họ đã sang Việt Nam tìm hiểu thị trường logistics trong nước, trong khi doanh nghiệp trong nước vẫn còn chậm, thậm chí còn chưa chuẩn bị gì.
Hôm 27-11 vừa qua, một hội nghị với chủ đề Việt Nam hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 đã được tổ chức nhằm tìm hướng đi cho doanh nghiệp logistics trong nước khi tham gia AEC. Các cơ quan quản lý nhà nước thì cho rằng Việt Nam là nước có phản ứng nhanh nhất trong 10 nước ngay sau khi AEC được ký kết giữa các chính phủ, nhưng thực tế cho thấy nếu không nhanh chóng phổ biến những tác động của AEC và có hướng đi phù hợp, doanh nghiệp logistics Việt Nam có thể sẽ trở thành “khán giả” trong cuộc chơi này.
Giảm chi phí logistics bằng cách nào?
Trong tình hình nhiều doanh nghiệp vẫn “thờ ơ” với AEC, ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch VLA, đã đưa ra cảnh báo rằng cuộc cạnh tranh sắp tới sẽ rất khốc liệt khi ASEAN thành một khu vực tự do di chuyển hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động có tay nghề.... Và không chỉ với AEC, Việt Nam còn tham gia nhiều hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam…
Việc nhanh chóng tìm hướng đi cho ngành logistics Việt Nam đã trở thành nhiệm vụ cấp bách của hiệp hội.
Người đứng đầu VLA cho rằng để cạnh tranh được với doanh nghiệp các nước trong khu vực, ngoài những vấn đề cần đổi mới về công nghệ, nhân sự, quản trị..., điều quan trọng nhất mà các doanh nghiệp logistics Việt Nam phải làm lúc này là giảm chi phí logistics từ mức 21% về còn 15% trong tổng chi phí chuỗi cung ứng để tiệm cận với chi phí của các nước như Singapore và Malaysia.
Để giảm chi phí logistics, ông Thomas Sim, Phó chủ tịch Hiệp hội Giao nhận Singapore (SLA), gợi ý các doanh nghiệp Việt Nam nên cắt giảm bớt lao động, dồn vốn đầu tư cho quy trình tự động hóa vì đây là xu hướng của ngành logistics. Đây cũng là giải pháp mà các doanh nghiệp Singapore đã áp dụng để giảm chi phí nhân công.
Còn theo ông Bùi Thiên Thu, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, để có thể giảm chi phí logistics, các vấn đề chính như hạ tầng kết nối, nhân sự và cơ chế một cửa cần phải đồng bộ. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, chỉ doanh nghiệp thay đổi là chưa đủ mà cần có cả sự thay đổi từ phía các cơ quan quản lý nhà nước.
Trước khi đại hội nhiệm kỳ VII của VLA diễn ra đã có khá nhiều ý kiến của doanh nghiệp gửi đến hiệp hội để thông qua hiệp hội đề nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp logistics trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh khi tham gia AEC. Trong đó, hai vấn đề mà doanh nghiệp kiến nghị nhiều nhất là chi phí vận tải và thủ tục hành chính. Vấn đề đau đầu của các doanh nghiệp logistics hiện nay là các phụ phí vận tải ở mức quá cao, đặc biệt, các trạm thu phí cầu đường BOT mọc lên quá nhiều, có nơi bất hợp lý về khoảng cách, mức phí cao làm tăng chi phí vận tải của doanh nghiệp.
Về thủ tục hành chính, các doanh nghiệp vẫn phàn nàn còn nhiều thủ tục chồng chéo, thiếu cụ thể nên doanh nghiệp thường bị cán bộ làm thủ tục nhũng nhiễu. Doanh nghiệp đề nghị giảm các thủ tục hành chính, bên cạnh đó, cần gấp rút có các quy định hỗ trợ doanh nghiệp nội địa khi thị trường logistics mở rộng cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn.