Sở hữu một bờ biển dài và rất nhiều cảng biển, Việt Nam có không ít lợi thế khi phát triển ngành đóng tàu cũng như vận tải biển. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này dường như vẫn chưa tận dụng hết các lợi thế và đang phải đối mặt với không ít khó khăn.
Chính vì vậy, triển lãm chuyên ngành tổ chức 2 năm một lần Vietship 2016 được kỳ vọng cầu nối giúp DN đóng tàu trong nước gỡ khó. Sự kiện này diễn ra từ ngày 24.2 đến ngày 26.2 tại TT Hội nghị Quốc gia Hà Nội.
So với kỳ trước, triển lãm năm nay có quy mô lớn hơn khá nhiều khi quy tụ 130 đơn vị tham gia với 220 gian hàng trưng bày các sản phẩm thuộc các lĩnh vực như công nghệ đóng tàu và sửa chữa tàu thủy, thiết bị và vật liệu dùng cho đóng tàu, trang thiết bị trong nhà máy đóng tàu, phương tiện ngoài khơi, công trình biển, phương tiện và các dịch vụ vận tải hàng hải…
Số lượng nhà máy đóng tàu bên quân đội tham gia giảm so với 2014 trong khi số lượng DN nước ngoài và tư nhân tăng lên. Trong số 130 công ty tham gia có 52 công ty Việt Nam và 78 công ty nước ngoài đến từ 15 quốc gia trên thế giới có nền công nghiệp đóng tàu phát triển như Đức, Hà Lan, Mỹ, Pháp, Anh, Phần Lan, Đan Mạch, Nauy, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc... Dù có lượng gian hàng đông hơn nhưng triển lãm vẫn thiếu vắng đại diện một số ngành phụ trợ như ngân hàng.
Phát biểu trong buổi khai mạc, đại diện ban tổ chức nhận định Vietship 2016 được tổ chức trong bối cảnh ngành đóng tàu và hàng hải thế giới đã có những dấu hiệu khởi sắc, hồi phục sau thời gian dài chịu sự tác động mạnh mẽ của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Vì thế, Ban tổ chức hy vọng Vietship 2016 sẽ góp phần giúp cho các nhà hoạch định chiến lược tìm thấy câu trả lời cho bài toán phát triển sắp tới.
Trong khuôn khổ triển lãm Vietship 2016, hội thảo xác định thị trường tiềm năng cho các nhà máy đóng tàu, diễn đàn người mua được tổ chức để tạo diễn đàn trao đổi giữa các DN, nhà máy đóng tàu trong và ngoài nước cùng các cơ quan chức năng.
Theo báo Lao Động.