Home Page About us Transport Yellow Pages Forum VIL
Tracuu
Su Kien



Username
Password
 
Đăng ký mới


Phòng kinh doanh:
028
3513 6399
 

Đăng nhập

     

Lập lại trật tự thu phí cảng biển

3/22/2016 11:21:39 AM

Mấy năm gần đây, doanh nghiệp xuất, nhập khẩu phải gánh chịu tới 68 loại phụ phí vận tải biển do các công ty là đại diện, đại lý độc quyền ở Việt Nam của các hãng tàu nước ngoài thu. Pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể khoản phụ phí nào là cước vận tải, khoản nào mới là phụ phí. Doanh nghiệp kêu trời, còn Nhà nước thất thu thuế nghiêm trọng.

Nhập nhằng cước và phí

Đã hơn một năm trôi qua kể từ ngày Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và các đơn vị liên quan tìm mọi cách lập lại trật tự về cước vận tải biển, phụ phí theo giá cước vận tải biển. Doanh nghiệp, nhà quản lý đề nghị các hãng tàu giảm phụ phí nhiều lần nhưng không được.

Vài năm trở lại đây, ngành vận tải biển quốc tế đang có sự thay đổi kết cấu các khoản thu theo hướng giảm tối đa mức cước vận tải và thay vào đó là các khoản phụ cước, phụ phí đi kèm. Nhiều hãng tàu có tổng số thu từ các khoản phụ phí này cao hơn so với cước vận tải. Thậm chí có hãng tàu hầu như không thu cước vận tải mà chỉ tập trung vào phụ phí.

Nhưng hiện nay, quy định của pháp luật Việt Nam về cước vận tải và phụ phí không rõ ràng.

Trong khi đó, luật thuế nước ta lại quy định mức thuế suất thuế nhà thầu đối với vận tải biển là 0% thuế giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập doanh nghiệp (trên doanh thu), còn đối với dịch vụ khác là 10% thuế giá trị gia tăng và 5% thuế thu nhập doanh nghiệp (trên doanh thu). Điều đó có nghĩa nếu kê khai phụ phí là cước vận tải biển thì có thể né thuế. Còn kê khai đúng là dịch vụ khác thì phải đóng thuế cao hơn.

Việc xác định 68 loại phụ phí đang bị các hãng tàu thu là cước vận tải hay không phải cước vận tải sẽ xác định chính xác nghĩa vụ thuế nhà thầu của các hãng vận tải biển, là điều mà các cơ quan quản lý nhắm đến.

Thực tế nhiều năm nay, Nhà nước không thu được thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp của hàng chục loại phụ phí nêu trên. Kết quả kiểm tra tình hình kê khai thuế nhà thầu đối với các doanh nghiệp đại lý mà Bộ Tài chính thực hiện hồi tháng 10-2015 cho thấy, việc kê khai rất khác nhau. Có 15/18 công ty khai thuế nhà thầu thay cho nhà thầu nước ngoài với thuế suất thuế giá trị gia tăng là 0% và tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu là 2% vì cho rằng các khoản phụ phí này nằm trong cước vận tải biển. Thậm chí có ba công ty trong số này áp dụng Hiệp định tránh đánh thuế hai lần để không thực hiện nộp thuế nhà thầu. Chỉ có 3/18 công ty khác tách phụ phí ra khỏi cước vận tải. Các công ty này xác định các khoản phụ phí là khoản thu dịch vụ.

Do quy định của pháp luật về cước vận tải và phụ phí không rõ ràng nên Nhà nước thất thu hàng ngàn tỉ đồng tiền thuế các loại mỗi năm, trong khi các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trong nước tiếp tục bị “rút ruột”.

Tóm lại là do không quy định rõ ràng nên Nhà nước thất thu hàng ngàn tỉ đồng tiền thuế các loại mỗi năm, trong khi các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trong nước tiếp tục bị “rút ruột” khiến giá hàng hóa xuất khẩu trở nên kém cạnh tranh.

Bộ Tài chính còn đưa ra con số chứng minh rằng, một số loại phụ phí chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng số phụ phí nhưng các hãng tàu nước ngoài hưởng phần lớn, bên cho thuê cảng Việt Nam được hưởng rất ít. Thời điểm năm 2013-2014, phí dịch vụ xếp dỡ container (THC) chiếm 49,69% tổng số phụ phí. Các hãng tàu thu của doanh nghiệp xuất khẩu 131,5 đô la Mỹ/container 40 feet, trong khi họ chỉ trả phí này cho cảng biển là 69,1 đô/container 40 feet. Đó không thể là phụ phí đơn thuần “ăn theo” cước vận tải biển mà chính là thu nhập từ hoạt động kinh doanh khác ngoài hoạt động vận tải biển của các hãng tàu.

Là dịch vụ bán kèm phải nộp thuế

Bộ GTVT và Bộ Tài chính quyết định sẽ ban hành biểu giá cước vận tải biển, biểu giá dịch vụ cảng trong chương trình xây dựng văn bản từ năm 2015 trên cơ sở rà soát tất cả các loại phụ phí theo cước vận tải mà các hãng tàu quốc tế đang áp dụng tại Việt Nam. Mục đích là phân định bản chất của khoản phụ phí, loại nào là cước vận tải biển, để áp thuế cho phù hợp.

Nhưng trong các lần lấy ý kiến đối với dự thảo biểu giá này, các cơ quan quản lý lại “vênh” nhau về cách xác định bản chất của khoản thu.

