Đây được coi là một giải pháp mang tính quyết định đối với sự phát triển của lĩnh vực vận tải biển Việt Nam trong quá trình hội nhập.
Ngành vận tải biển Việt Nam đang từng bước nỗ lực tái cơ cấu để nâng cao khả năng cạnh tranh, hội nhập quốc tế. Năm 2015, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu phát triển vận tải biển đến năm 2020 (Quyết định 1481/2015/QĐ-BGTVT).
Đề án đặt ra một số mục tiêu cơ bản: Đến năm 2020, tăng thị phần vận tải hàng hóa đường biển chiếm tỷ trọng khoảng 21-25% trong tổng sản lượng vận tải toàn ngành; nâng cao thị phần vận chuyển xuất nhập khẩu lên 25-30% (hiện chỉ chiếm 12%); phát triển vận tải biển bảo đảm khả năng hỗ trợ cho vận tải đường bộ, đường sắt, đường không; nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách, phấn đấu đến năm 2020 giảm khoảng 15-20% chi phí hiện tại; phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, logistics và đội tàu biển theo hướng hiện đại, hiệu quả, chú trọng đầu tư các loại tàu chuyên dụng trọng tải lớn; khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển đội tàu biển...
Đã có nhiều nhóm giải pháp được đưa ra để hiện thực hóa mục tiêu tái cơ cấu lĩnh vực vận tải biển, bao gồm: Đổi mới chính sách, đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường kết nối, nâng cao hiệu quả và phát triển hài hòa các phương thức vận tải...; quản lý khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển; tái cơ cấu, nâng cao năng lực ngành công nghiệp tàu thủy; thu hút đầu tư; cổ phần hóa doanh nghiệp; giảm chi phí, bảo đảm an toàn an ninh hàng hải và môi trường; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ và hợp tác quốc tế; đào tạo, thu hút và phát triển nguồn nhân lực... Trong các giải pháp tổng thể được đưa ra, ông Bùi Thiên Thu - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam- cho rằng, để phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh vận tải biển, điều quan trọng có tính mấu chốt là hiện đại hóa đội tàu.
Muốn hiện đại hóa đội tàu, không thể chỉ trông chờ vào nguồn vốn ngân sách nhà nước, mà cần có cơ chế, chính sách thích hợp thu hút mạnh đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn, có thể cho nhà đầu tư nước ngoài góp vốn với tỷ lệ đến 49%, qua đó tận dụng chuyển giao công nghệ, thương hiệu, tiếp thu trình độ quản lý tiên tiến để từng bước nâng cao năng lực vận tải biển Việt Nam.
Đối với doanh nghiệp vận tải biển, phải xác định rõ mục tiêu quy hoạch để hiện đại hóa, cơ cấu lại đội tàu cho phù hợp với xu hướng phát triển, đáp ứng được nhu cầu của thị trường; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu để chủ động tìm hợp đồng vận chuyển hàng hóa, từng bước tạo lập hệ thống dịch vụ logistics khép kín, chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu, rộng, doanh nghiệp cần nỗ lực tìm hiểu, nắm bắt luật pháp quốc tế cũng như các thông lệ kinh doanh vận tải biển để có biện pháp cạnh tranh phù hợp, hiệu quả.
Các tuyến vận tải biển xa là mảng thị phần hấp dẫn về doanh thu và lợi nhuận. Tuy nhiên, phân khúc này cạnh tranh rất mạnh. Do đó, các chuyên gia cho rằng, ngành vận tải biển cần nâng cấp, hiện đại hóa nhóm tàu trọng tải lớn, tàu container, cơ cấu lại nhóm tàu này có trọng tâm, trọng điểm nhằm duy trì thị phần hiện có; từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư mới tàu hiện đại để tạo nền tảng phát triển mạnh và cạnh tranh khai thác cơ hội trong giai đoạn tiếp theo.
Theo tính toán của Cục Hàng hải Việt Nam, từ nay đến năm 2020, cần đầu tư ít nhất khoảng 2 tỷ USD mới có thể nâng cao được thị phần vận tải xuất nhập khẩu của đội tàu biển Việt Nam.
Theo Báo Công Thương Điện Tử