Từ đầu năm 2016 đến nay, giá xăng, dầu tiếp tục biến động giảm: xăng RON 92 được điều chỉnh giảm 4 lần, tổng mức giảm 2.650 đồng/lít (tỷ lệ giảm khoảng 16%); dầu diesel 0,05S được điều chỉnh giảm 3 lần, tổng mức giảm 2.400 đồng/lít (tỷ lệ giảm khoảng 20%). Nhằm tăng cường quản lý giá cước theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và bình ổn giá cả thị trường, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các sở GTVT chủ trì, phối hợp với sở tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục tăng cường quản lý giá cước vận tải.
Sau khi có văn bản chỉ đạo của Bộ Tài chính, Sở Tài chính đã có công văn đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục xem xét lại cơ cấu giá thành, cũng như sự tác động giảm giá xăng, dầu trong các lần điều chỉnh giá xăng, dầu gần nhất đến giá cước vận tải so với lần đăng ký liền kề để điều chỉnh kê khai lại phù hợp. Theo đó, các doanh nghiệp vận tải phải nộp bản kê khai lại muộn nhất vào ngày 23-2. Đầu tuần tới, Sở Tài chính sẽ tổng hợp danh sách để tổ chức các đoàn thanh tra các doanh nghiệp không giảm giá cước vận tải.
Theo tính toán, các xe chạy dầu tuyến cố định phải giảm giá cước 4,8% sau các đợt giảm gần đây, còn xe sử dụng nhiên liệu xăng tính cả mức giảm giá ngày 18-2, giá cước phải giảm khoảng 4,2%.
Theo Hiệp hội Taxi TP.HCM, trước tết Nguyên đánh Bính Thân, các doanh nghiệp taxi đã đồng loạt giảm giá cước, với mức giảm thấp nhất là 500 đồng/km. Đợt xăng giảm 730 đồng mỗi lít đầu tháng 2 rơi vào sát Tết nên không doanh nghiệp nào kịp điều chỉnh. Nếu cộng với đợt giảm giá xăng ngày 18-2, tổng cộng mỗi lít xăng đã giảm hơn 1.600 đồng - mức thấp nhất trong 7 năm qua. Việc tính toán giảm giá cước taxi như thế nào sẽ tùy thuộc vào từng doanh nghiệp, bởi mỗi đơn vị sẽ đặc thù riêng. Song chuyện giảm giá cước là không thể không làm.
Theo Sở Tài chính TP.HCM, sau đợt giảm giá xăng vào ngày 3-2-2016, tính đến ngày 18-2, trên địa bàn TPHCM đã có 16 đơn vị vận tải hành khách tuyến cố định trên tổng 49 doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý đã kê khai với mức giảm trung bình 3-5%, có trường hợp cá biệt giảm đến 7,14%. Có 9-14 hãng taxi đã nộp bản kê khai lại giá cước, nhưng chỉ có 3 hãng giảm với mức giảm 1,16-2,4% và có 6 hãng giữ nguyên. Như vậy về cơ bản, các đơn vị kinh doanh vận tải đã kê khai giảm giá cước góp phần bình ổn giá thị trường và hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Chỉ tính riêng diễn biến giá xăng, dầu giai đoạn từ ngày 18-12-2015 đến ngày 4-1-2016 có 2 đợt giảm giá xăng, dầu, cụ thể: giá xăng giảm 760 đ/lít (chiếm tỷ lệ 7,5%) sẽ tác động giảm giá cước taxi tương ứng là 2,25%; giá dầu giảm 2.120 đ/lít, chiếm tỷ lệ 16,5% nên các mặt hàng có đầu vào là dầu chiếm tỷ trọng (35%-45%) sẽ tác động giảm giá cước tuyến cố định tương ứng là 5,8%-7,4%.
Trong đợc giảm giá xăng trước ngày 8-1-2016, có 49 đơn vị vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định thực hiện kê khai giá. 100% đơn vị đã thực hiện kê khai giá đợt 1 và 26/49 đơn vị đã thực hiện kê khai giá đợt 2 với tổng mức giảm phổ biến 2 đợt là 3%-7,9%.
Đối với vận tải hành khách bằng xe taxi, theo Quyết định số 43/QĐ-UBND ngày 9-1-2015, có 20 đơn vị thực hiện kê khai giá đối với vận tải hành khách bằng xe taxi, trong đó có 6 đơn vị ngừng hoạt động. Như vậy, đến thời điểm trên có 14 đơn vị thực hiện kê khai giá đối với vận tải hành khách bằng xe taxi. Trong đó có 8/14 đơn vị đã thực hiện kê khai giá với mức giảm phổ biến từ 300 đ/km – 500 đ/km (tương đương mức giám từ 2,2% - 6%).
Theo báo Hải Quan.