Chỉ có sáu cơ sở đủ điều kiện được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cấp phép phá dỡ tàu cũ, theo quy hoạch chi tiết mới được công bố.
Khi có các cơ sở phá dỡ tàu cũ, các con tàu cũ sẽ không còn neo đậu ở các vùng biển gây ảnh hưởng đến an toàn hàng hải - Ảnh: TL.
Theo Quyết định số 4711 mới được Bộ GTVT phê duyệt, trong số sáu cơ sở được cấp phép phá dỡ tàu biển có bốn cơ sở ở phía Bắc và hai cơ sở ở miền Trung.
Ở phía Bắc có cơ sở phá dỡ tàu Bến Rừng (Hải Phòng), quy hoạch phá dỡ tàu đến 100.000 tấn; công suất phá dỡ đạt 111.600 LDT/năm, tương đương 600.000 tấn/năm. (LDT - light displacement tonnage - là đơn vị tính trọng lượng dùng trong phá dỡ tàu biển, tính theo tấn, trọng lượng bản thân con tàu, không bao gồm hàng hóa, nhiên liệu v.v...)
Cơ sở thứ 2 là An Hồng nằm trong khu công nghiệp tàu thủy An Hồng huyện An Dương, Hải Phòng được quy hoạch phá dỡ cỡ tàu đến 30.000 tấn. Công suất phá dỡ tàu đạt 3.720 LDT/năm, tương đương 20.000 tấn/năm.
Cơ sở thứ 3 là Phương Nam, nằm trong khu công nghiệp Phương Nam, thành phố Uông Bí, Quảng Ninh, quy hoạch phá dỡ với cỡ tàu đến 40.000 tấn. Công suất phá dỡ đạt 27.900 LDT/năm, tương đương 150.000 tấn/năm.
Cơ sở thứ tư là Tiền Phong, nằm trong khu công nghiệp Tiền Phong thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh, quy hoạch phá dỡ cỡ tàu đến 300.000 tấn. Công suất phá dỡ đạt 65.100 LDT/năm, tương đương 350.000 tấn/năm.
Tại miền Trung có hai cơ sở gồm, Bến Thủy, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, quy hoạch phá dỡ cỡ tàu đến 10.000 tấn. Công suất phá dỡ đạt 7.440 LDT/năm, tương đương 40.000 tấn/năm.
Địa điểm thứ 2 là Dung Quất, nằm trong khu kinh tế Dung Quất, quy hoạch phá dỡ cỡ tàu đến 300.000 tấn. Công suất phá dỡ tàu đạt 65.100 LDT/năm, tương đương 350.000 tấn/năm.
Về tiến độ thực hiện, giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2017, thực hiện thí điểm tại các cơ sở Bến Rừng, An Hồng, Phương Nam và Bến Thủy.
Giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2020, dựa trên kết quả hoạt động của các cơ sở đã thực hiện trước đó để đầu tư mở rộng; các cơ sở khác hoạt động với quy mô công suất theo quy hoạch; đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành về bảo vệ môi trường.
Còn giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030, sẽ hình thành thêm một số cơ sở phá dỡ tàu tập trung. Cụ thể, hai cơ sở tại hạ lưu sông Văn Úc nằm trong cụm công nghiệp Tân Trào (Kiến Thụy) và cụm công nghiệp Quang Phục (Tiên Lãng) phù hợp với định hướng quy hoạch của thành phố Hải Phòng; hai cơ sở phá dỡ tàu trên sông Ninh Cơ tại khu công nghiệp tàu thủy Xuân Trường và khu kinh tế Ninh Cơ, tỉnh Nam Định; một cơ sở phá dỡ tàu nằm trong khu kinh tế Chu Lai (Kỳ Hà - Quảng Nam).
Ngoài ra, sẽ nghiên cứu phát triển tiềm năng cơ sở phá dỡ tàu tại khu công nghiệp Cái Lân nếu đáp ứng được tiêu chí về bảo vệ môi trường của khu vực di sản thiên nhiên thế giới.
Mục tiêu của quy hoạch từ nay đến năm 2020 là các cơ sở phá dỡ tàu cũ có khả năng phá dỡ được tất cả các loại tàu thông dụng có trọng tải đến 100.000 tấn; đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ môi trường.
Tổng năng lực phá dỡ toàn ngành đạt 280.860 LDT (tương ứng 1,5 triệu tấn/năm) với lượng thép phế liệu thu hồi sau phá dỡ đạt 238.731 tấn/năm, đáp ứng 8% nhu cầu thép phế nhập khẩu phục vụ ngành thép trong nước.
Giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030, hình thành trung tâm phá dỡ tàu tập trung tại hai khu vực miền Bắc và miền Trung với công nghệ tiên tiến đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững với công suất phá dỡ toàn ngành dự kiến đạt 556.140 LDT (tương ứng 3,0 triệu tấn/năm) với lượng thép phế liệu thu hồi 472.719 tấn/năm, đáp ứng 15,8% nhu cầu lượng thép phế liệu nhập khẩu phục vụ ngành thép trong nước.
Theo Saigon Times