Không phải lần đầu
Nhằm bảo vệ cảnh quan, môi trường vịnh Hạ Long, ngày 19.10.2012, UBND tỉnh Quảng Ninh có Quyết định số 2657, yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động bốc xếp, chuyển tải clinker, xi măng và các loại hàng rời, như dăm gỗ… trên vịnh trước ngày 31.12.2012. Việc chuyển tải, bốc xếp các mặt hàng trên phải chuyển ra Hòn Nét, TP.Cẩm Phả.
Tuy nhiên, những ngày đầu năm mới, một số tàu vẫn tiếp tục sang tải, bốc dỡ clinker, xi măng tại khu vực Hòn Dứa…, gần khu vực đảo Ti-tốp. Những chiếc gầu khổng lồ cấp tập xúc từng gầu clinker, xi măng xuống hàng chục sà lan vây xung quanh, khiến bụi bay mịt mù trước mặt các du khách đang du ngoạn trên biển. Thỉnh thoảng lại có nhân viên trên tàu ném cả đống rác xuống vịnh.
Theo lệnh của UBND tỉnh Quảng Ninh, các cơ quan chức năng phối hợp kiểm tra ngay sau sự việc được báo chí phát hiện. Nhưng, thường là vậy: sau khi báo chí nêu, nếu có kiểm tra thì hiệu quả gần như bằng không. Thậm chí, có người còn nghi ngờ các phóng viên dùng lại ảnh vụ sang tải clinker, xi măng gây bụi giữa vịnh Hạ Long vào năm 2012.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Công Thái – Phó trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long – kiểm tra 6 tàu thì có 1 tàu chở hàng rời, nhưng chưa bốc xếp, sang tải được vì trời…mưa, nên không xử lý được.
Cũng theo ông Thái, năm 2015, các cơ quan chức năng đã xử lý khoảng 400 vụ tàu thuyền vi phạm các quy định hoạt động trên vịnh, trong đó có cả việc bốc xếp, sang tải hàng rời có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Điều đó cho thấy, vụ việc báo chí phát hiện không phải là duy nhất, trong khi trên vịnh đã bố trí đủ lực lượng của một loạt các cơ quan, ban ngành.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số tàu hoạt động trái phép trở lại tại vịnh Hạ Long, nhằm giảm thiểu tối đa chi phí vận tải khi phải ra Hòn Nét.
Bảo vệ vịnh Hạ Long là số 1
Một số ý kiến cho rằng, ngoài việc kiên quyết xử lý các tàu sang tải, bốc dỡ hàng rời trên vịnh Hạ Long, thì cần có lộ trình đưa việc bốc dỡ, chuyển tải các loại hàng khác ra khỏi vùng lõi di sản. “Chưa nói về an toàn giao thông, nhưng việc các tàu bốc dỡ hàng hóa nhộn nhịp trên biển ít nhiều gây ô nhiễm và làm xấu cảnh quan vịnh Hạ Long trong mắt du khách” – một chủ tàu du lịch cho biết.
Theo ông Hoàng Xuân Tùng – Trưởng phòng Pháp chế, Cảng vụ Quảng Ninh – hiện trên vịnh Hạ Long có 15 điểm cho các tàu sang tải, bốc dỡ hàng hóa. Số lượng các chuyến tàu vào chuyển tải tại các điểm này qua các năm cụ thể như sau: 123 chuyến năm 2013, 185 chuyến năm 2014 và 175 chuyến năm 2015. Ngoài ra, mỗi tháng còn có khoảng 10 tàu của Hải Phòng được Bộ GTVT cho phép bốc dỡ hàng hóa tại các điểm trên cho đến khi cảng nước sâu Lạch Huyện khánh thành dự kiến vào năm 2017.
Tuy nhiên, mỗi tàu vào thường kèm theo hàng chục sà lan vây xung quanh để nhận hoặc trả hàng; chưa kể hơn 500 tàu du lịch hoạt động cùng với lượng tàu tấp nập ra-vào cảng Cái Lân với gần 500 chuyến năm 2015, khiến vịnh Hạ Long đang chịu sức ép rất lớn về môi trường và giao thông.
Cũng theo ông Tùng, nếu cấm bốc dỡ tất cả các loại mặt hàng trên vịnh thì cũng không biết chuyển đi đâu vì hệ thống cảng Cái Lân đang quá tải, nhiều tàu phải đợi hàng tuần mới có thể cập cảng.
Ông Bùi Quang Đạo – Tổng giám đốc Cty CP cảng Quảng Ninh – thừa nhận, hệ thống cảng Cái Lân luôn hoạt động hết công suất từ nhiều năm nay, khiến các chủ tàu muốn vào cũng không thể.
“Tuy nhiên, hiện, Cái Lân còn 2 điểm quy hoạch để xây dựng cảng. Phía trong gần khu các nhà máy đóng tàu cũng có một điểm nữa” – ông Đạo cho biết.
Theo ông Nguyễn Công Thái, Ban quản lý vịnh Hạ Long đã tham mưu cho UBND TP.Hạ Long làm việc với Cảng vụ Quảng Ninh và sắp tới với Bộ GTVT, trước mắt xem xét dừng bốc dỡ đối với tất cả các loại hàng hóa tại khu vực Hòn Dứa.
Video clip: Việc sang tải hàng hóa trong vùng lõi vịnh Hạ Long vừa gây ô nhiễm môi trường, cảnh quan, vừa không an toàn với giao thông hàng hải
|
Nhân viên vô tư xả rác thẳng xuống vịnh. |
|
Việc sang tải hàng hóa trong vùng lõi di sản có thể gây ô nhiễm môi trường, cảnh quan và không đảm bảo an toàn giao thông đường thủy. |