Bộ GTVT, Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam chia các nhóm phụ phí theo đối tượng là người thanh toán cước vận tải biển (người có quyền lựa chọn hãng tàu để thuê và thanh toán cước phí là người nhập FOB, xuất CIF). Có nghĩa là những khoản phụ phí theo giá vận tải biển mà người thanh toán cước vận tải biển trả cho hãng tàu đều coi là cước vận tải biển. Còn các khoản phụ phí mà người không có quyền thuê tàu thanh toán cho hãng tàu (đang rất phổ biến ở Việt Nam vì các doanh nghiệp Việt Nam nhập CIF, xuất FOB) và các khoản phụ phí địa phương mà chủ hàng thanh toán cho những dịch vụ phát sinh ở nước ngoài, được thu hộ bởi đầu mối (đại lý) tại Việt Nam và thu chênh lệch thì coi là dịch vụ khác.

Phía Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì phân nhóm phụ phí theo nội dung công việc và thời gian vận chuyển. Theo đó, những khoản phụ phí phát sinh liên quan đến nội dung công việc vận chuyển và nằm trong khoảng thời gian vận chuyển theo công ước Brussels (từ khi xếp hàng xuống tàu cho đến khi dỡ hàng ra khỏi tàu) được coi là cước vận tải biển, những khoản không đáp ứng cả hai điều kiện trên thì coi là dịch vụ khác.

Bộ Công Thương và Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam thậm chí có quan điểm ngược lại cho rằng bản chất các khoản phụ phí mà các hãng tàu áp dụng kèm theo giá cước đều được coi là giá cước.

Bộ Tài chính cho rằng, cách phân loại của Bộ GTVT có vẻ đơn giản, dễ thực hiện vì các khoản phụ phí theo giá vận tải biển chỉ căn cứ theo người có quyền thuê tàu và thanh toán cước (nhập FOB, xuất CIF), bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp Việt Nam.

Như vậy, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ các nguyên tắc đánh thuế nhà thầu đối với các khoản phụ phí theo cước vận tải biển theo cách: Sẽ được coi phụ phí theo giá cước (để hưởng thuế giá trị gia tăng 0% và thuế thu nhập doanh nghiệp 2% trên doanh thu) nếu người có quyền thuê tàu xuất CIF (giá xuất là giá tại cửa khẩu của bên nhập đã bao gồm chi phí bảo hiểm, vận chuyển hàng hóa tới cửa khẩu bên nhập), nhập FOB (giá tại cửa khẩu bên xuất, chưa bao gồm các chi phí trên). Trường hợp bên Việt Nam nhập CIF, xuất FOB mà phải trả phụ phí cho hãng tàu thì không được coi là cước vận tải biển và phải đánh thuế đối với dịch vụ khác.

Phụ phí xếp dỡ container (THC), phụ phí địa phương không được coi là cước vận tải biển và phải chịu 10% thuế giá trị gia tăng, 5% thuế thu nhập doanh nghiệp.

Bộ Tài chính dự tính chỉ áp dụng nguyên tắc tính thuế, phân loại phụ phí như thế này tại thời điểm Quyết định công bố biểu giá cước vận tải biển, dịch vụ cảng được Chính phủ thông qua mà không hồi tố các trường hợp đã kê khai thuế, phí trước thời điểm văn bản mới có hiệu lực.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn.

TIN LIÊN QUAN
THÔNG TIN KHÁC
Lợi thế CP cảng biển (3/22/2016 11:19:27 AM)
Mở tuyến vận tải biển In-cheon - Hải Phòng (3/21/2016 11:43:21 AM)
Doanh nghiệp cảng biển thận trọng với kế hoạch kinh doanh 2016 (3/21/2016 11:42:04 AM)
Sẽ có quy định pháp lý riêng cho cảng khu vực Cái Mép-Thị Vải (3/18/2016 11:10:03 AM)
Hơn 21 nghìn hồ sơ xuất nhập cảnh tàu biển được giải quyết qua NSW (3/14/2016 11:13:10 AM)
Cảng biển tỷ đô vã mồ hôi vì đói hàng (3/14/2016 11:11:14 AM)
Mở Cảng Quốc tế Cam Ranh: Việt Nam cần lưu ý gì? (3/11/2016 10:41:56 AM)
Khánh thành Cảng quốc tế Cam Ranh (3/9/2016 10:05:47 AM)
Hãng tàu ngoại “hết cửa” phụ thu ẩu (3/9/2016 9:56:39 AM)
Giảm dư nợ, 'điểm sáng' trong tái cơ cấu Vinalines (3/8/2016 11:07:43 AM)
BÌNH LUẬN

Bình luận của bạn

Nội dung:
Email / Tên / Điện thoại:
 

Bạn thấy giao diện mới của website như thế nào?
Rất đẹp
Đẹp
Bình thường
Không đẹp lắm

VẬN CHUYỂN CONTAINER QUỐC TẾ/NỘI ĐỊA UY TÍN, CHẤT LƯỢNG. HOTLINE: 0903 974 124
CÔNG TY TNHH CÁT TƯỜNG GIANG (CTG LOGISTICS & SHIPPING AGENCIES)

© 2005-2020 Bản quyền thuộc về Viện Logistics Việt Nam (VIL) - Liên hệ quảng cáo
Ghi rõ nguồn "VietnamShipper" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này

Tầng 25, Pearl Plaza - 561A Điện Biên Phủ, P.25, Q.Bình Thạnh, Tp.HCM - Tel: (+84-8) 3513 6399 - Fax: (+84-8) 3513 6359 - Email: admin@vietnamshipper.com